Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Nhân lên màu xanh cho những cánh rừng
Chủ nhật, 13/02/2022 | 08:15:59 [GMT +7] A A
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Hơn 60 năm qua, từ lời căn dặn của Người, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Quảng Ninh hưởng ứng, là việc làm không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về và trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi một mầm xanh được ươm vào đất mẹ chính là biểu tượng của sức sống đang đâm chồi mạnh mẽ, là sự gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào mỗi bước đường phát triển, lớn mạnh không ngừng của đất nước hôm nay.
Nét đẹp văn hóa Tết trồng cây
Không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, Tết trồng cây còn là nhiệm vụ mở đầu của năm mới. Qua đó, đẩy mạnh phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân ngay từ những ngày đầu xuân. Hòa trong không khí rộn ràng, phấn khởi đó, cùng nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, ngày 7/2 vừa qua, ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, Quảng Ninh đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trong toàn tỉnh.
Theo đó, các lãnh đạo tỉnh đã dự, tham gia Tết trồng cây cùng đông đảo cán bộ, nhân dân tại huyện Ba Chẽ, Tiên Yên và TP Hạ Long. Ngay trong ngày trồng cây đầu năm, nhiều địa phương đã trồng được số lượng cây rất lớn, tiêu biểu: TP Hạ Long trồng được 13.000 cây các loại với tổng diện tích 11ha; huyện Bình Liêu trồng trên 6.000 cây các loại; huyện Ba Chẽ trồng hơn 4.000 cây… Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, trường học đều vận động nhân dân hưởng ứng bằng việc tham gia trồng cây nơi công sở, trường học, ngay tại địa bàn khu dân cư góp phần cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sống, xanh, sạch, đẹp.
Đặc biệt, hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tỉnh khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức Tết trồng cây năm 2022 với chỉ tiêu cao hơn 2 lần so với năm 2020.
Riêng dịp đầu xuân, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 650.000 cây các loại. Bên cạnh trồng cây tạo cảnh quan tại các đô thị, các địa phương, đơn vị lồng ghép tổ chức kế hoạch trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, đảm bảo trong quý I/2022 trồng 1.500ha cây gỗ lớn, cây bản địa. Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, 13/13 địa phương và các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã đăng ký tổ chức Tết trồng cây với tổng số 828.601 cây với các chủng loại đa dạng và hữu ích cho địa phương: 2.700 cây lim, 13.370 cây giổi, 6.650 cây lát; 725.881 cây sao đen, bằng lăng, bạch đàn, phượng, phi lao, thông... và khoảng 80.000 cây thân thảo (cây hoa bụi, chuỗi ngọc...).
“Tết trồng cây” không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên mà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ và cải tạo môi trường sống của con người, nhất là trước thực tế Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, “Tết trồng cây” còn góp phần giáo dục cho mỗi người bài học về tình yêu, sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường sinh thái. Qua đó, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường và cộng đồng xã hội.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững
Trong nhiều năm, Quảng Ninh luôn là địa phương đi đầu trong nước về công tác xây dựng chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Tỉnh đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14 cả nước. Với quyết tâm sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh của tỉnh, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030”. Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh “Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Ngay sau khi ban hành, các nghị quyết đã sớm đi vào cuộc sống, khẳng định tính đột phá trong nâng cao, phát triển giá trị của rừng cũng như tạo dư địa mạnh mẽ cho phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU, nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trong thực hiện công tác bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng không ngừng được nâng lên, đưa lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển nhanh, bền vững.
Toàn tỉnh trồng được 23.738ha rừng tập trung, trong đó có 1.473ha rừng gỗ lớn, tăng 10%/năm khi chưa ban hành nghị quyết, tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU; giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm, tăng gần 10% so với giai đoạn 2018-2019; khai thác và tiêu thụ 1.086.815m3/năm, tăng gần 20% so với giai đoạn 2018-2019, tăng 14% so với chỉ tiêu hằng năm theo chỉ tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU; thu nhập bình quân của lao động lâm nghiệp trên 70 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với hơn 60.000 lao động lâm nghiệp đã góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.
Với mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp Quảng Ninh trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng phát triển bền vững; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh... trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong tham gia bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời, tiếp tục rà soát xây dựng bổ sung một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, chú trọng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, chế biến lâm sản... Cùng với đó, xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư, tổ chức thực hiện hiệu quả các lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp...
Những cách làm, chính sách riêng có của Quảng Ninh đã và đang tạo động lực để tỉnh cùng cả nước thực hiện thành công đề án cơ cấu, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp nói riêng và đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh nói chung.
Nguyễn Dung
- Trồng cây gây rừng gỗ lớn
- Vốn quý từ đất rừng Ba Chẽ
- Ba Chẽ đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn
- Sôi nổi Tết trồng cây
- Các đơn vị phát động Tết trồng cây năm 2022
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tham gia Tết trồng cây tại Ba Chẽ
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động Tết Trồng cây tại Phú Thọ
- Các địa phương phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022
Liên kết website
Ý kiến ()