Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:23 (GMT +7)
Nhân rộng, phát huy những mô hình công tác xã hội hiệu quả
Thứ 2, 26/10/2020 | 12:29:09 [GMT +7] A A
Triển khai có hiệu quả dịch vụ công tác xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển chung trên địa bàn tỉnh cũng chính là góp phần cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước vào cuộc sống.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (ảnh) để giúp bạn đọc rõ hơn về nội dung này.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. |
- Xin ông cho biết về việc phát triển dịch vụ công tác xã hội, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
+ Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất chú trọng công tác an sinh xã hội. Trong đó, việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế luôn được quan tâm triển khai nghiêm túc và có hiệu quả.
Riêng 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh có 40.451 người là đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng theo chính sách trợ giúp xã hội. Trong đó theo Nghị định 136 và Nghị định 28 của Chính phủ là 35.714 người, chiếm 88,38%; hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo chính sách của tỉnh là 4.131 người, chiếm 11,7%; trong các cơ sở trợ giúp xã hội là 215 người... Kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội cho các đối tượng trên 230 tỷ đồng/năm.
Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 236/2017/QĐ-UBND “Quy định mức trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, mức chi thù lao cho người trực tiếp chi trả chế độ và mức chi cho công tác quản lý thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Theo đó, quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội cao hơn 1,3 lần mức chuẩn của Trung ương; đảm bảo 100% đối tượng được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh và có khoản hỗ trợ mai táng phí khi qua đời... Những trường hợp cá nhân bị thương nặng, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đều chủ động tham mưu với UBND tỉnh có phần hỗ trợ thêm, ngoài khoản hỗ trợ cứu trợ đột xuất của các địa phương (là 3 triệu đồng đối với người bị thương, 6 triệu đồng đối với người chết).
Sở LĐ-TB&XH cũng triển khai rất hiệu quả dịch vụ công tác xã hội thông qua Trung tâm Công tác xã hội. Bao gồm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chế độ, chính sách an sinh xã hội cho những người yếu thế; tạo thuận lợi cho các cá nhân, gia đình tiếp cận được các dịch vụ xã hội ngay tại cộng đồng nơi sinh sống, giúp họ giải quyết các vấn đề gặp phải. Đặc biệt là đã cung cấp và kết nối các dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng, như: Dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý, can thiệp hỗ trợ, kết nối dịch vụ, phát triển cộng đồng, chuyển gửi... mà ưu tiên phục vụ trước hết là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Lớp học dành cho trẻ câm, điếc được tổ chức tại Cơ sở Bảo trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh. Ảnh: Vân Anh |
- Những mô hình mới, thực hiện tốt các dịch vụ công tác xã hội của tỉnh hiện nay là gì, thưa ông?
+ Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng, triển khai thí điểm 3 đề án, gồm: “Nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội”; “Thí điểm tổ chức các lớp học chuyên biệt cho trẻ khiếm thính có thu phí tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh”; “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, có thu phí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh”.
Sở cũng đã triển khai mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, thuộc dự án phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam về “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên tại Việt Nam về tiếp nhận, cung cấp hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực tại một đầu mối.
Tại đây, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu 24/24h hoàn toàn miễn phí. Cụ thể gồm: Dịch vụ hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và trực tiếp tại văn phòng; xây dựng kế hoạch trợ giúp; cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp; chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển tuyến và kết nối hỗ trợ tư pháp; hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng...
Đoàn công tác của KOICA, UNFPA và Bộ LĐ-TB&XH nắm tình hình triển khai Dự án tại Quảng Ninh, tháng 10/2020. Ảnh: Tôn Vũ |
- Xin ông cho biết những giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của dịch vụ công tác xã hội thời gian tới?
+ Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tập trung thực hiện các nội dung là: Tổng kết các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra theo Kế hoạch số 1811/KHUBND ngày 24/5/2011 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh và các nhiệm vụ đã triển khai trong giai đoạn 2010-2020, để đánh giá những thành tựu đã đạt được và những nhiệm vụ cần rút kinh nghiệm.
Sở cũng sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá các đề án thí điểm, những mô hình trợ giúp đối tượng yếu thế đang triển khai. Trong đó, kiên quyết cho dừng những mô hình hoạt động chưa hiệu quả, chưa phù hợp; tập trung nhân rộng và tạo điều kiện tốt nhất để phát huy những mô hình hoạt động có nhiều hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho người yếu thế.
Bênh cạnh đó, huy động xã hội hoá một số hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở công lập; khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế, ví dụ như trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, người trầm cảm, người khuyết tật, người cao tuổi. Nhất là phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội ở các cấp, đảm bảo cung cấp dịch vụ trợ giúp đối tượng có chất lượng và hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan. Trong đó, cần phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên phạm vi cả nước. Dự báo xu thế, kịch bản phát triển và các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác trợ giúp xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; đánh giá kết quả thực hiện công tác trợ giúp xã hội; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực trợ giúp xã hội, cơ hội và thách thức. |
Hoàng Giang (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()