Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:33 (GMT +7)
Nhận biết và điều trị sớm đục thủy tinh thể ở trẻ tránh các biến chứng nguy hiểm
Thứ 3, 04/04/2023 | 17:14:49 [GMT +7] A A
Nhiều người nghĩ bệnh đục thủy tinh thể chỉ gặp ở người già nhưng thực ra trẻ em vẫn có thể mắc chứng bệnh này. Bệnh có thể xuất hiện từ lúc trẻ mới sinh (đục thể thủy tinh bẩm sinh) hoặc trong quá trình trẻ lớn lên. Bệnh cần được phát hiện và điều trị tránh ảnh hưởng đến thị lực về sau.
1. Thủy tinh thể là gì?
Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt, nằm ở ngay sau đồng tử. Nó có khả năng điều tiết và hội tụ các tia sáng lên võng mạc giúp chúng ta nhìn rõ ràng, đó là khi thủy tinh thể bình thường hoặc trong.
Khi thủy tinh thể bị đục, những tia sáng không thể đi qua được, tùy theo mức độ đục mà trẻ nhìn mờ đi hoặc không nhìn thấy gì.
Khác với người lớn, đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi) gây cản trở lớn cho sự phát triển chức năng thị giác, thường dẫn đến nhược thị.
2. Nguyên nhân của đục thủy tinh thể ở trẻ
- Đục thủy tinh thể ở người lớn thường là do quá trình lão hóa nhưng đục thủy tinh thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do nhiều nguyên nhân: di truyền; nhiễm trùng; các vấn đề chuyển hóa, đái tháo đường, chấn thương, viêm và các phản ứng thuốc…
- Đục thủy tinh thể cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh khi: người mẹ mang thai mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, sởi Đức (rubella), thủy đậu, cytomegalovirus (CMV), herpes simplex, herpes zona, bệnh bại liệt trẻ em, bệnh cúm, bệnh do virus Epstein-Barr, giang mai và toxoplasmosis…
3. Các triệu chứng đục thủy tinh thể ở trẻ
Triệu chứng sớm của đục thủy tinh thể ở trẻ:
- Trẻ thường quờ quạng: Nếu trẻ lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ mờ mắt. Nếu thị lực giảm tỷ lệ thuận với mức độ đục của thủy tinh thể.
- Trẻ bị lóa mắt: Bệnh bắt đầu thường gây lóa mắt, gây khó chịu cho người bệnh.
- Mắt nhìn gần tốt hơn so với trước đó: Mắt bị đục thủy tinh thể có xu hướng cận thị hóa, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên.
- Lác mắt: Đây là một trong các lý do khiến trẻ đi khám bệnh. Nguyên nhân là do đục thủy tinh thể, mắt đó bị nhược thị và lác.
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để xác định chẩn đoán và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân. Các xét nghiệm đánh giá chức năng của mắt như đo thị lực, nhãn áp, điện võng mạc… Siêu âm mắt là một xét nghiệm không thể thiếu giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
4. Cần điều trị sớm tránh biến chứng nguy hiểm
Điều trị đục thủy tinh thể trẻ phải tùy theo hình thái và độ nặng của mờ đục. Đa số các trường hợp là phải mổ lấy bỏ thủy tinh thể đục. Thông thường trẻ càng nhỏ thì cần phải phẫu thuật càng sớm.
- Không giống như người lớn với các con mắt đã phát triển về mặt giải phẫu và chức năng. Phẫu thuật thủy tinh thể cho trẻ phải có các dụng cụ mổ và kỹ thuật thích ứng. Với phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, kết quả mổ lấy bỏ thủy tinh thể thường là an toàn.
Đa số trẻ em, việc chẩn đoán phát hiện bệnh sớm kết hợp với một cuộc phẫu thuật thành công chỉ mới là bước đầu của quá trình phục hồi mắt. Tiếp theo phải là hiệu chỉnh các kết nối giữa mắt và não: huấn luyện các con mắt để làm sao tập trung được vào một điểm cho phù hợp.
- Sau khi phẫu thuật thủy tinh thể đục, trẻ thường cần phải phối hợp với: hoặc cấy một thấu kính nhân tạo vào mắt ngay trong lần mổ đầu, hoặc đặt các kính áp tròng, hoặc đeo kính gọng.
- Trong trường hợp nếu chứng nhược thị hay giảm sức nhìn xuất hiện, trẻ có thể phải dùng đến bài tập bịt bên mắt mạnh hơn để kích thích thị giác bên mắt yếu hơn.
Mặc dù phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ đạt kết quả cao nhưng vẫn có thể xảy ra biến chứng. Khoảng 95% phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ em không có vấn đề gì. Tuy nhiên cũng có thể gặp xuất huyết, nhiễm khuẩn, bong võng mạc và glôcôm… Biến chứng nặng phải bỏ nhãn cầu rất ít gặp.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()