Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:25 (GMT +7)
Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2022
Chủ nhật, 19/12/2021 | 18:14:10 [GMT +7] A A
Điểm đáng chú ý nhất trong tuyển sinh năm 2022 là nhiều trường đại học mở rộng phương thức tuyển sinh, tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh.
Nhiều đơn vị thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2022 như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Các trường đã tổ chức thi riêng ở những năm trước là: Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Sư phạm TP.HCM...
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến năm tới tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 7-8 đợt trong năm cho thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện 47 đơn vị đào tạo đại học đã đăng ký hoặc đặt vấn đề sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường để tuyển sinh 2022. Trong đó, các trường đào tạo khối ngành kinh tế - kinh doanh hàng đầu ở Hà Nội đều tham gia như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng… Các cơ sở giáo dục cũng ký kết phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành một điểm tổ chức kỳ thi năm 2022 là Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Thái Nguyên.
Cùng với việc sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, cơ cấu chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng thay đổi. Theo đó, các trường top đầu có xu hướng giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021.
Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội vừa đưa ra dự kiến phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Theo đó, nhà trường đưa ra 3 phương án tuyển sinh và có sự thay đổi về chỉ tiêu của từng phương án. Cụ thể:
Trường dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.
PGS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Đại học Giao thông Vận tải - cũng cho hay, nhà trường sẽ duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm ngoái gồm: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40-50%), kết quả học bạ THPT (20-30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1-2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5-10%).
Ngoài ra năm nay, trường còn sử dụng thêm kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức để tuyển 20-30% tổng chỉ tiêu. So với năm ngoái, tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học khác như Đại học Xây dựng Hà Nội, Thủy lợi, Công nghệ Giao thông vận tải, Mỏ - Địa chất, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng dự kiến dành khoảng 20-30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.
Theo VTC
- Trường Đại học Hạ Long tổng kết công tác tuyển sinh năm 2021
- Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp - Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021
- Tuyển sinh đại học 2022: Sử dụng kết quả chung hay tổ chức thi riêng?
- Tuyển sinh 2022: Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học làm điều gì?
- Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2021: Chưa thể kết luận số lượng thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu
Liên kết website
Ý kiến ()