Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:55 (GMT +7)
Nhiều bất thường trong việc mua trang thiết bị y tế ở Bà Rịa-Vũng Tàu
Thứ 4, 11/05/2022 | 22:58:19 [GMT +7] A A
Gói thầu mua sắm sinh phẩm cho xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp realtime RT-PCR trị giá hơn 17,1 tỷ đồng có giá trúng thầu 24/26 mặt hàng nhập khẩu tăng 229% so với giá nhập khẩu.
Ngày 11/5, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Văn Tuấn đã ký Công văn số 5324/UBND-VP chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện Kết luận thanh tra số 01/KL-TTr ngày 29/4/2022 của Thanh tra tỉnh trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo Kết luận thanh tra, trong thời gian từ 1/1/2020 đến 31/12/2021, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với tổng giá trị đã thanh toán là gần 207 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Trong số này, về trang thiết bị y tế, Sở Y tế thực hiện 10 gói thầu (6 gói mua sắm, 4 gói tư vấn), mua sắm 25 thiết bị với tổng giá trị gần 70,6 tỷ đồng, các cơ sở y tế mua sắm hơn 1,4 tỷ đồng; về vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, Sở Y tế thực hiện 6 gói thầu với tổng giá trị gần 68 tỷ đồng, CDC tỉnh thực hiện 6 gói thầu với tổng giá trị gần 55 tỷ đồng.
Theo xác minh của Thanh tra tỉnh, có rất nhiều bất thường ngay từ khâu lập dự toán, thẩm định dự toán, lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng tại các gói thầu của cả Sở Y tế và CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cụ thể, đối với 5 gói thầu mua 25 loại thiết bị (23 thiết bị nhập khẩu) mua sắm đợt 1/2020, Sở Y tế chỉ căn cứ vào hai chứng thư thẩm định giá của hai Công ty thẩm định giá do Sở Y tế thuê để lập dự toán mua sắm.
Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh đã chỉ ra rất nhiều sai sót trong khâu thẩm định giá của hai Công ty trên như: thiết bị là hàng nhập khẩu nhưng đơn vị tư vấn không thu thập báo giá từ các nhà nhập khẩu trực tiếp hoặc nhà phân phối độc quyền, không thu thập các thông tin liên quan đến chi phí và các điều kiện giao dịch… của tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh; không thu thập giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan hay giá ghi trên hóa đơn có thể hiện chính xác giao dịch.
Các hợp đồng thu thập tài liệu photo hầu như không có hóa đơn, biên bản nghiệm thu bàn giao và thanh lý hợp đồng.
Thậm chí, báo cáo kết quả thẩm định giá của Sở Tài chính cũng nêu rõ những hạn chế như: không có thông tin về dòng thu thập, chi phí vận hành, chi phí sản xuất hình thành tài sản… nên không có cơ sở để áp dụng phương pháp khác như phương pháp chi phí, phương pháp thu thập…, mà chỉ áp dụng phương pháp so sánh nhưng Sở Y tế vẫn phớt lờ.
Trong lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, Thanh tra tỉnh chỉ ra, tờ khai hàng hóa nhập khẩu trong hồ sơ đấu thầu được lưu tại Sở Y tế đều bị tẩy xóa thông tin giá nhập khẩu.
Đồng thời, việc thực hiện các thủ tục bàn giao, hợp đồng mua bán và nghiệm thu ở các gói thầu đều rất bất thường như: mua vào sau ngày xuất bán cho bên mua; báo giá cho thẩm định giá cao hơn giá trúng thầu; chênh lệch giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu tăng cao; nhà thầu không đủ điều kiện năng lực nhưng đơn vị tư vấn vẫn xác định đủ điều kiện năng lực.
Thực tế, tại gói thầu thứ 6 (mua sắm 1 hệ thống máy xét nghiệm PCR-đợt 2/2021), xác minh của Thanh tra tỉnh cũng cho thấy, Công ty An Thịnh Health không đủ điều kiện bán thiết bị xét nghiệm nhưng vẫn được tham gia và trúng thầu với giá gần 4,6 tỷ đồng.
