Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:37 (GMT +7)
Nhân vật nữ thợ mỏ trong tiểu thuyết của Võ Khắc Nghiêm
Chủ nhật, 16/10/2016 | 11:13:03 [GMT +7] A A
Mới hơn những nhà văn đi trước, Võ Khắc Nghiêm đi sâu vào phân tích tâm lý tính cách, số phận con người cá nhân, đặc biệt là những nhân vật nữ ở mỏ.
Là thợ mỏ chuyển sang cầm bút viết văn, nhà văn Võ Khắc Nghiêm viết rất sung sức. Ông đã xuất bản 20 tập tiểu thuyết, đa phần viết về Vùng mỏ. Trong đó, Võ Khắc Nghiêm đặc biệt ưu ái xây dựng hình tượng nữ thợ mỏ trong thời kỳ mở cửa. Đó là Huệ trong tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ”, một cuộc đời bị xé ra thành nhiều mảnh đau khổ, đoạn trường: Từ một cô gái thôn quê xinh đẹp, bị lừa, bị hãm hiếp, dạt ra mỏ, dạt sang Hồng Kông. Cuối cùng quay lại mỏ và Huệ đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Sau hai cuộc tình đau khổ với phó giám đốc Hải và lái xe Phúc, Huệ gặp được Long, người đàn ông mang lại hạnh phúc cả đời cho chị.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm và cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình. |
Bên cạnh Huệ còn có Tập, một người đàn bà tốt bụng động viên chị rất nhiều dù rằng cuộc đời Tập cũng chẳng may mắn gì hơn. Chỉ vài nét miêu tả tướng mạo nhà văn đã dự báo về cuộc đời Tập: “Chị Tập người cao to, tay chân đều thô kệch, mặt tròn, da hơi xám, trên trán có vết sẹo nhỏ, mắt hơi híp, lông mày thưa. Quả là gương mặt chị không đẹp nhưng chị có giọng nói trầm nghe mới quyến rũ làm sao”.
Cùng với Huệ và Tập trong “Mảnh đời của Huệ” là Tầm và Bê trong tiểu thuyết “Huyết thống” đều là những người phụ nữ đẹp nhưng chịu nhiều bất hạnh. Tầm có chồng đi Nam bị quy vào gia đình có lý lịch không trong sạch nên chị lao đầu vào công việc chưa hề có một ngày thảnh thơi, lầm lũi đi làm không sửa sang, chưng diện.
Còn Bê lại mặc kệ sự đời, lao vào tìm niềm vui trong công việc: “Mặc kệ đời, cứ ăn no ngủ kỹ, ngày càng béo ra. Đẩy goòng theo kịp chị Bê mệt lắm nhưng vui vì chị nói, chị hát suốt ngày”. Nhân vật nữ của Võ Khắc Nghiêm đều mạnh mẽ, quyết liệt, không chấp nhận thực tế; vừa là biểu tượng vừa là nhân chứng cho lịch sử hơn nửa thế kỷ đau thương và anh dũng của Vùng mỏ.
Võ Khắc Nghiêm đồng thời là người viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh nên ông đã áp dụng phương pháp cắt lớp của điện ảnh, tạo ra những xung đột kiểu sân khấu. Và là nhà báo nên ông hay lướt qua sự kiện cho người đọc tiếp nhận nhanh thông tin và gợi mở cho họ sức tưởng tượng để sống cùng nhân vật. Điều này giống như trong khai thác than người ta phải chọn phương hướng mở lò, cắt tầng đi thẳng vào vỉa than sao cho ngắn nhất. “Tôi học được từ người thợ lò cách thể hiện “đi thẳng” vào truyện chân thực, không sa đà vào mây gió trăng sao, không miên man, rối rắm mà tập trung chi tiết xây dựng nổi bật tính cách nhân vật đa chiều qua những sự kiện bình thường mà độc đáo” - Nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho biết.
Võ Khắc Nghiêm không sử dụng ngôn từ tỉa tót mà tập trung xây dựng hình tượng nhân vật. Ông quan niệm: “Ở Vùng mỏ, ra ngõ gặp than, ra ngõ gặp chuyện, gặp người thợ, tức là ra ngõ là gặp nhân vật của tiểu thuyết”. Bởi vậy, theo ông, viết thế nào cho hay rất khó, không thể sống lơi khơi, “cỡi ngựa xem hoa”. Nhân vật nữ thợ mỏ của ông, dù thân phận có nhiều trắc trở éo le, nhưng đều có cá tính mạnh mẽ nhưng cũng thật lãng mạn, đắm say. Do đó, truyện của Võ Khắc Nghiêm vừa có cái chung của xã hội lại có cái riêng sinh động của từng thân phận con người.
Khác với nhà văn Võ Huy Tâm, Võ Khắc Nghiêm không miêu tả trực diện người thợ mỏ mà ông dựng một đường viền để soi sáng nhân vật. Từ đó, ông mở rộng biên độ của đề tài từ chuyện sản xuất và chiến đấu sang các mối quan hệ riêng tư để tạo không gian nghệ thuật rộng cho nhân vật hoạt động. Nhân vật của ông không chỉ được đặt trong quan hệ sản xuất ở trên mỏ, mà còn được đặt trong quan hệ muôn mặt đời thường: Mối quan hệ công việc, quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ làm ăn chia chác, quan hệ đời tư, quan hệ yêu đương, trai gái, bồ bịch v.v..
Nhà văn đi sâu phân tích tâm lý, tính cách và số phận những nhân vật thợ mỏ. Những nhân vật nữ của Võ Khắc Nghiêm có những nhu cầu bản năng, rất con người. Huệ quan hệ với Hải có con riêng, Bê lặng lẽ nuôi con nhưng vượt qua dư luận để tìm kiếm bạn tình, Tầm dù rất yêu Tráng nhưng vì xa cách nên đã mềm lòng quan hệ với Lê Bá, rồi sau này chuyển sang quan hệ với Quốc Quân đến có con. Nhân vật của Võ Khắc Nghiêm sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh chia cắt, gặp cảnh ngang trái trong tình yêu, hôn nhân nhưng không tha hóa, mà vẫn giữ được phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Dù đã bước qua tuổi thất thập nhưng Võ Khắc Nghiêm vẫn là một cây bút xông xáo. “Ông vẫn tiếp tục đi và viết, chưa bao giờ chịu ngồi yên, lúc nào cũng muốn làm một điều gì đó, viết ra một điều gì đó mà mình cảm nhận được từ cuộc sống, nhất là cuộc sống người thợ mỏ, những người suốt đời gắn bó với vùng than, cái vùng đất mà cho đến hôm nay, tuy đã xa rồi, ông vẫn từng ngày dõi theo từng biến động, dù rất nhỏ thôi, của nó, như dõi theo nhịp đập trái tim mình, như ngày xưa ông từng sống và yêu như vậy” - nhà văn Nguyễn Đức Huệ nhận xét về Võ Khắc Nghiêm.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()