Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:34 (GMT +7)
Nhật ký chiến trường Điện Biên Phủ trong tranh của cố họa sĩ Lê Huy Toàn
Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:23:01 [GMT +7] A A
70 bức tranh của cố họa sĩ Lê Huy Toàn trong một triển lãm đặc biệt nhân kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ mang tên “Ký ức Điện Biên” không chỉ là những trang nhật ký về những ngày tháng cam go ác liệt tại chiến trường Điện Biên Phủ, những hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Tây Bắc, nơi họa sĩ đã gắn bó, mà còn cho thấy cảm xúc, những tình cảm từ trái tim của một người lính cầm cọ giữa cuộc chiến đầy khốc liệt.
Triển lãm do Quỹ hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam cùng Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Âu – ACIT phối hợp cùng gia đình cố họa sĩ Lê Huy Toàn tổ chức tại Aqua Art, 44 đường Yên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chiếm phần lớn trong số 70 tác phẩm trưng bày tại triển lãm là những bức ký họa bằng bột màu và chì, ghi lại rất nhiều hình ảnh từ chiến trận đến đời thường của những người lính Điện Biên Phủ và bà con các dân tộc ở Tây Bắc.
Đó là các cô thiếu nữ cùng chăm sóc thương binh với quân y, bà con các dân tộc thăm hỏi thương binh, đó là lực lượng hậu cần tải đạn và lương thực, bữa cơm trước giờ hành quân, các chiến sĩ ngồi đánh máy giấy tờ, các chiến sĩ đào hào đánh sân bay, dân công, biểu diễn văn nghệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước trận đánh lớn…
Có những bức vẽ hết sức giản dị nhưng đầy cảm xúc, và đã khiến nhiều người xem phải dừng bước rất lâu, như bức “Vĩnh biệt người chiến sĩ” với những người dân đứng lặng lẽ, vẻ mặt đau buồn, có người bưng mặt, nỗi đau có thể cảm nhận ở gương mặt từng người.
Hay bức “Người yêu ở Điện Biên”, mô tả một cô gái cúi đầu mải mê trong công việc ở nhà, sự cô đơn không che khuất được vẻ mạnh mẽ.
Hay bức tranh không đề tên, mô tả một người mẹ trẻ đang vắt từng giọt sữa của mình bên cạnh một anh thương binh. Những bức tranh ở những góc cạnh khác nhau của cuộc chiến đã gợi lên rất nhiều cảm xúc cho người xem.
Trong những bức vẽ của cố họa sĩ Lê Huy Toàn, có thể thấy rất nhiều lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như dân công, quân y, pháo binh, sư đoàn 312 nơi họa sĩ đóng quân, tiểu đội súng cối… Họa sĩ đã mô tả công việc của họ trong từng bức tranh, thậm chí tỉ mỉ chi tiết những công việc âm thầm lặng lẽ nhưng góp phần rất lớn trong chiến dịch.
Cùng với những bức ký họa đen trắng, triển lãm cũng giới thiệu các tác phẩm tranh màu của họa sĩ ghi lại cảnh vật và con người vùng Tây Bắc, những nơi ông đã đi qua, đã gắn bó trong những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời mình.
Có mặt tại triển lãm, ông Lê Huy Tuấn, con trai cả của cố họa sĩ Lê Huy Toàn không khỏi xúc động. Ông chia sẻ rằng, đã từng được nhìn thấy cha vẽ tranh rất nhiều, từ khi còn là những bức phác thảo cho đến lúc hoàn thiện, nhưng ở triển lãm hôm nay, ông mới thấy tranh của cha đẹp nhất.
“Cha tôi ra đi đã nhiều năm, nhưng những tác phẩm ông để lại, bây giờ xem lại vẫn thấy rõ sự sống động của tất cả những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ” – ông Lê Huy Tuấn nói.
Họa sĩ Lê Huy Toàn nguyên là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, từng có mặt tại hầu hết những chiến trường trọng điểm trong suốt những năm tháng quân ngũ của mình. Ngoài chiến dịch Điện Biên Phủ, họa sĩ – đại tá Lê Huy Toàn từng có mặt tại những chiến dịch lớn trong lịch sử dân tộc như chiến dịch giải phóng Biên giới năm 1950, chiến dịch Sầm Nưa và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền nam thống nhất đất nước năm 1975.
40 năm trong quân ngũ cũng là 40 năm ông dùng những cây bút của mình ghi lại mọi điều cảm nhận được về những gì đang diễn ra quanh ông, từ chiến trường đầy cam go khốc liệt cho đến tình cảm gắn bó quân dân, song hành cùng tinh thần và ý chí quật cường của mỗi người dân đất Việt.
Họa sĩ Lê Huy Toàn cũng có những tác phẩm hoành tráng về chiến dịch Điện Biên Phủ vô cùng nổi tiếng như “Lịch sử Điện Biên Phủ” dài 8m, “Việt Nam anh hùng ca”, “Thắng 2 đế quốc to” và rất nhiều những tác phẩm khác được trưng bày tại triển lãm.
70 bức tranh tại triển lãm chỉ là một phần trong kho tàng ký họa của họa sĩ Lê Huy Toàn. Và người xem có thể cảm nhận được phần nào cường độ và tốc độ làm việc của ông khi được tận mắt chứng kiến những món đồ dùng cá nhân gắn bó với họa sĩ ở khắp các chiến trường. Đó là sổ, sách, các loại bút chì, bút mực, bút lông, compa, thước kẻ, thậm chí cả ngọn đèn dầu… đã giúp ông “ghi nhật ký” cả bằng chữ và bằng hình trong suốt 40 năm.
Những trang nhật ký bằng hình đó, sau 70 năm, đã giúp cho thế hệ sau thấy và hiểu được hơn về lịch sử hào hùng của các thế hệ đi trước.
Triển lãm “Ký ức Điện Biên” của cố họa sĩ Lê Huy Toàn diễn ra từ 4 đến hết 19/5 tại Aqua Art số 44 đường Yên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()