Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:57 (GMT +7)
Nhật ký từ tâm dịch
Chủ nhật, 12/09/2021 | 07:42:53 [GMT +7] A A
Những ngày qua, chúng ta vẫn được nghe thật nhiều những câu chuyện xúc động về sự hy sinh, cống hiến của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Song dù có bao nhiêu câu chuyện cũng sẽ chẳng đủ để kể hết những hy sinh thầm lặng mà lớn lao ấy. Hình ảnh đoàn 74 y bác sĩ Quảng Ninh cùng hàng nghìn y bác sĩ trên khắp mọi miền đất nước sẵn sàng lên đường “chia lửa” cho tâm dịch miền Nam, hình ảnh của những giọt mồ hôi, nước mắt cả niềm tự hào ánh lên từ đôi mắt các y bác sĩ trong trận chiến đầy khó khăn, gian khổ để giành lại sự sống của bệnh nhân sẽ mãi là những hình ảnh đẹp nhất.
Đi vào “tuyến lửa”...
Ngay khi biết mình và con trai bị nhiễm Covid-19, gia đình tôi vô cùng lo lắng và hoảng sợ… Nhưng khi được chuyển vào Bệnh viện dã chiến số 12 và được đội ngũ y bác sĩ đoàn Quảng Ninh và lực lượng dân quân chăm sóc tận tình, tôi thấy nhẹ lòng và yên tâm điều trị. Cám ơn lực lượng tuyến đầu chống dịch của cả nước nói chung và của đoàn y bác sĩ Quảng Ninh tại Bệnh viện dã chiến số 12 nói riêng... (Trích thư cảm ơn của bệnh nhân Nguyễn Thị Kim T., thường trú tại Quận 5, TP Hồ Chí Minh)
Tôi thay mặt gia đình cũng như toàn thể những bệnh nhân không may mắc Covid-19 gửi đến các chiến sĩ áo trắng, áo xanh và mọi màu áo tham gia tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đoàn y bác sĩ Quảng Ninh, đã không ngại xa xôi tình nguyện vào tâm dịch TP.Hồ Chí Minh tham gia chống dịch. (Trích thư cảm ơn của gia đình bệnh nhân Hồ Bửu P., thường trú tại quận 5, TP Hồ Chí Minh).
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm lá thư cảm ơn, bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là đoàn y bác sĩ Quảng Ninh đang trực tiếp làm nhiệm vụ thu dung, điều trị cho từ 1.200-1.500 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại khu ABC, Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trong suốt hai tháng qua.
Sẵn sàng lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, các y, bác sĩ Quảng Ninh đã chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng “chiến đấu” ngay cả khi đối mặt với những nguy hiểm thường trực. Trong đoàn lần này có nhiều bác sĩ cũng đã từng lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang, có đủ kinh nghiệm, đủ dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, vất vả phía trước.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thành (Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tại TP.HCM) tâm sự: “Thực sự những ngày mới vào TP Hồ Chí Minh cả đoàn đều bàng hoàng trước sự gia tăng ngày càng cao của bệnh nhân nhiễm Covid -19. Lượng bệnh nhân quá đông, công việc thì nhiều không kể hết, chưa kể đến sự thiếu thốn, từ vật tư, thiết bị, thuốc men, đến nhu yếu phẩm cần thiết cho bệnh nhân, nhân viên y tế. Nhưng sau khoảng 1 tháng cố gắng, nỗ lực, công việc khám và điều trị bệnh nhân của đoàn cũng đã đi vào guồng quay”.
Guồng quay mà bác sĩ Thành nói đến là guồng quay khiến mỗi y, bác sĩ và nhân viên y tế phải chạy đua với thời gian, chỉ được phép tăng tốc chứ không thể dừng lại. Bởi giờ đây họ chính là chỗ dựa vững chắc nhất, tin tưởng nhất, túc trực bên mỗi bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nặng mỗi ngày.
“Làm việc hàng chục tiếng đồng hồ liên lục trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt ướt đẫm mồ hôi, không thể trụ nổi, chúng tôi ra ngoài thay nhau để tiếp thêm nước, nghỉ ngơi một chút rồi lại vào nhiệm vụ. Đương nhiên là rất vất vả, bởi nghề y là vậy, khi đã quen rồi thì mọi việc đều ổn. Dù ai nấy đều mệt nhoài sau một ngày trở về phòng nghỉ, nhưng sáng hôm sau mọi người đều sẵn sàng cho công việc hàng ngày của mình” - Bác sĩ Lê Đức Vinh (Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tại TP.HCM) chia sẻ.
“Bởi nghề y là vậy” nên họ tự nguyện nhận lên vai mình những nhiệm vụ gian khổ như thế. Ngay cả khi chính một số y, bác sĩ trong đoàn nhiễm Covid-19 thì cũng không khiến họ nhụt chí, nản lòng. Mỗi y bác sĩ ai cũng dặn lòng cố gắng thêm một chút nữa vì đồng đội, vì bệnh nhân.
