Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:27 (GMT +7)
Nhạc Việt nửa đầu năm 2022: Từ sáng tạo đến tranh cãi
Thứ 6, 27/05/2022 | 09:55:01 [GMT +7] A A
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều nghệ sĩ Việt bắt đầu trở lại đường đua nhạc Việt. Bên cạnh những ca khúc mang đậm tinh thần sáng tạo, dấu ấn cá nhân, nhiều ca khúc vẫn không tránh khỏi những tranh cãi.
Trong vài tháng trở lại đây, nhạc Việt đón chào sự trở lại của những cái tên hot, luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả như: Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Đen Vâu, Trúc Nhân, Hoàng Dũng... Họ được kỳ vọng sẽ giúp Vpop sôi nổi hơn trong thời kỳ bình thường, nhất là thời điểm dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát sau 2 năm phải oằn mình chống dịch.
Nghệ sĩ cập nhật xu hướng, sáng tạo nhiều ca khúc lạ
Không cần chạy theo những bản hit thời thượng của các ca sĩ trẻ, sản phẩm âm nhạc “gây sốt” thời gian qua trên tất cả các nền tảng mạng xã hội là “Về nghe mẹ ru” với sự kết hợp tưởng chừng không thể của NSND Bạch Tuyết và Hoàng Dũng.
Chỉ sau ít ngày ra mắt, MV đã đạt triệu view, nằm trong top thịnh thành của YouTube - một thành tích bất ngờ với một ca khúc tưởng chừng kén người xem.
Ca khúc “Về nghe mẹ ru” là một sáng tác của Hứa Kim Tuyền. Đây là màn kết hợp khó, không dễ để kết hợp các dòng nhạc trên với nhau nhưng sự thành công của “Về nghe mẹ ru” có lẽ nằm ngoài mong đợi của êkíp. Dự án “Về nghe mẹ ru” do NSND Bạch Tuyết khởi xướng nhân dịp bà trở lại làm giám khảo cuộc thi vinh danh nghệ thuật cải lương - “Trăm năm ánh Việt”.
Ca khúc “Về nghe mẹ ru” có thể xem là một thể nghiệm âm nhạc độc đáo và táo bạo. Hoàng Dũng mở đầu với chất nhạc r&b trẻ trung nhưng cũng giàu cảm xúc nói về tâm sự của một người con xa quê, mang nhiều nỗi niềm ưu tư khi chưa có được thành tựu trong cuộc sống.
Đặc biệt giọng của “cải lương chi bảo” - NSND Bạch Tuyết cất lên theo điệu “Lý con sáo” là điểm nhấn của MV. Với giọng hát dạt dào cảm xúc, bà đã thể hiện tâm tư của người mẹ trông ngóng con trở về trên nền tiếng đàn đặc biệt của NSND Thanh Hải, đây cũng chính là điểm sáng xuyên suốt ca khúc.
Sản phẩm nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn, nghệ sĩ cho đến đông đảo khán giả đại chúng.
Có thể thấy, “Về nghe mẹ ru” là một luồng gió đầy mới mẻ thổi qua làng nhạc Việt, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật dân tộc với âm nhạc hiện đại. Điều này tạo nên sự mới mẻ cho người xem.
MV “Đi giữa mùa hè” của Đen Vâu có sự tham gia của nhạc sĩ Trần Tiến ra mắt vào dịp SEA Games vừa qua cũng ít nhiều tạo được dấu ấn khi cổ vũ tinh thần bóng đá nước nhà. Trong khi đó, với sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng, Trúc Nhân mang đến MV “Có không giữ mất đừng tìm” với khung hình ngập tràn màu sắc, âm nhạc đậm hơi thở sôi động của mùa hè. “Có không giữ mất đừng tìm” đã thoát khỏi “cái bóng” từ phiên bản cũ, chính thức trở thành một ca khúc để đời “cộp mác” Trúc Nhân.
