Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:39 (GMT +7)
Nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu: Để Đảng gần với dân - Bài 1: Chủ trương bắt nguồn từ thực tiễn
Thứ 5, 26/10/2017 | 05:51:36 [GMT +7] A A
Trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Minh chứng cho sự sáng tạo ấy là quyết tâm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (bản, khu phố) trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chủ trương này, Quảng Ninh kỳ vọng góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ với chương trình hành động của chính quyền và việc tổ chức thực hiện…
---------------------------------------------------------
Ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020”. Trong đó đề ra quyết tâm đạt mục tiêu 100% nhất thể hoá chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố (gọi chung là thôn) trong năm 2018. Việc nhất thể hóa này góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện, từ đó, đưa Đảng đến gần với dân hơn.
Yêu cầu từ thực tiễn
Năm 2016, toàn tỉnh còn 513/1.565 (33%) trưởng thôn chưa là đảng viên và chỉ có 336/1.566 (21,5%) bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Vai trò của chi bộ khu dân cư chưa rõ nét, việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự của chi bộ thiếu toàn diện, lúng túng trong cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện thực tế của thôn. Trình độ, năng lực thực tiễn của một số đồng chí bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí ở một số nơi, trưởng thôn, phó trưởng thôn chưa là đảng viên, thì việc tham gia học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là việc cụ thể hóa thành nội dung công tác ở chi bộ còn có những bất cập, việc nắm bắt tình hình còn nhiều hạn chế, từ đó định hướng về tư tưởng, nhiệm vụ ở thôn hiệu quả không cao…
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU tại huyện Hải Hà, ngày 9/7/2017. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Đức, nguyên Bí thư Chi bộ khu phố 7A (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), cho biết: Từ thực tiễn công tác của mình, tôi thấy nếu như không nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng khu thì vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với nhiệm vụ chính trị của khu có lúc, có việc bị mờ nhạt; không phát huy được vai trò của người đứng đầu. Thêm vào đó, chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung không thể thống nhất được, nên quá trình thực hiện có việc chưa sát, thiếu hiệu quả, nhất là việc phát hiện, xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh ở khu dân cư…
Bên cạnh những bất cập trên, từ thực tiễn cũng cho thấy nếu như không nhất thể hóa các chức danh này, công tác phối hợp giữa một số chi ủy bí thư chi bộ với trưởng thôn có nơi, có thời điểm chưa thống nhất cao, nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của thôn thấp; chưa duy trì thường xuyên nền nếp giao ban giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn; chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ chính trị để trưởng thôn tổ chức thực hiện. Một số chi bộ lúng túng về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, còn một số chi bộ đùn đẩy trách nhiệm lên cấp uỷ, chính quyền cấp trên… Đối với những nơi trưởng thôn chưa là đảng viên thì quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ thiếu hiệu quả; sự thống nhất và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, bí thư chi bộ của trưởng thôn chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của chi bộ, của cấp uỷ cấp trên và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn có trở ngại…
“Dân tin, Đảng mới cử”
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, Quảng Ninh thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn. Sau đó cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ theo phương châm “dân tin, Đảng mới cử”. Các bước giới thiệu nhân sự đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến người dân, đảng viên. Ngoài việc cấp ủy lựa chọn, giới thiệu, thì nhân dân, đảng viên có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm cho thôn, cho chi bộ. Các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giám sát quy trình tổ chức bầu cử trưởng thôn trên địa bàn để cuộc bầu cử diễn ra theo đúng luật định.
