Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:17 (GMT +7)
Nhận diện 3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên gây ngộ độc ở trường iSchool Nha Trang
Thứ 4, 23/11/2022 | 14:26:11 [GMT +7] A A
Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, đã tìm thấy nhiều vi khuẩn trong cánh gà chiên của bữa ăn khiến hàng loạt học sinh ngộ độc ở trường iSchool Nha Trang.
Cụ thể, phát hiện vi khuẩn Salmonella spp; vi khuẩn Bacillus cereus; vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên. Đồng thời vi khuẩn Bacillus cereus cũng được phát hiện trong mẫu nước mắm.
Để hạn chế và phòng ngừa những ca ngộ độc thực phẩm tập thể, việc đảm bảo vệ sinh, bảo quản thực phẩm theo đúng điều kiện quy định... là những việc làm cần thiết.
1. Bacillus cereus, độc tố gây nôn và tiêu chảy
Là một trong ba loại vi khuẩn được tìm thấy trong thực phẩm gây ngộ độc tập thể cho các em học sinh ở Nha Trang, Bacillus cereus là một trong những loài vi khuẩn phổ biến gây ra ngộ độc thực phẩm. Nó tạo ra một loại độc tố gây nôn và ba loại độc tố ruột khác nhau.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), Bacillus cereus là một loại vi khuẩn gram dương kỵ khí dễ sinh độc tố. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong môi trường, thường có trong đất và thảm thực vật. Nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm. Đặc biệt, loài vi khuẩn này có thể nhanh chóng nhân lên ở nhiệt độ phòng.
Khi bị nhiễm khuẩn Bacillus cereus, nạn nhân có thể bị nôn ói với thời gian ủ bệnh ngắn, hay tiêu chảy có thời gian ủ bệnh dài hơn từ 8 -16 giờ.
Có thể chủ động ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn Bacillus cereus bằng các quy trình xử lý thực phẩm thích hợp. Theo đó:
-
Thịt và rau không nên giữ ở nhiệt độ từ 10-45°C trong thời gian dài. Cơm nguội để qua đêm sau khi nấu nên được bảo quản lạnh, không giữ ở nhiệt độ phòng.
-
Phòng ngừa nhiễm trùng ở bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc ở những người bị suy giảm miễn dịch; hoặc những người có khuynh hướng nhiễm trùng, phụ thuộc vào thực hành tốt.
-
Sát khuẩn tay, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi nấu ăn, đi vệ sinh.
2. Sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm là con đường lây truyền E.Coli
Vi khuẩn Escherichia Coli (E.Coli) hường sống ký sinh trong ruột người và động vật. Hầu hết chúng đều là những vi khuẩn vô hại nhưg một số loài đặc biệt gây bệnh đường ruột như tiêu chảy, đau bụng, sốt hoặc ngộ độc thức ăn.
E.Coli có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua nhiều con đường khác nhau, trong đó sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm, không hợp vệ sinh là nguyên nhân phổ biến và dễ xảy ra nhất. Việc bảo quản và sơ chế không đúng cách là những nguyên nhân làm thực phẩm bị ô nhiễm:
-
Ăn phải thực phẩm chưa chín hoặc không được rửa sạch như rau sống...
-
Không rửa tay trước khi nấu nướng hoặc trước khi ăn.
-
Dụng cụ chế biến thức ăn, hoặc chén bát không đảm bảo vệ sinh.
-
Thực phẩm bị hư thối hoặc nổi mốc do bảo quản không đúng cách.
-
Giết mổ hoặc ăn phải những loại gia súc gia cầm đang nhiễm bệnh.
Theo PGS.TS Vũ Đức Định, nguyên giảng viên bộ môn Nội tiêu hóa, Học viện Quân y để phòng nhiễm trùng nhiễm độc tiêu hóa do vi khuẩn E.Coli cần bảo đảm các nguyên tắc ăn sạch, ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm để ngừa các nguy cơ ngộ độc tập thể.
3. Nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella
Ở Việt Nam, hội chứng ngộ độc thực phẩm do Salmonella được xếp vào nhóm các bệnh tiêu chảy cấp tính và được giám sát, ghi nhận từ cơ sở y tế. Số liệu giám sát trong nhiều năm qua cho thấy, hội chứng tiêu chảy cấp (trong đó có căn nguyên Salmonella) thường đứng vị trí thứ 2 sau hội chứng cúm, với khoảng trên dưới 1 triệu trường hợp khai báo hàng năm.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhiễm độc thực phẩm do Salmonella là hội chứng nhiễm trùng - nhiễm độc, biểu hiện bằng viêm ruột cấp tính, gây ra do vi khuẩn Salmonella.
Các chủng vi khuẩn Salmonella (Salmonella spp.) là một họ vi khuẩn đường ruột khá lớn với nhiều typ huyết thanh, gây bệnh thương hàn, phó thương hàn và các viêm ruột cấp tính khác cho người và động vật. Trong số 1.500 typ huyết thanh có khả năng gây bệnh cho động vật, chỉ có khoảng 10 chủng có khả năng gây viêm dạ dày ruột cấp cho người.
Nguồn bệnh và ổ chứa chính của các vi khuẩn Salmonella là các loài động vật, bao gồm động vật ốm và động vật lành mang khuẩn. Động vật thải vi khuẩn theo đường phân, nước tiểu, chất nôn... từ đó gây ô nhiễm cho môi trường, nước, thực phẩm. Trong một số trường hợp Salmonella có trong máu, sữa động vật sẽ là nguồn lây cho người khi ăn tiết canh hay thịt, sữa tươi của động vật không được khử trùng hay chế biến kỹ.
Đường lây nhiễm vi khuẩn Salmonella là lây theo đường tiêu hóa, từ động vật sang người hay từ người sang người, thông qua các yếu tố truyền nhiễm. Để phòng bệnh nên chọn thực phẩm đã chế biến an toàn; nấu kỹ thức ăn, chỉ nên ăn thức ăn vừa mới nấu, bảo quản thực phẩm đã nấu cẩn thận, hâm nóng lại kỹ những thực phẩm đã nấu; tránh tiếp xúc thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín; rửa tay nhiều lần; giữ sạch bề mặt của bếp; bảo vệ thực phẩm khỏi côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; dùng nguồn nước sạch…
Đồng thời, quản lý tốt vệ sinh các khâu chế biến, vận chuyển, phân phối thực phẩm như thịt gia cầm, sữa tươi và trứng gia cầm tới người tiêu dùng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()