Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:21 (GMT +7)
Nhảy việc ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của gen Z như nào?
Thứ 5, 08/06/2023 | 16:34:45 [GMT +7] A A
“Thế hệ nhảy việc” là một tên gọi được gắn cho các nhân sự gen Z bởi khác với gen X và Y, gen Z không chỉ thay đổi công việc nhiều hơn mà lý do ẩn đằng sau việc đó cũng vô cùng đặc biệt. Chuyện gen Z nhảy việc liên quan gì đến sức khỏe tinh thần?
Nhảy việc vì không đủ hạnh phúc.
Nhảy việc là cụm từ chỉ hành động thay đổi công việc này sang công việc khác trong một thời gian ngắn (dưới 1 năm). Hiện tượng này khá phổ biến ở giới trẻ hiện nay và nó đã có những tác động nhất định không chỉ đối với cá nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội.
Những lý do liên quan đến vấn đề nhảy việc của gen Z thường được đưa ra đó là: cá tính mạnh, không lắng nghe và tiếp thu ý kiến, ảo tưởng năng lực bản thân... Tuy nhiên một sự thật mà cần nhìn nhận đó là gen Z có thể nghỉ việc vì họ không đủ hạnh phúc trong môi trường làm việc đó.
Thanh Ngân, sinh viên năm 2, Đại học Thương Mại đã từng nhảy việc nhiều lần bởi môi trường làm việc không thích hợp. “Tôi cảm thấy sợ hãi mỗi khi phải thức dậy và đi làm. Nghĩ đến việc đến một môi trường làm việc với nhiều sự soi mói, thảo mai và tôi luôn phải gồng mình khiến tôi cảm thấy kiệt sức” - Thanh Ngân chia sẻ.
Môi trường làm việc có tốt hay không, không chỉ xuất phát từ yếu tố công việc mà còn cần kể đến những nhu cầu thiết yếu trong đời sống như: nơi đỗ xe, chỗ nghỉ trưa, nơi giải trí, thư giãn... cũng là một yếu tố tác động đến chỉ số hạnh phúc cho thế hệ nhân sự gen Z.
Đỗ Phong, sinh viên năm 3, Đại học FPT chia sẻ: “Mình đi làm khá nhiều nơi và một trong số những tiêu chí lựa chọn công việc chính là môi trường công ty có đầy đủ những trang thiết bị và không gian phục vụ nhân sự khi nghỉ ngơi, thư giãn. Thật khó để làm việc văn phòng liên tục 8 tiếng trong một nơi khiến bạn không thấy thoải mái”.
Những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống là nền tảng tạo nên sự hạnh phúc cho con người. Đa số ai cũng sẽ làm việc ⅔ cuộc đời và đó cũng là lý do dễ hiểu khi gen Z nhảy việc vì họ không đủ hạnh phúc trong môi trường làm việc đó.
Người làm "sếp" nghĩ sao về chuyện nhảy việc và sức khỏe tinh thần của nhân viên?
Một số ý kiến thường được đưa ra khi đề cập đến hai chữ “nhảy việc” đó là: “Cố gắng làm 2 năm đi rồi nhảy việc”, “Nhảy việc nhiều sẽ khiến hồ sơ xấu, không ai tuyển đâu”,... Trên thực tế, định kiến ấy đã dần cũ bởi theo khảo sát đến từ Robert Half International, Công ty tư vấn nguồn nhân lực toàn cầu gần đây thì có đến 71% nhà tuyển dụng hài lòng đối với những người nhảy việc.
Thùy Minh là host của rất nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng cũng đã từng chia sẻ rằng chị hoàn toàn hiểu, thông cảm và dành cho nhân viên những quãng nghỉ khi nhân viên bày tỏ rằng: “Chị cho em xin nghỉ vài ngày. Sức khỏe tinh thần của em đang không ổn”.
