Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:30 (GMT +7)
Thực hiện chủ đề công tác năm 2022: Thành quả từ sức mạnh tổng lực
Thứ 3, 26/07/2022 | 08:31:33 [GMT +7] A A
Năm 2022, Quảng Ninh xác định chủ đề công tác là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Bám sát thực tiễn, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Sức khỏe, tính mạng người dân đặt lên hàng đầu
Hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 đã khiến cho mọi hoạt động, đời sống xã hội bị đảo lộn, gây ra nhiều tổn thất tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Sau nhiều đợt dịch bùng phát và được khống chế, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại với số ca mắc mới liên tục tăng. Riêng trong quý I/2022, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 300.000 ca mắc, chiếm 98,8% tổng số ca mắc từ đầu mùa dịch.
Bám sát thực tiễn, tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh về công tác phòng chống dịch; không ngừng nâng cao năng lực y tế từ tỉnh tới cơ sở, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường đảm bảo có đủ khả năng xử lý kịp thời, ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát, bảo vệ các đối tượng trọng điểm, nguy cơ cao. Tỉnh cũng ban hành kế hoạch, phương án tổ chức quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19 trong tình huống có đến 10.000 người nhiễm/ngày trên địa bàn tỉnh.
Để tạo sự miễn dịch liên tục cho người dân, tỉnh đã chỉ đạo triển khai chiến lược vắc-xin “thần tốc”, chủ động đi trước, làm trước, tuyệt đối an toàn. Quan trọng hơn, tỉnh đã tận dụng tối đa thời điểm “vàng” trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để tập trung tiêm mũi 3 phòng Covid-19 cho người đủ điều kiện, bảm bảo tuyệt đối an toàn. Hiện, độ bao phủ vắc-xin của tỉnh ở các đối tượng đều cao hơn cả nước. Đối với người trên 18 tuổi, mũi 1 đạt 99,86%; mũi 2 đạt 99,54%; mũi 3 đạt 97,34%; mũi 4 đạt 15% kế hoạch. Trẻ em từ 12-17 tuổi, mũi 1 đạt 99,96%, mũi 2 đạt 98,9%, mũi 3 đạt 39,48% kế hoạch. Đối với trẻ em từ 5 tới 12 tuổi, mũi 1 đạt 72,28%, mũi 2 đạt 30,65%.
Việc sớm bao phủ vắc-xin đã góp phần hết sức quan trọng để Quảng Ninh giảm số ca mắc mới. Tỷ lệ tử vong của tỉnh duy trì ở mức 0,041% - mức thấp nhất cả nước.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận 1.185 ca. Đặc biệt, qua kết quả giải trình tự gen cho thấy, trong hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm nay, phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội và sau đó là tại một số tỉnh, thành trong nước.
Tại Quảng Ninh, từ đầu đại dịch đến ngày 20/7 đã ghi nhận 353.111 ca mắc Covid-19 (nhập cảnh 228 ca, nội địa 352.883 ca).
Với quan điểm chỉ đạo quyết tâm bảo vệ thành quả phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch, bám sát tình hình dịch bệnh, tỉnh liên tục có những chỉ đạo mới. Mới đây ngày 20/7, UBND tỉnh đã có văn bản về việc thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Phiên họp thứ 15.
Theo đó, các ngành chức năng chủ động triển khai công tác giám sát, ứng phó với các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2; rà soát, đảm bảo năng lực thu dung, điều trị các các cơ sở y tế; xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch, không để bị động; hoàn thành sớm tiêm vắc-xin mũi 3, 4 đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát kế hoạch tiêm vắc-xin 6 tháng cuối năm nay, bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tiễn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch tiêm năm 2023 và kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi...
Động lực thúc đẩy nền kinh tế
Triển khai chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, song song với công tác phòng chống dịch, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau thời gian dài bị “tê liệt”. Theo đó, tỉnh đã tăng cường các biện pháp ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành kinh tế. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2022-2023, trong đó, tập trung phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu.
Phát huy lợi thế ngành du lịch, một trong những trụ cột phát triển kinh tế, tỉnh sớm đưa ngành công nghiệp không khói sôi động trở lại. Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 và Đề án phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch... được tỉnh chỉ đạo xây dựng, triển khai.
Các đơn vị làm du lịch cũng nhanh chóng trở lại hoạt động sau thời gian “ngủ đông”, bắt tay nâng cao chất lượng du lịch từ việc cải thiện chất lượng dịch vụ và ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, trong đó chú trọng các loại hình du lịch: Du lịch biển đảo; văn hóa, tâm linh; du lịch chăm sóc sức khỏe, trong đó khai thác các giá trị văn hoá ẩm thực cũng như giá trị các di sản; kết hợp phát triển du lịch sinh thái, đa dạng trải nghiệm và khai thác tốt loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh tổ chức hàng loạt các chương trình, sự kiện du lịch ấn tượng, như: Carnaval Hạ Long, festival áo dài... Quảng Ninh ghi dấu ấn sâu đậm với du khách trong và ngoài nước khi tổ chức thành công sự kiện SEA Games 31 với 7 môn thi đấu tại địa phương. Qua đó, góp phần quảng bá sâu rộng vùng đất, tiềm năng, du lịch của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Sự chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế, 6 tháng đầu năm, kinh tế của Quảng Ninh phục hồi với những con số ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ 2021. Nổi bật, ngành dịch vụ ước tăng 11,15%, cao hơn 4,08 điểm % so với cùng kỳ 2021. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần cùng kỳ 2021. Doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước... Tổng thu NSNN ước đạt 28.671 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 24% so với cùng kỳ 2021...
Xây dựng nguồn lực cống hiến, sáng tạo
Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định sự tăng trưởng và phát triển xã hội. Xác định vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bám sát định hướng phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Tỉnh đã chỉ đạo và dành nguồn lực thỏa đáng để đào tạo, bồi dưỡng, ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực tỉnh cần đáp ứng mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp và hội nhập, như: Ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ, cải cách hành chính, quản lý đô thị, tin học...
Đồng thời, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mục tiêu chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho CBCCVC, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ nhà trường; gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và phát triển kỹ năng số trong các cơ quan nhà nước và trong khu vực tư nhân.
Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chỉ đạo nghiên cứu tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn theo hướng đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC năm 2022 với 94 lớp cho 6.614 học viên, kinh phí dự toán 20,4 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 30 lớp.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành đang là thế mạnh, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm xây dựng cơ chế chính sách đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Quảng Ninh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo.
Phát triển nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng dân số, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, nghiên cứu, nhân rộng mô hình dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).
Thành quả từ sức mạnh tổng lực trong thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh, đã và đang tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong năm nay và những năm tiếp theo.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()