Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:21 (GMT +7)
Nhận diện giá trị Thương cảng Vân Đồn
Chủ nhật, 02/10/2022 | 08:38:27 [GMT +7] A A
Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn” vừa được UBND tỉnh tổ chức tại Khu đô thị Phương Đông (huyện Vân Đồn), đã tập hợp được nhiều ý kiến quý giá của các chuyên gia, nhà khoa học về thương cảng đầu tiên của nước ta.
Thương cảng Vân Đồn được hình thành năm 1149, dưới thời vua Lý Anh Tông và tồn tại trong suốt 7 thế kỷ, từ thời Lý đến thời Hậu Lê (thế kỷ 12 đến thế kỷ 18), với nhiều thuyền buôn từ các nước trong khu vực đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Trung tâm thương cảng được cho là nằm ở bến Cái Làng thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn ngày nay.
Hội thảo về Thương cảng Vân Đồn đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương. Hội thảo đã diễn ra sôi nổi ở 3 phiên với 34 tham luận của các chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa, khảo cổ học của Việt Nam công bố các kết quả nghiên cứu, đánh giá toàn diện về tiềm năng, vai trò của Thương cảng Vân Đồn, nhận diện giá trị Thương cảng Vân Đồn, bảo tồn, phát huy giá trị vùng thương cảng.
Các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình với việc xây dựng hồ sơ Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; định hướng giải pháp khoanh vùng bảo vệ và thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và khảo cứu từ các nguồn tư liệu trong nước và quốc tế, các chuyên gia đã có những phát hiện, đánh giá khá kỹ lưỡng về thương cảng. Điển hình như những nhìn nhận từ tư liệu khảo cổ học di tích Cống Cái - Sơn Hào đã khẳng định sự giao lưu văn hóa thương mại rất sôi động ở Thương cảng Vân Đồn từ thời nhà Lý.
Trong lịch sử, Vân Đồn là một thương cảng quốc tế, là cửa ngõ của khu vực Bắc Bộ trong bang giao, thương mại và là vùng đất yết hầu trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia. Vân Đồn đã trở thành điểm nối, nơi hội tụ và lan tỏa từ lục địa ra và từ biển vào và trở thành “không gian lịch sử - văn hóa thu nhỏ”.
Các ý kiến tham luận cũng tiếp tục làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển Vân Đồn gắn với các giá trị di sản, phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Các tham luận tập trung nhận định về những giá trị cảnh quan và môi trường, tài nguyên thiên nhiên, con đường giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế biển, văn hóa, quân sự, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thương cảng Vân Đồn. Các nhà khoa học đều có chung nhận định: Thương cảng Vân Đồn đóng vai trò là một trung tâm thương mại quốc tế có quy mô lớn, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, gắn liền với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong tiến trình lịch sử.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo, nhận định: Là một thương cảng lớn, hoạt động liên tục, Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt. Cùng với hệ thống cảng biển, Thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề truyền thống.
Hội thảo đã khẳng định được chiều sâu, sự đa dạng trong quá trình hình thành, phát triển và vai trò quan trọng của Thương cảng Vân Đồn. Kết quả từ Hội thảo lần này, sẽ góp phần quan trọng vào công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, nhấn mạnh: Kết quả chuyên môn của hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và Thương cảng quốc tế Vân Đồn - một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: "Xã hội hóa là một xu hướng tích cực để khai thác và bảo tồn giá trị của di sản"
Ở phía Bắc, Thương cảng Vân Đồn ra đời rất sớm, từ thời vua Lý Anh Tông đã có Chỉ dụ thành lập thương cảng này để buôn bán với nước ngoài, chủ yếu giao lưu với các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tức là có một quyết định của người đứng đầu nhà nước về thành lập trang Vân Đồn. Đây là điều kiện tạo ra sự hưng thịnh cho quốc gia Đại Việt.
Tính chất quốc tế của Thương cảng Vân Đồn được thể hiện ở việc có nhiều thương nhân nước ngoài đến đây để giao thương và định cư. Ngoài ra các sản phẩm trao đổi, buôn bán ở Thương cảng Vân Đồn là các mặt hàng, đặc sản của địa phương và của các quốc gia khác. Tính chất hoạt động cả về phương diện quản lý và hoạt động của các thương nhân đều rất chuyên nghiệp và mang tính quốc tế. Việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đang được làm tích cực và có sự đóng góp của các chuyên gia có thể nói là hàng đầu. Chính vì vậy, những tiêu chí cần được xem xét, gia cố thì tôi thấy đang được làm tương đối tốt.
Điều lo lắng hiện nay là sau khi có danh hiệu đó thì làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản? Đây là lúc chúng ta cần có sự gắn kết giữa 3 nhà: Một là nhà quản lý phải có trách nhiệm, có tầm nhìn; hai là phải có ý kiến của các nhà khoa học để chỉ ra giá trị thực của nó ở đâu và làm thế nào để khai thác và thứ 3 là thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư. Xã hội hóa bây giờ đang là một xu hướng tích cực để khai thác và bảo tồn giá trị của di sản, vì vậy cần có những ý tưởng mới, cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đến địa phương để khai thác và phát huy được giá trị của di sản.