Có thể thấy, sau thời gian im ắng, “nằm nhà đắp chăn” vì dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ trở lại với nguồn năng lượng dồi dào. Các ca khúc đều mang những thông điệp riêng và tạo được tiếng vang với khán giả yêu nhạc. Điều này tạo nên một thế giới nhạc Việt đa màu sắc, rộn ràng hơn sau thời gian im ắng,
Còn những tranh cãi
Dù không ít ca khúc được đánh giá cao về cả nghe lẫn nhìn, tuy nhiên, vẫn có không ít ca khúc gây tranh cãi.
Nhiều ý kiến chỉ ra lời rap của Đen Vâu thể hiện góc nhìn định kiến nữ giới thường không hiểu biết về thể thao, thậm chí còn có khuynh hướng bình thường hóa bạo lực gia đình núp bóng tinh thần yêu bóng đá.
Mặc dù “Đi trong mùa hè” của Đen Vâu có dụng ý tốt khi muốn cổ vũ tinh thần thể thao nước nhà. Tuy nhiên, việc không cẩn trọng trong một số từ ngữ khiến lời bài hát gây hiểu lầm, dẫn đến tranh cãi.
Đen Vâu nói, anh không hề muốn lan truyền thông điệp bạo lực trong thể thao hay xem nhẹ phái nữ như những gì khán giả nhận định sau khi xem MV. Tuy nhiên, dù thoải mái sáng tạo, nghệ sĩ vẫn cần biết đặt mình vào dòng chảy thời đại để thấu cảm với các vấn đề chung của cộng đồng, tránh những tranh cãi đáng tiếc.
Đối mặt với sai sót và sơ sót của bản thân, mỗi nghệ sĩ có cách giải quyết khác nhau. Đen Vâu ngay lập tức lên tiếng giải thích và gửi lời xin lỗi vì đã khiến mọi người khó chịu khi nghe bài nhạc. Sau đó, anh nhận được ít nhiều sự đồng cảm của công chúng.
MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng khiến dư luận phẫn nộ vì tung ra ngay sau thời điểm các bậc phụ huynh còn chưa hết bàng hoàng vì tình trạng nhiều thiếu niên nghĩ quẩn. Nhưng vấn đề của “There’s no one at all” không nằm ở lời bài hát mà chính sự thiếu tinh tế của Sơn Tùng khiến ca khúc trở nên tiêu cực, vô tình cổ xúy chuyện tự vẫn của người trẻ.
Sơn Tùng M-TP sau đó ngừng phát hành MV ở Việt Nam, bị phạt 70 triệu đồng và chính thức gửi lời xin lỗi đến khán giả. Nam ca sĩ cũng thừa nhận sẽ rút kinh nghiệm tránh những sai sót không đáng có.
Ngoài ồn ào từ câu chuyện âm nhạc, lối ứng xử của nghệ sĩ cũng ít nhiều khiến ca khúc của họ bị ảnh hưởng. Việc ca sĩ Đông Nhi phê phán một người hâm mộ lâu năm sau khi người này cho rằng công ty của cô “lạm quyền” khi loại mình ra khỏi vị trí quản lý kênh YouTube FC Đông Nhi.
Việc phát ngôn thiếu kiểm soát của Đông Nhi khiến MV “Đôi mi em đang u sầu” đánh dấu sự trở lại của cô sau nhiều năm vắng bóng đang bị công kích dữ dội.
Những sự việc trên đặt ra vấn đề, cẩn trọng trong cách hành xử, sử dụng dụng ý trong bài hát của các nghệ sĩ. Bởi mối quan hệ giữa âm nhạc và cuộc sống, đời tư nghệ sĩ ít nhiều có sự liên quan. Chính vì thế, âm nhạc đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng phải dựa trên sự khéo léo, tinh tế và cẩn trọng, chứ không thể phóng túng, thể hiện bản ngã quá đà rồi lại nhận nhiều trái đắng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()