Lý do nghỉ việc của các thế hệ nhân sự trước đây thường liên quan đến sức khỏe thể chất, chuyện riêng trong gia đình,... nhưng gen Z xuất hiện và bổ sung vào danh sách đó là họ cần thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần.
CEO Findjobs Đỗ Lan Anh chia sẻ trong một bài viết, cách để làm việc cùng gen Z chính là lắng nghe, thấu hiểu và trao quyền tự quyết cho họ. Nhìn vào thực tế, một bộ phận giới trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường no đủ. Câu nói “ăn no, mặc ấm” dần được thay bằng “ăn ngon, mặc đẹp”. Điều mà gen Z hơn các thế hệ trước chính là sự lựa chọn. Mặc dù vậy thì trên vai họ cũng gánh theo vô vàn những áp lực vô hình mà các thế hệ trước cần nhiều thời gian và sự cởi mở để thấu hiểu.
Giờ đây đi làm với gen Z không còn là để đáp ứng nhu cầu về mặt kinh tế mà còn là một thành tố quan trọng tác động đến lối sống và định hướng phát triển trong tương lai. Cởi mở hơn khi nghe thấy, nhìn thấy người bên cạnh nhảy việc vì sức khỏe tinh thần của họ không ổn là điều cần được lan tỏa rộng rãi.
Sự thay đổi từ các công ty trên hành trình tạo ra môi trường làm việc lý tưởng
Rất nhiều những lãnh đạo doanh nghiệp, những người chủ công ty đã nhận ra vấn đề của nhân sự gen Z và có những thay đổi tích cực nhằm tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng.
Minh chứng rõ nét cho khía cạnh này chính là việc Tiki lựa chọn Dreamplex là địa điểm để mở rộng chi nhánh làm việc tại Hà Nội. Chị Sakshi Jawa, Tổng Giám đốc nhân sự Tiki, doanh nghiệp hai lần được vinh danh có “Môi trường làm việc tốt nhất châu Á” đã bày tỏ về chỗ làm việc lý tưởng cho nhân viên chính là “Nơi nhân viên cảm thấy hạnh phúc bởi họ được quan tâm một cách toàn diện”.
Sẽ thật tuyệt vời khi được làm việc ở một văn phòng được thiết kế với đầy đủ công năng và điều này sẽ giúp mọi người cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mỗi khi đi làm. Tiki đã và đang trên hành trình xây dựng điều đó bởi sự thay đổi của các nhân sự gen Z cũng như mong muốn tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất.
Nhu cầu bên ngoài được đáp ứng là chưa đủ, thế hệ nhân sự gen Z còn mưu cầu về việc được thấu hiểu và lắng nghe những suy nghĩ, cá tính riêng của mỗi người. Một tinh thần khỏe sẽ là bước đà cho một sức khỏe tốt, đó cũng là yếu tố cần thiết để nâng cao hiệu suất công việc.
Trang Tara ở Co founder CIVIX Group chia sẻ: “Là một người sếp gen Z, mình thấu hiểu trọn vẹn hơn những khó khăn của nhân viên trên phương diện tinh thần. Đây cũng là lý do đằng sau những buổi nói chuyện, chia sẻ hàng tháng sau khi tổng kết công việc. Hành trình tìm hiểu nhân viên là một phần của kế hoạch tạo nên một doanh nghiệp lành mạnh và phát triển bền vững.”
Chuyện nhảy việc và sức khỏe tinh thần là hai khái niệm dường như khác biệt và không có điểm chung khi soi chiếu dưới hoàn cảnh của gen Z hay bất cứ nhân sự nào cũng có mặt liên quan nhất định. Cởi mở hơn, thấu hiểu hơn và nỗ lực vì một môi trường làm việc lý tưởng sẽ giúp thế hệ nhân sự gen Z cảm thấy hạnh phúc thật sự trên hành trình phát triển bản thân.
Vân Trần (Báo Truyền hình CLC K41-Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()