Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 13:08 (GMT +7)
Nhân lên những việc làm hay, hành động đẹp
Thứ 3, 02/04/2024 | 08:18:22 [GMT +7] A A
“Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp...” - Lời căn dặn của Bác vẫn luôn được nhắc lại trước mỗi một việc làm hay, hành động đẹp trong cộng đồng. Những tấm gương người tốt, việc làm tử tế ngày càng lan tỏa rộng rãi, mang lại những cảm xúc tốt đẹp, truyền cảm hứng, thôi thúc mỗi người tin tưởng, làm nhiều điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội.
Việc tử tế - Ai cũng có thể
Đầu năm 2023, câu chuyện về 3 học sinh Trường THCS Bình Khê (TX Đông Triều) cứu giúp một cụ bà 83 tuổi bị đuối nước được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội và các trang tin tức. Những tấm gương dũng cảm đó là Lưu Đức Duy, Phạm Hồng Anh, Lã Minh Ánh, học sinh của Trường THCS Bình Khê trên đường đi học về bất ngờ thấy một bà cụ đang chới với, vẫy vùng dưới mương nước, ngay lập tức 3 em đã để cặp và xe đạp trên bờ, cùng nhau lao xuống mương nước để cứu giúp bà cụ. Không dừng lại ở đó, 1 em đạp xe về phía đường rộng gần đó để gọi mọi người đến trợ giúp, 2 em còn lại tìm cách giữ ấm cơ thể cho cụ. Tấm gương sáng của 3 học sinh đã được Ban Giám hiệu Trường THCS Bình Khê tuyên dương và đánh giá hành động giúp người khi gặp hoạn nạn là phẩm chất cao đẹp, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Mới đây, chiều 13/3, học sinh Nguyễn Văn Khôi, học sinh lớp 6E, Trường THCS Hà An (TX Quảng Yên) trong khi cùng các bạn cùng lớp lao động khu vực ngoài cổng trường đã nhặt được một chiếc túi màu đen. Sau khi kiểm tra thấy bên trong có rất nhiều tiền, Khôi đã nhanh chóng thông tin, báo cáo và giao nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, khi thấy bà Vũ Thị Nhặt (khu 3A, phường Hà An, TX Quảng Yên) đang tìm kiếm tài sản đánh rơi và xác minh chính xác bà Nhặt là chủ nhân của chiếc túi màu đen, bên trong có số tiền 14.150.000 đồng, Khôi đã trao trả tận tay chiếc túi cùng số tiền cho bà Nhặt trước sự chứng kiến của cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp.
Trước đó, ngày 5/12/2023, Trần Trung Hiếu, học sinh lớp 11A2, Trung tâm GDNN-GDTX Hải Hà (huyện Hải Hà) bất ngờ nhận được số tiền 100.000.000 đồng trong tài khoản. Nghi ngờ có người khác chuyển nhầm, Hiếu đã cùng gia đình trình báo với Công an xã Quảng Chính. Qua tiến hành xác minh, đã xác định được số tiền trên là của anh Phùng Văn Hưởng (SN 1995) trú tại xóm Ninh Giang, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chuyển nhầm. Trần Trung Hiếu đã trao trả đầy đủ số tiền trên cho anh Hưởng.
Không chỉ dừng lại ở việc cứu người khi hoạn nạn, hay nhặt được của rơi, trả người đánh mất, những việc làm tử tế của người dân đất Mỏ còn đến ở hành động vì cuộc sống cộng đồng.
Bỏ ra số tiền lớn ra mua mảnh đất 300m2 tại trung tâm TP Hạ Long, chị Phạm Thùy Dương (TP Hạ Long) không dùng để ở, mà xây khu nhà trọ cho bệnh nhân nghèo đang phải chạy thận lưu trú miễn phí. Từ đó, tên gọi "Xóm trọ 0 đồng" đã ra đời và trở thành điểm tựa cho những bệnh nhân suy thận có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Xóm trọ có 6 phòng, mỗi phòng 10m2, cùng với khu vệ sinh và sân sinh hoạt chung. Từ việc làm ý nghĩa của chị Dương, nhiều người cũng đã chung tay đóng góp vật liệu, đồ dùng. Người thì cho mái tôn, người đóng cho giường, người ủng hộ bàn ghế, quạt... để những căn phòng kiên cố, tiện nghi hơn. Ngoài ra, khi có thời gian rảnh, chị Dương cũng tìm những công việc nhẹ nhàng như đan lát, khâu vá, thêu thùa cho người trong xóm trọ làm để kiếm thêm thu nhập những khi không phải đi điều trị. Chị Dương cho biết: Tôi không mong cầu nhận lại thứ gì, chỉ mong giúp đỡ được thật nhiều hoàn cảnh khó khăn có nơi ở để đủ sức chống chọi lại với bệnh tật.