Điều dưỡng Phạm Văn Võ (Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tại TP.HCM), bày tỏ: "Tuy các y, bác sĩ trong đoàn mắc những triệu chứng nhẹ của Covid-19 và cũng không tránh khỏi những mệt mỏi. Nhưng khi chính mình trải qua, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi đau, sự mất mát, tâm lý bất an của người bệnh để tiếp thêm tinh thần lạc quan, hy vọng, giúp họ tiếp tục chiến đấu và vượt qua bệnh tật".
Quả thật, có những nỗ lực đã vượt lên trên cả giới hạn trong sức lực con người. Nơi “tuyến lửa” miền Nam, mỗi y bác sĩ không còn một chút thời gian dành cho bản thân, gia đình, sẵn sàng gác lại mọi việc riêng, dốc hết sức lực, thậm chí kiệt sức, nhưng chưa bao giờ họ ngưng yêu thương, ngưng cố gắng, nỗ lực từng giây từng phút để cứu chữa bệnh nhân vượt qua lằn ranh sinh tử. Đó là điều chắc chắn không thay đổi dù trận chiến phía trước có thể còn tiếp diễn khốc liệt hơn nữa.
Vì miền Nam thân yêu
Trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện dã chiến số 12 có khoảng từ 70 - 150 bệnh nhân được điều trị khỏi cho xuất viện về cách ly tại nhà. Điều đó đã thể hiện sự cố gắng không ngừng của tập thể các y bác sĩ trong cuộc chiến với tử thần giành lại sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân.
“Mỗi khi chứng kiến một bệnh nhân ra đi không người thân bên cạnh, là một lần chúng tôi cũng cảm thấy nhói đau. Dẫu biết rằng trong dịch bệnh hiểm nguy, sức người có hạn, không đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế để cứu chữa cho tất cả F0, đặc biệt là F0 nặng, nguy kịch, tử vong là điều không tránh khỏi song vẫn khiến chúng tôi tiếc nuối và day dứt vô cùng” - Bác sĩ Nông Thị Hậu (Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tại TP.HCM) bộc bạch.
Gần 2 tháng sống, làm việc trong tâm dịch và thời gian ấy có thể tiếp diễn dài hơn nữa sẽ mãi mãi là những ký ức, kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời gắn bó với nghề y của bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành cùng anh em bác sĩ trong đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành (Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh tại TP.HCM), chia sẻ: Ở trong khu cách ly tập trung, từ các ca bệnh nghi ngờ đến những ca bệnh đã có triệu chứng, họ thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ những em bé 2 - 3 tháng đến những cụ già 70 - 80 tuổi. Không có người thân ở bên, họ dường như trở nên yếu đuối hơn, dễ tủi thân hơn. Vì vậy, không chỉ tích cực điều trị về chuyên môn y tế, điều chúng tôi luôn quan tâm, trò chuyện, để trấn an tâm lý, xốc lại tinh thần cho mọi người. Hơn bao giờ hết chúng tôi càng thấm thía lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, vì chỉ khi coi bệnh nhân là những người thân, mỗi y, bác sĩ sẽ càng quyết tâm, có thêm động lực để cố gắng, vượt qua muôn vàn khó khăn, áp lực chồng chất mỗi ngày, để tiếp tục “chiến đấu” với tinh thần quả cảm nhất.
Tâm niệm của bác sĩ Thành cũng là của hàng nghìn y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch hôm nay. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau thực hiện trọn vẹn sứ mệnh khi bước chân theo đuổi ngành Y là chữa bệnh cứu người dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Bởi với họ hạnh phúc thật giản đơn là khi còn được nói cười, được làm việc và còn sức cứu chữa cho bệnh nhân.
Đến với tâm dịch TP Hồ Chí Minh, hành trang các y, bác sĩ Quảng Ninh mang theo nhiều nhất chính là tinh thần đoàn kết, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người dân Vùng mỏ anh hùng để sẵn sàng phục vụ, hết lòng vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Và tinh thần ấy chính là khúc tráng ca đang hòa nhịp mạnh mẽ cùng tinh thần đồng lòng quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc để vượt qua nghịch cảnh, khó khăn, hiện thực hóa khát vọng chiến thắng đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Nguyễn Dung - Thế Thiêm (CTV)
- Những "chiến sĩ áo trắng" Quảng Ninh xung phong vào tâm dịch
- 20 y, bác sĩ Quảng Ninh lên đường hỗ trợ Bình Dương chống dịch
- Quảng Yên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19
- Quảng Ninh thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19
- Quảng Ninh: Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
- Chủ tịch nước yêu cầu khen thưởng những tấm gương chống dịch
Liên kết website
Ý kiến ()