Đối với các gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất của Sở Y tế và CDC tỉnh, bên cạnh một số bất thường giống như gói mua trang thiết bị y tế, Thanh tra tỉnh còn chỉ ra những vấn đề khác rất dễ nhận thấy như: thời gian thu thập báo giá và thẩm định giá chỉ 1 ngày; chứng thư số 3573/20/CER.VVALUES thẩm định giá cho 37 mặt hàng căn cứ vào 3 báo giá của 3 công ty khác nhau nhưng nội dung về chủng loại mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ đều giống nhau, thậm chí giống nhau cả về mã hàng hóa.
Một số gói thầu như: gói thầu mua sắm vật tư y tế, công cụ, dụng cụ và hóa chất sát khuẩn năm 2020 tổng giá trị hơn 11,6 tỷ đồng có giá trúng thầu của 24/58 mặt hàng nhập khẩu tăng 238% so với giá nhập khẩu.
Gói thầu mua sắm sinh phẩm cho xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp realtime RT-PCR trị giá hơn 17,1 tỷ đồng có giá trúng thầu 24/26 mặt hàng nhập khẩu tăng 229% so với giá nhập khẩu.
Ngoài ra, gói thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm trị giá gần 14,3 tỷ đồng và gói mua sắm trang thiết bị chống dịch trị giá hơn 5,9 tỷ đồng, Sở Y tế chỉ căn cứ vào những hợp đồng trước đó để lập dự toán.
Khi tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng mua sắm trực tiếp, Sở Y tế lại không xem xét giá hàng hóa tại thời điểm ký kết hợp đồng, dẫn đến có 10 mặt hàng nhập khẩu có giá trúng thầu so với giá nhập khẩu tỷ lệ chênh lệch tăng 244% và 14 mặt hàng nhập khẩu có giá trúng thầu so với giá nhập khẩu tỷ lệ chênh lệch tăng 156%.
Đặc biệt, trong gói thầu mua sắm kít xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 (đợt 5), CDC tỉnh chỉ đề xuất nhu cầu về số lượng kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 (được Sở Y tế chấp thuận mua 100.000 bộ) mà không có Biên bản họp Hội đồng khoa học, không thể hiện mua loại nào.
Sở Y tế trình Ủy ban Nhân dân tỉnh dự toán mua 100.000 bộ kít xét nghiệm kháng nguyên chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá số 3553/21/CER.VVALUES mà Thanh tra tỉnh chỉ ra là chỉ dựa trên 2 bảng báo giá và 1 kết quả trúng thầu của 3 loại test khác nhau là không chính xác.
Ngày 16/6/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán mua sắm 100.000 bộ kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên trị giá 18,8 tỷ đồng.
Ngày 17/6/2021, Tổ thẩm định của Sở Y tế có báo cáo kết quả thẩm định gói thầu, trong đó, đơn giá gói thầu cũng chỉ căn cứ vào dự toán đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Tiếp đến, Sở Y tế có tờ trình 101/TTr-SYT ngày 18/6/2021 trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1665/QĐ-UBND ngày 22/6/2021 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với giá gói thầu căn cứ theo dự toán phê duyệt vẫn giữ nguyên trị giá gói thầu 18,8 tỷ đồng.
Công ty Armephaco trúng thầu gói 100.000 bộ kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên trên với giá trị trúng thầu là 17,5 tỷ đồng nhưng các hồ sơ chứng từ trong biên bản nghiệm thu bàn giao, tiếp nhận tài sản giữa Sở Y tế, CDC và Công ty Armephaco không ghi nhận số lô, hạn dùng của sản phẩm bàn giao.
Loại kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên do Công ty Armephaco trúng thầu cung cấp cho Sở Y tế được nhập khẩu theo Tờ khai hải quan vào ngày 28/6/2021 không phải lô hàng theo Giấy chứng nhận kiểm nghiệm mà nhà thầu đã tham gia dự thầu.
Do đó, việc cung cấp số kít xét nghiệm trên cho Sở Y tế là không đảm bảo nhà thầu đã giao hàng đúng mặt hàng trúng thầu về số lô, tiêu chuẩn chất lượng đúng theo dự thầu.
