Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:32 (GMT +7)
Nhật Bản ứng dụng AI chống tin giả
Thứ 4, 11/01/2023 | 14:16:29 [GMT +7] A A
Nhật Bản chuẩn bị sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích các chiến dịch tin giả nước ngoài lan tràn trên mạng xã hội.
Các chiến dịch tin giả nằm trong cái gọi là “chiến tranh nhận thức”, liên quan đến thao túng dư luận và gieo rắc bất đồng chính kiến qua mạng xã hội và các kênh khác. Với phạm vi tiếp cận tiềm năng, nó đang được xem là lĩnh vực xung đột thứ sáu, sau trên bộ, trên không, trên biển, không gian và không gian mạng.
Hiện tại, Nhật Bản chưa được trang bị đầy đủ để chống lại các chiến dịch như vậy. Họ không có cơ quan chuyên trách giám sát tin giả từ nước ngoài hay luật pháp trừng trị các hoạt động can thiệp bầu cử.
Tuy nhiên, trong năm tài khóa 2023, Bộ Ngoại giao nước này sẽ triển khai hệ thống AI để thu thập và phân tích thông tin giả mạo trên mạng xã hội và các nền tảng khác, giúp cơ quan theo dõi các thế lực quốc tế đang tìm cách gây ảnh hưởng đến dư luận như thế nào trong trung và dài hạn.
Hệ thống không chỉ bao trùm các thông tin hướng tới công dân Nhật Bản mà còn gây tổn hại đến nhận thức của người nước ngoài về Nhật Bản. Các chuyên gia khu vực tư nhân sẽ được mời đến để bắt đầu xác định tin giả định kỳ trên mạng xã hội. Chính phủ muốn “tóm” được các chiến dịch tin giả sớm và phản công bằng sự thật.
Lực lượng Phòng vệ mặt đất và Phòng vệ hải quân cũng sẽ thành lập một đơn vị thông tin riêng trong các năm tới, sở hữu năng lực truyền thông và không gian mạng.
Chiến tranh nhận thức nổi lên như một vấn đề gây lo ngại trên toàn cầu. Gần đây nhất, tin giả về việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy chạy trốn khỏi Kyiv đã lan truyền trên mạng ngay sau khi Nga tấn công Ukraine đầu năm 2022.
Một số quốc gia đã có cơ chế để chống lại chiến tranh nhận thức. Tại Mỹ, Cơ quan An ninh hạ tầng và an ninh mạng được giao nhiệm vụ theo dõi và cảnh báo công chúng về tin giả. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp năm 2018 để trừng phạt các thế lực nước ngoài can thiệp đến bầu cử Mỹ, bao gồm đóng băng tài sản tại Mỹ của họ.
Anh giám sát mạng xã hội 24/7. Dù chưa có hình phạt chính thức dành cho can thiệp bầu cử, một ủy ban quốc hội đặc biệt đã công bố báo cáo năm 2019 để thúc giục chính phủ xem xét các cuộc bầu cử trước đây. Tại châu Á, tháng 10/2021, Singapore thông qua luật cho phép nhà chức trách hạn chế nội dung trên mạng để ngăn chặn can thiệp của nước ngoài.
Theo GS Motohiro Tsuchiya tại Đại học Keio, chính phủ Nhật Bản cần làm việc với Facebook và các nền tảng khác để tạo ra một khuôn khổ xóa bỏ thông tin sai sự thật.
Theo ICT News
Liên kết website
Ý kiến ()