Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:32 (GMT +7)
Tập trung đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
Thứ 4, 12/04/2023 | 07:02:43 [GMT +7] A A
Sau 1 năm thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp phù hợp đưa những tiện ích của chuyển đổi số đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, trong hành trình chuyển đổi số, tỉnh vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức cần sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn của các đơn vị, sở, ngành, địa phương.
Những kết quả bước đầu
Với mục tiêu rõ ràng, cụ thể, chuyển đổi số toàn diện của tỉnh đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đều tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, xác định đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương để giải quyết các "điểm nghẽn", cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đến tháng 4/2022, 100% địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo; 100% sở, ngành thành lập Ban Chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác tuyên truyền được thực hiện tích cực trên tất cả các nền tảng. Sở TT&TT đã thực hiện tích hợp trang zalo Chuyển đổi số quốc gia vào trang zalo Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Quảng Ninh đứng thứ 11 trong toàn quốc về tổng điểm xây dựng Chính quyền số, các hệ thống thông tin của tỉnh được kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất.
Hiện Quảng Ninh đứng đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 1.240 dịch vụ (78%); 100% thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được Quảng Ninh hoàn thành quy trình để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Từ tháng 5/2022, Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, giúp hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí NSNN trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các CSDL chuyên ngành; giảm giấy tờ cho công dân, đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác giải quyết TTHC.
Đến nay 100% trung tâm hành chính công triển khai số hóa TTHC ở khâu tiếp nhận đối với một số lĩnh vực trọng điểm và 6/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Từ ngày 1/6/2022 đến hết năm 2022, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã số hóa được hơn 17.000 hồ sơ; cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hoá 7.528/21.658 hồ sơ toàn trình theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (đạt 34,76%).
Những tiện ích của chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách TTHC đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống người dân. Anh Trần Xuân Chi (tổ 1, khu 3, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chia sẻ: Công cuộc chuyển đổi số tỉnh thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Ví dụ khi đi giải quyết TTHC, hoặc khám chữa bệnh, cán bộ đã có thể sử dụng CCCD gắn chíp của công dân để khai thác các thông tin trên dữ liệu dân cư quốc gia hoặc dữ liệu BHYT, mà không cần thêm giấy tờ sổ sách gì, giúp công dân tiết kiệm thời gian, chi phí…
Tỉnh cũng chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, như ngành y tế triển khai mạnh hồ sơ sức khỏe điện tử; đưa việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay cho BHYT giấy tại các cơ sở y tế. Ngành giáo dục cập nhật cơ bản mã định danh cán bộ, giáo viên, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên; triển khai rộng rãi học bạ điện tử. Ngành nông nghiệp hoàn thiện hệ thống cấp và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản; số hóa CSDL 3 loại rừng; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP; đưa các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao lên sàn thương mại điện tử.
Chuyển đổi số đã có đóng góp tích cực vào việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, cải thiện các hoạt động trong đời sống xã hội của nhân dân.
Nhanh chóng tháo gỡ “điểm nghẽn”
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tương đối khả quan, công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tỉnh cũng có những hạn chế, như: Một số mô hình chuyển đổi số chưa thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia, nên không đạt mục tiêu, chưa có hiệu quả trong thực tế; một số quy trình dịch vụ công trực tuyến chưa được chuẩn hóa lại quy trình theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, gây khó khăn cho người dân khi sử dụng; liên thông dữ liệu giữa các đơn vị chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân...
Một trong những “điểm nghẽn” trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh là tiến độ xây dựng các hệ thống CSDL chuyên ngành thống nhất dùng chung trong toàn tỉnh còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong năm 2022, mới chỉ có 6 CSDL chuyên ngành được triển khai xây dựng, đó là: CSDL 3 loại rừng và quản lý tài nguyên rừng, diễn biến rừng tích hợp vào bản đồ đất đai của tỉnh; CSDL về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; CSDL địa lý quản lý nuôi tôm nước lợ và phát triển; CSDL hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai (Sở NN&PTNT); CSDL đất đai và triển khai thí điểm phần mềm quản lý đất đai tại các địa phương: Uông Bí, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên (Sở TN&MT); CSDL sổ hộ tịch và CSDL công chứng (Sở Tư pháp).
Tuy nhiên, các CSDL mới chỉ là những hợp phần nhỏ trong tổng thể CSDL chuyên ngành của các sở, ngành, lĩnh vực trọng yếu của tỉnh. Các sở, ngành còn lại mới chỉ đảm bảo khâu lưu trữ, xử lý công việc bằng văn bản điện tử, chứ chưa xây dựng được CSDL số chuyên ngành. Cùng với đó, nhiệm vụ tỉnh đề ra là hoàn thành 8 CSDL nền tảng quan trọng: Đất đai, CBCCVC, y tế, giáo dục, quy hoạch, du lịch, đầu tư công và giao thông cũng chỉ đang triển khai được 25% tiến độ...
Nhằm giải quyết những khó khăn, nhanh chóng tháo gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và đạt hiệu quả thực tế, hiện các đơn vị, sở, ngành chức năng của tỉnh đang chủ động đề ra nhiều giải pháp mang tính cốt lõi và nỗ lực triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử cho 100% người dân đủ điều kiện trên địa bàn; bảo đảm 100% dữ liệu công dân được lưu trữ trong CSDL quốc gia về dân cư tích hợp với các CSDL chuyên ngành thiết yếu như BHXH, y tế, giáo dục...; triển khai cài đặt ứng dụng VNeID và nâng cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho người dân và khai thác, sử dụng các tiện ích.
Cùng với đó, tỉnh đốc thúc các sở, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng, hoàn thành cơ bản các CSDL nền tảng của tỉnh; triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, CSDL quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất ngay sau khi các hệ thống của bộ, ngành, Trung ương hoàn thành/cho phép kết nối; hoàn thành nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh bảo đảm kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và nâng cấp phần mềm lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước phục vụ số hóa tài liệu lưu trữ điện tử…
Đặc biệt, tỉnh dành nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin, kỹ năng phân tích xử lý dữ liệu, sử dụng hệ thống chính quyền điện tử; xây dựng các sản phẩm truyền thông mới về chuyển đổi số theo từng nội dung cụ thể, chủ đề trọng tâm để cung cấp cho các tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền đến người dân.
Để triển khai những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trên, tỉnh triển khai rộng khắp Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (QN_DTI) phiên bản 1.0 và xây dựng phần mềm giám sát đánh giá, trực tuyến theo thời gian thực về mức độ chuyển đổi số cấp sở, ngành, địa phương năm 2023, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương và cả tỉnh có một tiêu chuẩn chung thống nhất để đo lường chính xác các nội dung trong công tác chuyển đổi số, từ đó có được định hướng, đường lối, chương trình rõ ràng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này…
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()