Tất cả chuyên mục
Một cuốn sách vừa xuất bản tiết lộ những vấn đề trong cách quản lý dữ liệu người dùng của Facebook, bao gồm việc cho phép mọi lập trình viên truy cập thông tin người dùng.
Theo thông tin được tiết lộ trong cuốn sách về Facebook vừa xuất bản, một nhân viên công ty này đã truy cập dữ liệu người dùng để theo dõi vị trí của bạn gái, quan điểm chính trị, sở thích và nhiều ảnh đã xóa của cô. Những thông tin này đều được thu thập qua Messenger và Facebook. Vụ việc được phát hiện năm 2015, và hàng loạt nhân viên đã bị sa thải vì vi phạm dữ liệu tương tự.
Nhân viên nói trên có buổi hẹn với một cô gái vào năm 2014, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, vì không nhận được tin nhắn từ cô sau hơn 24 giờ, anh ta lo lắng và quyết định tìm thông tin của cô trong kho dữ liệu của Facebook. Nhân viên này đã biết được chính xác địa chỉ khách sạn cô đang ở theo thời gian thực.
Không những vậy, người này còn biết được nhiều thông tin khác như quan điểm chính trị, sở thích hay lối sống. Tất cả được hệ thống thu thập qua tin nhắn trên Messenger, các sự kiện đã tham dự, hình ảnh được đăng tải (kể cả đã xóa) và những bài viết từng tương tác trong hàng năm trời. Vài buổi hẹn khó có thể cho ta biết nhiều như vậy về một người.
Đây là 1 trong 52 nhân viên Facebook bị sa thải với lý do lợi dụng thông tin người dùng vì mục đích cá nhân trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014- 8/2015. Tất cả được kể lại trong cuốn An Ugly Truth: Inside Facebook's Battle for Domination (tạm dịch: Sự thật xấu xí: Bên trong cuộc chiến giành ưu thế của Facebook).
Từ những ngày đầu thành lập, hệ thống thông tin của Facebook luôn được đảm bảo sao cho mọi nhân viên có thể tiếp cận dễ dàng. Đây là phương châm đặt ra bởi chính nhà sáng lập Mark Zuckerberg nhằm xóa bỏ rào cản thủ tục làm giảm năng suất.
"Không có rào cản gì ngoài lương tâm để ngăn nhân viên lạm dụng thông tin cá nhân người dùng", tác giả cuốn sách viết. Đa số các trường hợp vi phạm đều mang tính chất giống câu chuyện trên: nhân viên nam tìm thông tin của người phụ nữ họ theo đuổi.
Theo phát ngôn viên Facebook, công ty không bao giờ chấp nhận những trường hợp này và sẽ đuổi việc ngay khi phát hiện. Kể từ 2015, Facebook đã tăng cường quán triệt nhân viên cũng như nâng cấp hệ thống phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, tác giả của cuốn sách cho biết những nỗ lực trên không giúp ích nhiều vì đây là vấn đề ở trong chính hệ thống Facebook.
Sau khi Mark Zuckerberg biết đến những vụ lạm dụng vào tháng 9/2015, giám đốc bảo mật khi đó Alex Stamos đã đề xuất cắt giảm số lượng nhân viên có quyền truy cập kho dữ liệu. Con số bị cắt từ hơn 16.000 xuống còn dưới 5.000, và chỉ có không đến 100 nhân viên có thể tiếp cận thông tin tuyệt mật như mật khẩu. Stamos còn đề nghị yêu cầu nhân viên phải nộp đơn chờ thông qua trước khi lấy dữ liệu nhưng bị các lãnh đạo khác của Facebook bác bỏ.
Theo lời một cựu nhân viên được phỏng vấn trong sách, những giải pháp như trên khó có thể được thực hiện vì chúng đi ngược lại với suy nghĩ của Mark Zuckerberg.
Ý kiến ()