TS Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học Việt Nam: “Cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để thu thập, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử”
Quá trình khảo cổ, khai quật phát hiện nhiều di vật, hiện vật, dấu tích về sự phát triển của Thương cảng Vân Đồn. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của Thương cảng Vân Đồn trong hệ thống giao thương Việt Nam và quốc tế; quy mô, mối quan hệ của các vùng, cụm cảng đảo trong quần thể di tích.
Tuy nhiên, hiện nay các hiện vật, dấu tích dần bị mai một, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để thu thập, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của dấu tích Thương cảng Vân Đồn. Các kết quả nghiên cứu ở Cống Cái - Sơn Hào và rộng hơn cho thấy sự phát triển về cả cơ sở vật chất, văn hóa, hàng hóa và tổ chức xã hội trên đảo Quan Lạn. Những kết quả nghiên cứu cho tới nay ở khu vực Cống Cái - Sơn Hào đã cung cấp thêm nhiều tư liệu và hiểu biết mới về khu vực đảo Quan Lạn.
Có thể cho rằng, đây là một phần quan trọng của Thương cảng Vân Đồn mà nhà Lý đã tạo lập với cơ sở vật chất và hoạt động thương mại đã có từ trước thời Lý. Nhận định này cần được tiếp tục xác minh qua việc khai quật diện rộng khu vực Cái Làng và khảo sát kỹ hơn, chi tiết hơn khu vực Trà Bản, nhằm xác định vai trò của sông Mang như một yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên một trung tâm thương mại quan trọng nhất của Vân Đồn vào thời Lý và có thể cả trước đó.
GS.TS Trịnh Văn Sinh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: “Thương cảng Vân Đồn cần thấy hết những ưu thế của mình để vươn lên”
Quan trọng nhất là làm sao khai thác hiệu quả giá trị Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn; khẳng định giá trị, vai trò và nâng tầm thương cảng lên một tầm cao mới. Cần khôi phục các lễ hội truyền thống ở Vân Đồn, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch.
Cái may là vốn di sản này vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Những tầng văn hóa dày đặc gốm vẫn còn đấy, trải dài 200m ven bờ. Những di tích tôn giáo liên quan đến cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1288 của danh tướng Trần Khánh Dư vẫn được tu bổ, thờ tự, các lễ hội truyền thống, các bãi cát trắng phau đẹp tuyệt vời vẫn đượm vẻ hoang sơ. Dường như cái vốn di sản văn hóa, thắng cảnh này vẫn chỉ ở trạng thái tiềm năng như cô gái đẹp ngủ trong rừng mà chưa được đánh thức.
Nói riêng đảo Quan Lạn chưa cuốn hút được du khách cũng một phần vì còn nghèo nàn về sản phẩm du lịch, chưa đủ sức hút du khách lưu trú dài ngày. Chưa kể đến công tác quảng bá, truyền thông còn chưa rộng rãi. Bước vào giai đoạn mới, cả nước phát triển du lịch, Thương cảng Vân Đồn cũng cần thấy những ưu thế của mình, ngoài ưu thế về di sản, lịch sử văn hóa để vươn lên.
TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: “Thương cảng Vân Đồn xứng đáng được nghiên cứu, công nhận là di tích quốc gia đặc biệt...”
Chủ trương của tỉnh Quảng Ninh về nhận diện và lập hồ sơ khoa học Di tích Quốc gia đặc biệt Thương cảng Vân Đồn là chiến lược bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững. Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ.
Với đặc thù là một quần thể có hàng chục điểm di tích nằm rải rác cách xa nhau, nhiều chỗ chỉ còn là phế tích nhưng mỗi địa điểm từ tên gọi đến cảnh quan sinh thái của thương cảng đều liên quan tới nhau và có những ý nghĩa đặc biệt. Đối với quần thể di tích này, việc khoanh vùng bảo vệ như các di tích đơn lẻ là bất cập và không có lợi với tầm nhìn và chiến lược phát triển của địa phương. Vì vậy nên đề xuất công nhận ở dạng các địa điểm di tích (giống như Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh). Căn cứ vào kết quả nghiên cứu quy hoạch, có di tích phục dựng lại nhưng có di tích chỉ cần gắn biển thông tin và diễn giải theo phương pháp bảo tàng học.
Di sản văn hóa phi vật thể là một bộ phận quan trọng, giá trị cốt lõi của Thương cảng Vân Đồn. Với hiện trạng đang mai một của loại hình di sản này, cần thiết phải khẩn cấp nhận diện, phục hồi và làm sống lại trong đời sống của cư dân Vân Đồn, với cách tiếp cận tổng thể bảo vệ di sản của UNESCO mà chúng tôi đã đề xuất. Cùng với đó, cần bảo vệ, phục hồi cả cảnh quan, sinh thái môi trường để neo giữ vật thể hóa các câu chuyện văn hóa phi vật thể và ý nghĩa lịch sử của nó như là cơ sở tiền đề để cộng đồng tái sáng tạo văn hóa của mình.
Thương cảng Vân Đồn là một di sản văn hóa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Di sản này còn là tiềm năng phát triển trong tương lai, vì vậy, xứng đáng được nghiên cứu, công nhận là di tích quốc gia đặc biệt để bảo tồn và phát huy giá trị.
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()