Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:05 (GMT +7)
Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả
Thứ 6, 29/12/2023 | 10:36:46 [GMT +7] A A
Các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhận thấy giống na QN-D1 có nhiều đặc điểm vượt trội so với giống na địa phương, từ tháng 5/2021 Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) triển khai mô hình nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc na QN-D1. Mục tiêu của mô hình là bổ sung giống mới vào cơ cấu giống cây ăn quả, tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại Quảng Ninh. Đến nay sau hơn 2 năm triển khai, Trung tâm đã nhân giống và trồng thành công giống na QN-D1 tại Quảng Ninh, mở ra một hướng canh tác mới, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long, Quảng Yên.
Kỹ sư Nguyễn Văn Phú, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Na QN-D1 cho năng suất cao, khoảng 10 tấn/ha; quả to, trọng lượng bình quân 500 gam/quả; ngọt thơm vị dứa (độ Brix 20-25), ít hạt, thịt quả chắc, chịu được vận chuyển, nên có tiềm năng xuất khẩu. Giá bán cao hơn so với giống na dai, na bở, khoảng 150.000-200.000 đồng/kg. Đặc biệt, giống na này có thể nhân giống bằng phương pháp ghép cành, sử dụng gốc ghép là na địa phương.
Là một trong những hộ dân tham gia mô hình trồng giống na mới, ông Nguyễn Hồng Khanh (xã Tân Việt, TX Đông Triều) cho biết: "Gia đình tôi có 0,5ha trồng thử nghiệm na QN-D1, cho thấy giống cây sinh trưởng nhanh gấp 1,5 lần so với na dai, ít sâu bệnh. Đặc biệt cây có khả năng phát triển trong điều kiện nhiệt độ thấp, nên có thể rải vụ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, mang lại giá trị kinh tế cao".
Giai đoạn 2019-2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 61 mô hình, dự án khuyến nông cấp tỉnh, cấp trung ương đến 1.608 hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh. Hệ thống khuyến nông các huyện, thị xã, thành phố triển khai 156 mô hình, dự án sản xuất đến gần 4.500 hộ nông dân, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại các vùng lúa tập trung ở Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà; trồng dong riềng tại Bình Liêu; trồng cam tại Vân Đồn, Đầm Hà; nuôi tôm thẻ chân trắng 2-3 giai đoạn, trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa tại Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu...
Nhiều mô hình có vai trò hoàn thiện quy trình sản xuất làm cơ sở dữ liệu, góp phần chỉ đạo sản xuất cũng như đẩy nhanh tỷ trọng cho các vùng sản xuất tập trung. Tiêu biểu như mô hình sản xuất ổi VietGAP tại Hạ Long đã cho năng suất 40-50 tấn/ha/năm, mang loại doanh thu khoảng 600 triệu đồng/ha/năm cho các hộ tham gia. Hay như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Semi-Biofloc mang lại sản lượng gần 18,500 tấn/ha, cho doanh thu trên 2,4 tỷ đồng/ha cho các hộ nuôi...
Các mô hình này đều được lựa chọn kỹ, phù hợp với thực tiễn địa phương, có áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để trình diễn, thử nghiệm nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Để các mô hình thành công và nhân rộng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, nông dân về kỹ thuật mới trong chăn nuôi và trồng trọt. Đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT trên các loại giống mới.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()