Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:11 (GMT +7)
Nhận diện 16 hình thức lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam
Thứ 3, 10/01/2023 | 07:39:00 [GMT +7] A A
Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư…nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền.
Để bảo vệ người dân an toàn hơn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng ngoài nâng cao nhận thức cho người dân, các cơ quan chức năng cần triển khai, sử dụng công nghệ cao để áp dụng, ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao.
Năm 2022, gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2022, có 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Đầu tiên, đối tượng xấu giả mạo thương hiệu của các tổ chức (là ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi tin nhắn lừa đảo cho nạn nhân.
Tiếp theo là giả mạo các trang web/blog chính thống tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.
Đối tượng chiếm đoạt tài khoản bằng cách chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền.
Các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn, mạng xã hội; nạn nhân sẽ bị biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết.
Nhóm lừa đảo sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ….) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông, gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản.
Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không biết.
Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin; câu views, câu likes và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook (bán hàng giả, chất lượng kém, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo..); tạo những đường dẫn, phần mềm độc hại để chiếm đoạt tài sản, thông tin tài khoản mạng xã hội, ngân hàng thông qua tiếp cận nạn nhân từ chạy quảng cáo đường link độc hại, phát tán mã độc, phần mềm độc hại qua Facebook, Telegram, Google Search, Google Play Store, Apple’s App Store và email.
Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo.
Thủ đoạn nâng cấp lên sim 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản...
Ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết thêm cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn) năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính là: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).
"Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính với phương thức đánh trúng vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham để đạt mục tiêu cuối cùng đều là chiếm đoạt tài sản," ông Trần Đăng Khoa nói.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, các đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có 3 nhóm chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm 72,6%; chiếm đoạt tài khoản online chiếm 11,4%; các hình thức lừa đảo khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay..) chiếm 16%.
Nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo
Để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022, đơn vị chuyên trách của bộ đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Cùng với đó, các đơn vị phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn rác, lừa đảo (địa chỉ chongthurac.vn); phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn để gặp phải về an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo (tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn); công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng (địa chỉ tinnhiemmang.vn); kiểm tra, gắn nhãn tín nhiệm cho hơn 3.252 website chính thống; triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hằng năm trên toàn quốc.
Ở khối các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Cốc Cốc triển khai chiến dịch Khiên xanh để người dùng trình duyệt Cốc Cốc phản ánh, báo cáo trang web không an toàn cho các nhà phát triển web, góp phần bảo vệ cộng đồng và làm sạch không gian mạng. Các ngân hàng, công ty chứng khoán, ví điện tử, các tổ chức tài chính cũng đã triển khai thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn, đồng thời liên tục thông báo các nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan tới tổ chức cho cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cũng đã thực hiện ngăn chặn, xử lý các trang lừa đảo do Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()