Trong báo cáo số 84/BC-KSBT ngày 24/3/2022 của CDC tỉnh thể hiện, Công ty Armephaco đã giao hàng trước cho CDC tỉnh tổng cộng 100.000 bộ kít xét nghiệm (diễn ra 3 lần vào 5/7, 6/7 và 7/7/2021, trước cả thời điểm ký hợp đồng).
Điều này cho thấy, nhà thầu chưa biết kết quả đấu thầu (ngày 19/7/2021, nhà thầu mới nhận được thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật) nhưng đã bàn giao hàng cho đơn vị sử dụng trước, chứng tỏ nhà thầu đã biết chắc chắn về kết quả đấu thầu.
Bên cạnh đó, Kết luận của Thanh tra tỉnh cũng nêu, Sở Y tế tỉnh đã mượn của Công ty Armephaco 1 mặt hàng kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên với tổng số 1,5 triệu bộ (đã sử dụng 685.722 bộ, còn tồn 64.278 bộ. Hiện đã trả lại 1,15 triệu bộ, trong đó 750 ngàn bộ chưa sử dụng và 400 ngàn bộ từ nguồn tài trợ).
Sở Y tế tỉnh có Văn bản số 3321/SYT-KHTC ngày 5/7/2021 gửi Công ty Armephaco mượn 1,5 triệu bộ kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên và nhận hàng hóa trước khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quyết định mua sắm vào ngày 11/8/2021. Ngày 22/9/2021, CDC tỉnh ban hành quyết định 289/QĐ-KSBT phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn đối với 1,5 triệu bộ kít xét nghiệm cho Công ty Armephaco.
Tuy nhiên, ngày 23/9/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành công văn thu hồi các văn bản liên quan đến việc mua sắm trên.
Tương tự, CDC tỉnh đã mượn kít xét nghiệm, vật tư y tế, hóa chất của các đơn vị: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nguyên Phương 11 mặt hàng với tổng số lượng hơn 1.000 đơn vị hàng hóa; Công ty Hợp Nhất 11 mặt hàng với tổng số lượng gần 345.000 đơn vị hàng hóa; Công ty An Thịnh Health 11 mặt hàng với tổng số lượng hơn 651.000 đơn vị hàng hóa; Công ty Việt Á 1 mặt hàng với tổng số lượng hơn 28.500 bộ kít xét nghiệm và đều đã sử dụng hết.
Riêng mượn của Công ty Tạ Thiên Ân 30 mặt hàng với tổng số lượng hơn 3.248.000 đơn vị hàng hóa (kg, cái, bộ, hộp…) đã sử dụng và phân phối cho các đơn vị, chỉ còn tồn hơn 56.500 đơn vị hàng hóa.
Theo Thanh tra tỉnh, việc mượn 1,5 triệu bộ kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên của Sở Y tế và của CDC tỉnh chưa có sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân tỉnh bằng văn bản và quá trình tiếp nhận, sử dụng cũng chưa thể hiện bằng văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đến nay, CDC tỉnh chưa trả cho các đơn vị cho mượn.
Thanh tra tỉnh nêu rõ, giá trúng thầu đối với các loại hàng hóa từ khi nhập khẩu và sản xuất trong nước đều được mua bán qua lại (giữa nhà cung cấp và đơn vị trúng thầu), đến khi tổ chức mua sắm (báo giá lập nhu cầu mua sắm, tư vấn thẩm định giá để lập dự toán và tổ chức đấu thầu) làm cho giá tăng.
Chưa có sự kiểm soát chặt chẽ giá thiết bị, hàng hóa của các cơ quan chức năng quản lý về giá nhập khẩu, giá kê khai để các doanh nghiệp tự quyết định về giá một cách bất hợp lý, trong khi thực hiện nghĩa vụ thuế nộp ngân sách Nhà nước theo báo cáo tài chính của các nhà thầu trúng thầu là rất thấp.
Trong hồ sơ đấu thầu, các tờ khai hải quan không thể hiện giá nhập khẩu (xóa giá trị hàng hóa), làm ảnh hưởng tới tính công khai, minh bạch đối với hàng hóa trên thị trường./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()