Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:02 (GMT +7)
Sản xuất nông nghiệp năm 2023: Nhiều điểm nhấn ấn tượng
Thứ 4, 13/12/2023 | 14:37:02 [GMT +7] A A
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 tốc độ tăng trưởng của ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh là 4,43%, tăng 0,22% so với kịch bản tăng trưởng, đóng góp 0,2 điểm % vào GRDP của tỉnh. Đây là cơ sở, động lực để ngành thực hiện thành công các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2024.
4 lĩnh vực sản xuất đều tăng trưởng
Năm 2023 toàn tỉnh duy trì ổn định diện tích trồng trọt (trên 62.400ha) và sản lượng lương thực (trên 220.000 tấn). Nét mới là cơ cấu cây trồng trên đất chuyển dịch theo hướng tăng diện tích loại cây có giá trị kinh tế cao, mở rộng vùng trồng cây ăn quả, tăng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tăng các vùng trồng được cấp mã số.
Hai loại cây cho giá trị rất cao là trà hoa vàng và ba kích được mở rộng diện tích trồng lần lượt là 265ha và 263ha. Các loại cây ăn quả có được thị trường tiêu dùng lớn là vải chín sớm Phương Nam, cam V2, chè Ngọc Thúy, ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ... tiếp tục được mở rộng diện tích trồng. Toàn tỉnh hiện có 51 vùng trồng được cấp mã số, 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, là cơ sở để nông sản Quảng Ninh đáp ứng các điều kiện xuất khẩu và thương mại điện tử.
Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh tính đến hết tháng 11/2023 tăng so với đầu năm (đàn trâu tăng 6,8%, đàn bò tăng 4,5%, đàn lợn tăng 13%, đàn gia cầm tăng 6%); tổng sản lượng thịt hơi tăng gần 2%. Phương thức chăn nuôi chuyển biến rõ từ nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang nuôi quy mô lớn. Các mô hình chăn nuôi nông hộ đã có sự ứng dụng KHCN. Riêng đàn gà Tiên Yên và đàn lợn Móng Cái, 2 đối tượng nuôi chủ lực của nông nghiệp tỉnh năm 2023, đã tăng tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao.
2 lĩnh vực lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2023 được đánh giá là chỉ tiêu có mức tăng ấn tượng, trong đó lâm nghiệp tăng trưởng về diện tích trồng rừng tập trung, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 177.000 tấn; trong đó nuôi trồng trên 103.400 tấn, tăng 8,7% so với kịch bản tăng trưởng, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh là tăng nuôi trồng, giảm khai thác.
Toàn tỉnh hiện có gần 10.500 cơ sở NTTS, tổng diện tích nuôi 32.000ha, trong đó chủ yếu là các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá biển, nhuyễn thể; 16 cơ sở ương, dưỡng giống thủy sản, cơ bản đảm bảo khả năng cung ứng nguồn giống thủy sản nuôi trên địa bàn.
Năm 2023, 16 cơ sở này đã cung ứng trên 3 triệu giống thuỷ sản, trong đó có 2,5 triệu giống tôm, đưa Quảng Ninh là trung tâm cung ứng giống tôm nuôi lớn nhất miền Bắc. Đây là những điều kiện để NTTS Quảng Ninh ngày càng phát triển đúng hướng.
Phát huy vai trò “2 nhà”
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2023 ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện nhiệm vụ trên nền tảng thuận lợi là Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt; Quảng Ninh có 8 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số, ngành Nông nghiệp có 2 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng 5%. Đây là lực đẩy để ngành phát triển. Tuy nhiên khó khăn là thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào cao, trong khi giá một số nông sản giảm...
Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động, kịp thời tham mưu, ban hành những nghị quyết, kế hoạch, thông báo, chương trình hành động... về phát triển nông nghiệp, như: Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, về khung giá rừng; đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ; kế hoạch phòng dịch bệnh nông nghiệp sớm; chương trình hành động chống khai thác thủy sản trái phép; xếp hạng các địa phương về công tác quản lý ATTP nông sản...
Sở NN&PTNT đẩy mạnh chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Kết quả là hình thành các mô hình: Gần 100ha lúa chất lượng cao Japonica và ST25; trồng hồi ghép; trồng thâm canh cây quế theo hướng hữu cơ; nuôi cá song bằng lồng HDPE; nuôi bò lai sinh sản; nuôi sá sùng trong ao...
Sở phối hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua chuỗi hoạt động kết nối, đưa cơ sở sản xuất, đưa nông sản đến với các hội chợ nông sản, Festival nông sản, hội chợ thực phẩm đồ uống, phiên chợ nông sản, hội chợ OCOP... trong và ngoài tỉnh. Sở NN&PTNT hỗ trợ hộ sản xuất tham gia chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Hokkaido Nhật Bản, Hội nghị gặp gỡ Thái Lan 2023, tổ chức các chuyến khảo sát thị trường để doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh tham gia...
Kết quả, trong năm 2023, Sở NN&PTNT đã phối hợp hỗ trợ tiêu thụ trên 550.000 tấn nông sản, trong đó có 2,2 triệu tấn dăm mảnh, viên nén và các sản phẩm thuỷ sản được xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng với những tích cực từ đơn vị quản lý, các cơ sở đã nỗ lực duy trì ổn định, tăng trưởng sản xuất. Khối các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Phú Lâm, Thiên Thuận Tường, Phúc Long, Đông Bắc Green... tiếp tục phát triển, góp phần điều tiết cán cân tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp thủy sản là đầu mối cung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm và là đơn vị hạt nhân đưa sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Đặc biệt trong năm 2023 toàn tỉnh hình thành mới 36 HTX nông nghiệp, tăng 80% so với kế hoạch, nâng tổng 496 HTX nông nghiệp. Các HTX đã thể hiện được vai trò dẫn dắt kinh tế nông thôn, nhiều trong số đó đi theo hướng tăng hàm lượng KHCN, tăng hình thành các chuỗi sản xuất. Tiêu biểu, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) được Trung ương HND bình chọn là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Việt Hoa
- Quán triệt thực hiện chỉ tiêu kế hoạch lĩnh vực NN&PTNT năm 2024
- Đông Triều đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn
- Đổi thay ở một xã nông nghiệp
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 các tỉnh phía Bắc tại Hải Dương
- Đảm bảo an ninh lương thực từ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
- Đẩy mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể
- Phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp
- Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp
- Người phát triển thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui
Liên kết website
Ý kiến ()