Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:17 (GMT +7)
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế
Thứ 5, 04/08/2022 | 09:40:45 [GMT +7] A A
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp người dân làm giàu, nâng cao mức sống, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cuối năm 2017, ông Đặng Xuân Phong (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) đã đi học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào mô hình nuôi tôm và nuôi tôm công nghệ cao. Đến nay, mô hình nuôi tôm của ông Phong đã cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhiều lao động trong khu vực. Bản thân ông luôn sẵn sàng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho những người xung quanh để cùng nhau phát triển kinh tế.
Mô hình nuôi tôm của ông Phong phát triển trên diện tích khoảng 6.000m2, tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, trong đó, nuôi tôm công nghệ cao trên bể có diện tích 1.000m2. Ông vừa nuôi tôm giống trên bể vừa nuôi tôm thương phẩm. Với 13 bể nuôi, trung bình mỗi bể rộng khoảng hơn 50m, thả nuôi 5 vạn con/bể. Sau khi tôm được nuôi cứng cáp, ông chuyển sang nuôi tại đầm lớn của gia đình, chỉ để lại khoảng 8.000 con trên bể để tiếp tục nuôi thương phẩm.
Ông Đặng Xuân Phong chia sẻ: Trước đây làm nông nghiệp rất vất vả, hiệu quả kinh tế lại không cao nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2017, tôi được Hội CCB Hải Hà tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh tại Quảng Yên, Nam Định. Qua đó, tôi thấy nghề nuôi tôm rất hay và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu thổ nhưỡng, học hỏi thêm kinh nghiệm và mạnh dạn vay vốn đầu tư vào phát triển nuôi tôm. Tới nay, việc nuôi tôm của gia đình tôi đang phát triển thuận lợi. Một năm có thể nuôi 3 vụ, trừ chi phí chăn nuôi và nhân công, thì doanh thu có thể thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm tùy vào giá cả thị trường.
Không riêng ông Đặng Xuân Phong, với tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, anh Chìu Tiến Minh (thôn Đồng Khoang, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) cũng vay vốn đầu tư mô hình nuôi ếch thương phẩm để phát triển kinh tế.
Anh Minh cho biết: Giữa năm 2018, mô hình nuôi ếch thương phẩm chưa có ai phát triển tại Ba Chẽ. Qua tìm hiểu thị trường, tôi thấy mô hình này rất có triển vọng, nên đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn của bạn bè, người thân, vốn đoàn thanh niên để xây dựng khu nuôi, nhập 3.000 con ếch về nuôi, nhân giống. Phát triển mô hình mới bao giờ cũng gặp khó khăn vì thiếu kinh nghiệm thực tế, do đó thất bại bước đầu cũng là điều khó tránh. Quan trọng là mình không nản chí, tiếp tục học hỏi, tìm hiểu kỹ để theo đuổi đến cùng. Nhờ vậy, đến giữa năm 2019, mô hình nuôi ếch của gia đình đã được các thương lái, nhà hàng biết đến. Tới nay, mô hình đã phát huy được hiệu quả, cho thu nhập khoảng 50-80 triệu đồng/năm. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô nuôi ếch trong thời gian tới.
Bên cạnh nuôi ếch thương phẩm, anh Chìu Tiến Minh còn trồng trên 1.000 gốc cam V2 và nuôi cá rô phi, cá trê, chim. Thu nhập của gia đình anh hiện khá ổn định, từ 80-100 triệu đồng/năm. Từ năm 2018 gia đình anh đã thoát cận nghèo.
Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn, từ năm 2017-2022, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, diễn ra sôi nổi với đa dạng các hoạt động. Điển hình đã thành lập, duy trì tốt hoạt động của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp cấp tỉnh và 15 câu lạc bộ cấp huyện; tổ chức các buổi tọa đàm “Thanh niên với khát vọng khởi nghiệp”, Ngày hội lập nghiệp, khởi nghiệp; xây dựng website khoinghiep.quangninh.vn; phối hợp tổ chức 22 diễn đàn, giao lưu, học hỏi từ các mô hình thực tế giữa thành viên các CLB Khởi nghiệp; phối hợp tổ chức 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tư vấn khởi sự cho doanh nghiệp thanh niên; xây dựng Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh gần 2 tỷ đồng...
Đặc biệt, Đoàn các cấp tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp thông qua phát triển các mô hình kinh tế, HTX, tổ hợp tác giúp nhau làm giàu với 226 mô hình kinh tế thanh niên làm chủ; thành lập, duy trì 467 HTX, tổ hợp tác, CLB Thanh niên giúp nhau làm kinh tế; tăng dư nợ vốn vay do tổ chức Đoàn ủy thác qua Ngân hàng CSXH đạt 363 tỷ đồng giúp đoàn viên vay vốn.
Còn theo thống kê của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh, hiện CLB đã thu hút được trên 400 thành viên là các tập thể, cá nhân tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố tham gia để cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao trong các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ, sản xuất... có thể cùng hỗ trợ nhau đầu tư, nhân rộng và phát triển.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()