Còn đối với chị Trần Thị Dung (44 tuổi) giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hạ Long) đã 26 lần thực hiện hiến máu. Chị Dung luôn tâm niệm “cho đi là còn mãi”, sẵn sàng vì người khác để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài bản thân trực tiếp hiến máu, chị Dung còn vận động người thân, đồng nghiệp tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Mỗi khi có hoạt động, chị lại thông tin đến mọi người có điều kiện sức khỏe trực tiếp hiến máu cứu bệnh nhân. Chị Dung còn tham gia tư vấn, hỗ trợ hoạt động hiến máu do Hội Chữ thập đỏ TP Hạ Long tổ chức. Chị Dung chia sẻ: Việc làm nhỏ thôi, trong khả năng của mình giúp được người nào thì nên giúp, chính điều đó sẽ làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn, sống gắn kết và nhân ái hơn.
Và còn nhiều câu chuyện tử tế vẫn được thực hiện trong thế hệ trẻ. Với phương châm mình vì mọi người, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội... nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn Quảng Ninh đã noi gương Bác làm nhiều việc tốt cho cộng đồng.
Với mục đích tạo nên những hành động đẹp, ý nghĩa thông qua các hành động tình nguyện cộng đồng nhằm chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh, 4 học sinh Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) là Nguyễn Trà My, Đinh Quốc, Đào Lan Chi, Nguyễn Thu Hà đã lên ý tưởng thành lập CLB Hand in Hand. Chủ nhiệm CLB Nguyễn Trà My cho biết: Đôi khi chỉ là những phần quà nhỏ như đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ thể thao… nhưng thông qua đó, chúng em muốn lan tỏa tinh thần tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng, đặc biệt, cũng qua những hoạt động thiện nguyện giúp chúng em có thêm những bài học thực tế từ cuộc sống.
Ngoài gây quỹ từ thiện, các thành viên CLB Hand in Hand còn tham gia các hoạt động tình nguyện khác như: Bảo vệ môi trường, tiếp sức mùa thi, dạy học xóa mù chữ…
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Có thể thấy những nghĩa cử đẹp, câu chuyện tử tế, những con người sống vì cộng đồng, vì mọi người được xem như những hạt mầm nhân văn, làm nảy nở vun đắp cho xã hội thêm những yêu thương, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, làm cho cái thiện lấn dần cái ác, cái xấu. Những việc làm nhân văn đó cũng sẽ mang lại những tác động diệu kỳ để mỗi chúng ta có thể tự mình suy ngẫm, rút được ra cho mình những thông điệp và nhân những điều tốt đẹp lan tỏa trong cuộc sống.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm đến xây dựng hình ảnh con người Quảng Ninh văn minh, lịch sự, hiếu khách khi xây dựng và phát động Chương trình “Nụ cười Hạ Long”, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Các địa phương trong tỉnh cũng nỗ lực xây dựng hình ảnh, cổ vũ mỗi người dân hãy chú trọng ứng xử, tôn vinh các nét đẹp văn hoá. TP Hạ Long, huyện Tiên Yên vận động người dân “nói lời hay, cử chỉ đẹp”; TP Móng Cái ban hành bộ quy tắc ứng xử “Người Móng Cái thân thiện”; TP Cẩm Phả xây dựng hình ảnh “Con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình”; Công an tỉnh xây dựng quy tắc ứng xử “Xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an Quảng Ninh cùng nụ cười Hạ Long”...
Những quy tắc này đã và đang xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn tỉnh, xây dựng Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại, đáng sống, góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện.
Nhân lên cái đẹp để dẹp đi cái xấu không phải là điều quá lớn, quá khó, đặc biệt, trong thời đại công nghệ, chỉ cần một cái nhấp chuột đã làm được nhiều điều, hoặc là lan tỏa điều tốt đẹp, truyền bá sự nhân văn, nhưng cũng có thể tiếp tay cho cái xấu, cái ác trở nên tràn lan hơn.
Để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến thế hệ trẻ, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh cũng chú trọng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, hệ thống trang thông tin của Tỉnh Đoàn duy trì chuyên mục “Mỗi ngày 1 tin tốt - Mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp”, thường xuyên đăng tải những câu chuyện, hình ảnh đẹp trong xã hội, các gương điển hình, công trình phần việc tiêu biểu của tuổi trẻ.
Qua đó, góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu nhi hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống đẹp, sống có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Mỗi tấm gương sáng thật sự là một sức mạnh vô giá. Việc lan tỏa những tấm gương đẹp giữa đời thường sẽ giúp chúng ta đấu tranh với cái xấu, góp phần tạo ra một xã hội ngày càng nhiều người tốt, việc tốt.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()