Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 15:50 (GMT +7)
Nhiều địa phương “ế” vaccine phòng Covid-19: Có cần thiết tiêm mũi 4?
Thứ 6, 17/06/2022 | 09:45:39 [GMT +7] A A
Hiện nhiều địa phương “ế” vaccine phòng Covid-19; Bộ Y tế và chuyên gia nói gì về sự cần thiết tiêm mũi 4?
Nhiều người dân từ chối tiêm mũi 4 vaccine Covid-19
Từ đầu tháng 6, Hà Nội triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại thứ 2. Tuy nhiên, nhiều quận huyện ghi nhận sự sụt giảm số lượng người đăng ký tiêm vaccine.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Xuân (Hà Đông) đã nhận được thông báo đăng ký tiêm mũi 4, tuy nhiên, cả hai cùng từ chối, bởi sau tiêm mũi 3, cả hai ông bà cùng mắc Covid-19. “Chỉ rát họng có 2 ngày, rồi húng hắng vài bữa là khỏi rồi nên vợ chồng tôi không tiêm mũi nữa”, bà Xuân cho biết.
Theo lãnh đạo ngành Y tế quận Hà Đông, số lượng đăng ký tiêm mũi vaccine Covid-19 mũi 4 sụt giảm đáng kể so với những mũi tiêm trước. Nguyên nhân thì có nhiều, đa phần người dân cho biết đã tiêm mũi 3 và mắc Covid-19 sau đó nên không tiêm nữa hoặc nếu có mắc biểu hiện cũng rất nhẹ nhàng; hơn nữa tình hình dịch hiện đang được kiểm soát tốt.
Hiện nay, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.
Và tình trạng người dân từ chối tiêm các mũi nhắc lại khiến nhiều địa phương “ế” vaccine phòng Covid-19.
Trước hiện trạng “ế” vaccine phòng Covid-19 như hiện nay, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, mặc dù đất nước ta đã ở trạng thái bình thường mới nhưng không thể lơ là mà cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện, biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Hơn nữa miễn dịch có được do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch.
Do vậy, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục rà soát đối tượng, tăng cường truyền thông, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, từng xã, phường, thị trấn và thực hiện các biện pháp khác để đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tổ chức tiêm mũi 4 cho đối tượng cần tiêm chủng.
Địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trong độ tuổi tiêm chủng và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Có cần thiết tiêm vaccine mũi 4?
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trong thời gian tới, số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch); các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia (như Trung Quốc, Triều Tiên…) vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Phu cho biết thêm, khác với một số vaccine như vaccine đậu mùa, sởi, bại liệt… có miễn dịch rất bền vững, gần như suốt đời, vaccine viêm não Nhật Bản B cũng có miễn dịch rất cao, thì tiêm vaccine phòng Covid-19 sau từ 4-6 tháng, miễn dịch sẽ giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm, người đã tiêm rồi vẫn có thể nhiễm Covid-19 và nguy hiểm hơn cho người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già…
Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vaccine phòng Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm “ưu thế” trên thế giới.
Trước câu hỏi liệu nếu xuất hiện làn sóng mới lây nhiễm Covid-19, vaccine hiện nay có còn hiệu lực bảo vệ không?, ông Trần Đắc Phu cho hay: “Không giống như vaccine cúm mùa chúng ta phải tiêm hàng năm, phải sản xuất lại vaccine theo biến chủng mới, tại thời điểm hiện nay thì vaccine Covid-19 không phải là vaccine sản xuất theo biến chủng mới hằng năm , đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vaccine vẫn có tác dụng với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Vì vậy, cần nhấn mạnh việc tiêm mũi nhắc lại hoàn toàn cần thiết để phòng bệnh. Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền”.
Về vấn đề này, GS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ông hiểu tâm lý phần lớn người dân hiện không còn sợ Covid-19 như trước, nhất là trường hợp tiêm 2-3 mũi vaccine và từng nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học, những người trên 50 tuổi nên tiêm mũi nhắc lại lần 2 (tức mũi 4), bởi nhóm này vẫn có khả năng mắc bệnh nặng, nguy cơ tử vong.
"Người trên 50 tuổi chắc chắn nên tiêm. Còn người trẻ, người dưới 50 tuổi, không có bệnh nền thì có thể cân nhắc tiêm hoặc không tiêm, nhưng theo ý kiến của tôi là nên tiêm mũi 4. Các thống kê cho thấy mũi 4 vẫn có lợi, tác dụng tăng kháng thể, bảo vệ tốt hơn. Điều quan trọng là hiện tại, vaccine Covid-19 vẫn được khuyến khích tiêm miễn phí", PGS. Dũng nói.
Theo Báo Giao thông
Liên kết website
Ý kiến ()