Để đạt kết quả như mong đợi, các địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của Chỉ thị số 12-CT/TU. Cấp uỷ các cấp linh hoạt trong chỉ đạo, triển khai, trong đó chú trọng điều động công chức xã thực hiện kiêm nhiệm chức danh tại thôn; chủ động phương án kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với dân và có khả năng làm trưởng thôn để thực hiện chủ trương nhất thể hoá chức danh này. Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ hiện đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự, trong đó có những tiêu chuẩn cụ thể là người đảm nhận vị trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phải có phẩm chất, năng lực toàn diện, vừa có khả năng lãnh đạo, tập hợp quần chúng, đồng thời phải là người có thể triển khai thực hiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Cử tri khu 7A (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) bỏ phiếu bầu chức danh trưởng khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020. |
Với quyết tâm chính trị cao, các địa phương đã quyết tâm gỡ từng “nút thắt” để hiện thực hóa chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Huyện uỷ Đầm Hà, cho biết: Đầm Hà là địa phương miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, giao thông khó khăn, một số chi bộ ít đảng viên. Nhiều đồng chí tuổi cao, có uy tín, kinh nghiệm, được nhân dân tín nhiệm bầu trưởng thôn nhưng lại không phải là đảng viên. Ngược lại, một số trưởng thôn là đảng viên, nhưng trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm, nên không thể đảm nhiệm được vai trò là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn… Trước thực trạng đó, huyện đã rà soát, xem xét từng trường hợp cụ thể ở mỗi thôn để có phương án về nhân sự. Đối với những thôn chưa có đảng viên đủ điều kiện để giới thiệu bầu, Thường trực Huyện uỷ chỉ đạo giới thiệu những quần chúng ưu tú là nguồn phát triển Đảng, có đủ năng lực, điều kiện để bầu trưởng thôn, tiến tới thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn khi đủ điều kiện hoặc tăng cường cán bộ, đảng viên về sinh hoạt tại thôn. Ở những nơi ít đảng viên, nhất là các thôn vùng cao dân tộc thiểu số, trước đó cấp ủy đã đào tạo, bồi dưỡng cho được đội ngũ đảng viên trẻ kế cận đủ khả năng đảm nhận chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn... Với cách làm này, đến hết tháng 6/2017, 100% xã, thị trấn của huyện hoàn thành bầu trưởng thôn với tỷ lệ 100% trưởng thôn là đảng viên. Trong tháng 8/2017, 76/76 chi bộ thôn trực thuộc đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức thành công đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2017-2020, thực hiện nhất thể hóa chức danh 100% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
Không chỉ các địa phương miền núi như Đầm Hà gặp khó khăn trong thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, mà ngay tại TP Hạ Long, thủ phủ của Quảng Ninh, cũng phải đối mặt với trở ngại. Nhiều đảng viên đã nghỉ hưu, sức khoẻ yếu nên ngại tham gia công tác của khu phố; nhiều người lại chỉ muốn đảm nhiệm một chức danh vì lo ngại khó hoàn thành nhiệm vụ... Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Thành uỷ Hạ Long đã phân công các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ tập trung chỉ đạo và bám sát cơ sở cùng đảng uỷ các phường động viên cán bộ, đảng viên ở khu phố. Các cơ sở đảng đã hướng dẫn chi bộ tăng cường bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú, nhất là quần chúng trẻ, có năng lực, trình độ, đạo đức tốt, nhiệt huyết với công việc chung để đảng kết nạp Đảng… Với quyết tâm “khó đến mấy cũng phải hoàn thành”, các bước bầu cử trưởng khu và đại hội chi bộ trên địa bàn thành phố đã được triển khai chu đáo, bài bản. Nỗ lực ấy được khẳng định với kết quả hoàn thành công tác bầu trưởng khu và đại hội chi bộ trên địa bàn thành phố với 100% thực hiện nhất thể hoá chức danh theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Ngọc Giao, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Cái gì mới bước đầu thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đặc biệt, trong tất cả các cuộc họp, các cuộc làm việc tại cơ sở, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều dành thời gian để kiểm tra, lắng nghe ý kiến nhân dân đồng thời phân công cán bộ theo dõi từng địa phương nắm tình hình, tiến độ, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp tháo gỡ khó khăn trong công tác bầu trưởng thôn…
Với quyết tâm cao, đến ngày 28/9 toàn tỉnh đã có 99,55% chi bộ thôn tiến hành xong Đại hội. Trong đó bí thư chi bộ được bầu kiêm trưởng thôn đạt 96,9%. Con số này đã khẳng định sự cố gắng nỗ lực đổi mới, khát khao cống hiến vượt khó của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh…
Minh Thu - Nguyễn Huế
Bài 2: Trọn việc Đảng, tròn việc dân
Liên kết website
Ý kiến ()