Trường Đại học Kinh tế quốc dân năm nay thông báo dành 25% trong tổng 6.200 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. So với năm ngoái, tỷ lệ này giảm 10%. Như vậy, trong vòng ba năm, chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường này giảm từ 70 xuống 25%.
Thay vào đó, trường dành 70% chỉ tiêu cho đề án riêng, xét theo điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội, TP HCM và thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh, là học sinh trường chuyên.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết việc này vẫn đáp ứng yêu cầu không thay đổi quá 30% chỉ tiêu trong một phương thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Thương mại chia tỷ lệ tuyển sinh của từng phương thức theo ngành. Chẳng hạn, ngành Marketing (Marketing thương mại) dành 60 chỉ tiêu để tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp, chiếm 30% chỉ tiêu của ngành. Tỷ lệ này cũng được duy trì ở hầu hết ngành khác, riêng ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán chỉ dành khoảng 27% chỉ tiêu xét từ điểm thi tốt nghiệp. Năm ngoái, nhiều ngành của trường Đại học Thương mại dành tới 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức này.
Trong đề án tuyển sinh công bố cuối tháng 2, Học viện Tài chính cho biết dành tối thiểu 60% trong số 4.200 chỉ tiêu để xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; kết quả thi văn hóa do trường khác tổ chức khoảng 7%.
Như vậy, chỉ tiêu còn lại cho những thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp còn khoảng 33%, thấp hơn so với tỷ lệ 45% cho phương thức này hồi năm ngoái.
Ở khối ngoài công lập, trường Đại học Đại Nam cũng dành 30% chỉ tiêu để xét kết quả ba môn theo tổ hợp từ điểm thi tốt nghiệp, còn lại xét học bạ 60%, xét tuyển thẳng và xét thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài 10%.
Ở phía Nam, trường Đại học Kinh tế TP HCM chỉ dành 8% trong số 7.650 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, tương tự năm ngoái. Phần lớn chỉ tiêu được trường dành để xét học bạ (khoảng 80-90%), còn lại dành để xét tuyển kết hợp điểm thi và chứng chỉ quốc tế, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực.
Lý giải việc nhiều trường giảm chỉ tiêu từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ông Triệu cho rằng nguyên nhân chủ yếu do kỳ thi này có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, nên độ phân hóa không cao. Do đó, các đại học, nhất là những trường top đầu, cần có phương thức xét tuyển phù hợp, nhằm chọn được thí sinh chất lượng.
Tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, ông Triệu cho biết đã có lộ trình không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp nên tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức này sẽ giảm dần qua từng năm. Trường này nhận định đề thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia phân loại tốt, nên sắp tới sẽ ưu tiên chỉ tiêu xét tuyển kết hợp điểm thi năng lực với chứng chỉ quốc tế.
Trong khi đó, nà Cao Quỳnh, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Đại Nam, cho biết việc phân bổ chỉ tiêu từng phương thức được tính toán dựa trên kết quả tuyển sinh các năm trước.
"Thực tế vài năm gần đây, thí sinh rất quan tâm đến các phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, nhằm nâng cao khả năng trúng tuyển đại học, giảm áp lực thi cử và bỏ yếu tố may rủi", bà Quỳnh nói.
Theo bà Quỳnh, điểm học bạ của thí sinh thể hiện kết quả học tập cả quá trình, được đánh giá bởi nhiều giáo viên THPT nên "rất đáng tin cậy". Kết hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra (với riêng khối ngành Y Dược), bà Quỳnh cho biết thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình học, trình độ không khác biệt với thí sinh được tuyển từ các phương thức còn lại.
Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 diễn ra đầu tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm 2022, gần 48% thí sinh trúng tuyển bằng xét điểm thi tốt nghiệp, giảm so với các năm trước. Bộ đề xuất một số trường có thể nghiên cứu dùng điểm thi tốt nghiệp làm điều kiện sơ tuyển đầu vào đại học.
Ý kiến ()