Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 21:33 (GMT +7)
Nhân rộng vùng canh tác hữu cơ
Thứ 6, 18/02/2022 | 16:25:42 [GMT +7] A A
Nông nghiệp hữu cơ được xem là xu hướng sản xuất tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bởi tạo ra được sản phẩm mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, vừa góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Thực tế cho thấy, tỉnh Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế cả về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động dồi dào với nhiều kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phẩm hữu cơ rất lớn, bởi mức thu nhập của người dân tăng nhanh, tỷ lệ thuận với việc họ có sự quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe của bản thân và gia đình, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng.
Những năm gần đây tỉnh cũng đã có những tín hiệu tích cực về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Như Công ty Cổ phần Terranique (TP Hạ Long), Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương (TX Quảng Yên) với các mô hình sản xuất rau hữu cơ, vận dụng nguyên tắc “6 không”: Không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không sử dụng giống biến đổi gen, không làm đất ô nhiễm. Ngoài ra còn có một số trang trại chăn nuôi hữu cơ, dùng đệm lót sinh học từ trấu, mùn cưa và men vi sinh để giữ vệ sinh chuồng trại, dùng giun quế để làm thức ăn cho gia cầm, nuôi cá... Từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện dự án phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ với diện tích 90ha tại các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên...
Dù vậy, các mô hình, dự án trên địa bàn tỉnh mới dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện từng phần. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Nếu so về chất lượng nông sản và lợi ích môi trường thì sản xuất hữu cơ vẫn vượt trội nhất. Tuy nhiên, rào cản cũng đến từ nhiều yếu tố, như nhận thức, thói quen sản xuất cũ của người nông dân chưa thay đổi. Hay như do việc sản xuất hữu cơ mất nhiều công hơn, chi phí nhiều hơn, giá thành cũng cao hơn so với loại thường, trong khi thị trường thì luôn yêu cầu sản phẩm rau màu phải bóng bẩy, giá rẻ. Ngược lại, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chưa đánh giá đúng những giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại.
Mới nhất, đầu tháng 1/2022, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, đề án này đã đề xuất 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Cụ thể gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; về thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm... Qua đó nhằm nhân rộng vùng canh tác hữu cơ của tỉnh trong thời gian tới.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, 45ha trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()