Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:10 (GMT +7)
Nhiều cựu lãnh đạo và cán bộ sở, ngành ở Thái Nguyên hầu tòa vì hơn 3,1 triệu tấn than lậu
Chủ nhật, 10/09/2023 | 10:07:00 [GMT +7] A A
Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang, Châu Thị Mỹ Linh cùng 30 bị cáo, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ sở, ngành ở Thái Nguyên liên quan vụ khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đưa ra xét xử, nhưng phiên tòa đã phải trì hoãn.
Theo đó, TAND tỉnh Thái Nguyên vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 33 bị cáo trong vụ án khai thác hơn 3,1 triệu tấn than trái phép tại mỏ than ở xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Tuy nhiên, do vắng mặt một số luật sư bào chữa cho các bị cáo và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên HĐXX quyết định dời lịch xét xử sang ngày 9-10-2023.
Trong vụ án này, hai “đại gia than lậu” tại Quảng Ninh là anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang (cổ đông Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”. Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty Yên Phước) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Các bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn (cựu Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Thế Giang (cựu Phó giám đốc); Cao Sỹ Linh (chuyên viên Phòng Khoáng sản); Lại Trung Hiếu (Phó chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Ngô Quyết (cựu Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên) cùng 2 cấp dưới là Đỗ Huy Cương, Nguyễn Văn Phong (cựu Trưởng phòng và cựu Phó phòng Kỹ thuật an toàn môi trường) bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng truy tố, lợi dụng việc Công ty cổ phần Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang góp vốn đã cấu kết với Linh, đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản với công suất vượt nhiều lần trữ lượng được cấp phép.
Cụ thể, từ tháng 6-2018 đến tháng 8-2021, các bị cáo đã khai thác tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, trong khi sản lượng được cấp phép chỉ hơn 136 nghìn tấn.
Để che giấu hoạt động khai thác than trái phép, vượt quá trữ lượng, Châu Thị Mỹ Linh và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã tạo lập khống các hợp đồng khai thác than với sản lượng 8.000 tấn/ năm; hợp đồng mua bán thành phẩm sau khai thác, và nhiều hóa đơn, chứng từ, nhằm hợp thức việc kê khai, báo cáo với các cơ quan chức năng.
Linh còn chỉ đạo cấp dưới lập và ký với Bùi Hữu Khoa (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương) các biên bản nghiệm thu khối lượng than nguyên khai được khai thác hàng tháng chỉ từ 900 đến 1.400 tấn, để phù hợp với sản lượng khai thác ghi tại hợp đồng khống và phù hợp với số lượng than được phép khai thác hàng năm.
Quá trình điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.
Các bị cáo Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang và đồng phạm khai nhận, để hợp thức số than khai thác và tiêu thụ trái phép, các bị cáo này đã mua 475 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị gồm cả thuế lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn tiền để trả cho việc mua hóa đơn chủ yếu lấy từ tiền bán than lậu.
Cũng theo cáo trạng, để xảy ra việc khai thác trái phép mỏ than Minh Tiến, một số cựu lãnh đạo tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều vi phạm. Trong đó, tại 4 lần kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm nhưng việc khắc phục, xử lý vi phạm đã bị bỏ qua.
Bên cạnh đó, một số cựu lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cũng vi phạm trong việc thẩm định, tham mưu và ký ban hành Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt quá khối lượng được phê duyệt trước đó, “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp có vật liệu nổ công nghiệp để sử dụng khai thác than trái phép.
Cựu Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngô Quyết khai đã nhận 100 triệu đồng từ Châu Thị Mỹ Linh để tổ chức Đại hội Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Thái Nguyên (do Quyết làm Chủ tịch Liên đoàn).
Liên quan tới vụ án trên, cơ quan chức năng cũng xác định, hành vi cấp giấy phép khai thác cho Công ty Kim Sơn và chuyển nhượng cho Công ty Yên Phước; cấp giấy phép khai thác cho Công ty Yên Phước đã thực hiện không đúng quy định; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về Đảng, hành chính theo quy định của pháp luật đối với 9 cá nhân.
Trong số những người trên có ông Dương Ngọc Long (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên); Đặng Viết Thuần (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh) và Dương Văn Khanh (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng một số cá nhân khác.
Theo anninhthudo.vn
Liên kết website
Ý kiến ()