Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:48 (GMT +7)
Nhận diện thách thức tăng trưởng kinh tế năm 2024 và giải pháp
Thứ 5, 25/01/2024 | 15:15:30 [GMT +7] A A
Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị, kinh tế thế giới vẫn hiện hữu, tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo 2,4-2,9%
Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Theo một số chuyên gia, đây được xem là mục tiêu vô cùng thách thức trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều định chế tài chính quốc tế dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2024 có khả năng chỉ ở mức tăng khoảng 2,4-2,9% (giảm nhẹ từ mức khoảng 3% năm 2023). Trong khi đó, rủi ro tài chính, tiền tệ và nợ trên thế giới còn cao. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, rủi ro chuỗi cung ứng còn hiện hữu…
Nhận diện rõ hơn về những thách thức của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.
"Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam." - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta...
Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ.
Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay; du lịch đối diện với nhiều thách thức… cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Các giải pháp trọng tâm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng
Trên cơ sở những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm đã đặt ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Quán triệt, triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương… Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch đã ban hành…
Bám sát tình hình, nâng cao chất lượng dự báo, triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành để ứng phó với tình hình phát sinh, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tranh thủ cơ hội, thời cơ từ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo.
Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển các ngành, lĩnh vực mới về kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là đầu tư cho các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, có tính động lực, kết nối, liên vùng. Cùng với đó, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; cải thiện năng lực sản xuất trong nước, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI với khu vực trong nước; đa dạng hóa thị trường đầu ra, đầu vào nguyên vật liệu, công nghệ, làm chủ công nghệ, chuỗi cung ứng, bảo đảm cung – cầu hàng hóa thiết yếu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.
Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế.
Đồng ý với những thách thức tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dự báo, theo đó, bên cạnh những kịch bản tăng trưởng cao vẫn cần có những kịch bản tăng trưởng thấp để nền kinh tế có đủ khả năng ứng phó với tình huống không mấy tích cực có thể xảy đến.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()