Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:10 (GMT +7)
Nhiều bất cập trong thi hành Luật Nuôi con nuôi
Thứ 3, 22/06/2021 | 08:36:47 [GMT +7] A A
Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, bảo đảm trẻ em được nhận làm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình. Tuy nhiên, việc triển khai nuôi con nuôi vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Ngay khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2011), tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai cho cán bộ, công chức của các sở, ngành liên quan lĩnh vực nuôi con nuôi, UBND cấp huyện, cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép tổ chức 15 lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về giải quyết việc nuôi con nuôi cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. Để thực hiện thống nhất và có hiệu quả các quy định của Luật Nuôi con nuôi, tỉnh giao Sở Tư pháp tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện.
Qua công tác quản lý, theo dõi việc nuôi con nuôi tại địa phương cho thấy, các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt trong việc giải quyết nuôi con nuôi đối với những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi. Các thủ tục hành chính về nuôi con nuôi thường xuyên được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, niêm yết và đăng tải công khai để người dân thuận tiện tìm hiểu, thực hiện. Các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký nuôi con nuôi, đảm bảo thực hiện thủ tục đăng ký 100% trên phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song nuôi con nuôi vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, liên quan đến việc đánh giá điều kiện của người nhận con nuôi, tại điểm c, khoản 1, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định “người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”, song lại chưa có hướng dẫn, căn cứ cụ thể để xác định thế nào là có điều kiện về kinh tế, dẫn đến việc xác định không thống nhất. Xác định chỗ ở như thế nào để bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi cũng gặp khó khăn tương tự.
Theo quy định tại Điều 21 của Luật, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi. Nhưng thực tế lại phát sinh những trường hợp cho nhận con nuôi rất tùy tiện, như: Sau khi sinh con, cha mẹ đẻ vì lý do nào đó cho con làm con nuôi có thể là trao tay, giấy viết tay..., mà không để lại địa chỉ, thậm chí để lại địa chỉ giả. Do đó, khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, UBND xã gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến và phải mất nhiều thời gian để xác minh.
Việc thay đổi hộ tịch cho con nuôi cũng gặp không ít bất cập. Theo quy định tại khoản 3, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ em có cha, mẹ đẻ đồng ý cho làm con nuôi thì dân tộc của con nuôi không được thay đổi theo dân tộc của cha, mẹ nuôi, trong khi phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh đã được thay đổi, gây ảnh hưởng đến tâm lý của cả người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 15 Luật Nuôi con nuôi quy định về trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Theo đó trường hợp trẻ em có cha, mẹ đẻ, người thân thích không còn khả năng nuôi dưỡng thì báo cáo với UBND cấp xã để tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Tuy nhiên, không có cơ sở để xác định thế nào là không có khả năng nuôi dưỡng, điều này gây khó khăn cho việc áp dụng quy định của Luật vào thực tế của các địa phương trong quá trình thực hiện.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, tại một số địa phương miền núi, biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nên vẫn còn tình trạng người dân tự thỏa thuận cho - nhận con nuôi mà không đến cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh. Đến khi trẻ đi học cần có giấy khai sinh thì người dân mới đi đăng ký khai sinh, nên việc đăng ký gặp khó khăn, không đảm bảo được quyền lợi các bên.
Đối với đăng ký con nuôi nước ngoài, việc tìm gia đình thay thế cho những trẻ em từ 5 tuổi trở lên gặp khó khăn hơn so với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở độ tuổi nhỏ, vì trẻ em càng lớn tuổi thì càng khó hòa nhập với gia đình cha, mẹ nuôi, thường mặc cảm tự ti, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ...
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nuôi con nuôi, bên cạnh tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc đảm bảo thực hiện giải quyết nuôi con nuôi, thì những bất cập trong quy định của Luật cần được các cấp, ngành xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()