Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:20 (GMT +7)
Nhạc Việt đang bị TikTok hủy hoại
Thứ 4, 17/08/2022 | 14:48:59 [GMT +7] A A
Việc remix các ca khúc và chèn nội dung nhảm nhí, nhảy nhót phản cảm trên TikTok làm mất giá trị cũng như tính toàn vẹn của âm nhạc.
TikTok ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp âm nhạc và có khả năng khiến mức độ phổ biến của bài hát tăng chóng mặt thông qua các video ngắn của ứng dụng.
Các video trên TikTok thường có độ dài 15 giây, 30 giây hoặc một phút. Ở đó, người dùng thể hiện sức sáng tạo thông qua những nội dung khác nhau và chèn nhạc nền. Nhiều ca khúc nhờ thế nổi tiếng. Và không thể phủ nhận ứng dụng này giúp các nghệ sĩ và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận người nghe.
Tuy nhiên, việc các ca khúc được sử dụng làm nhạc nền cho hàng loạt video có nội dung được đánh giá nhảm nhí, thiếu đầu tư và phần lớn là nhảy nhót gợi cảm đã làm giảm đáng kể tính toàn vẹn của sản phẩm âm nhạc.
Trên TikTok, âm nhạc thường xuyên bị cắt vụn và đi kèm với đó có thể là nỗi ám ảnh hình ảnh một người nào đó đang lắc ngực, đẩy hông hay nhảy nhót gợi cảm, đôi khi hành động thô tục.
TikTok thay đổi cách thưởng thức âm nhạc
Nhưng theo hướng tiêu cực?
Ca sĩ Jojo từng bức xúc trước sự ảnh hưởng của TikTok với âm nhạc. Cô viết: “Bạn có nghĩ việc tìm cách làm cho âm nhạc của bạn lan truyền trên TikTok là một chiến lược tiếp thị công bằng, sáng tạo và hiệu quả từ một hãng thu âm không?”. Bài viết này gây nên tranh luận.
Trên Quora, một người dùng đặt câu hỏi: “Do you believe TikTok ruins good songs?” (Tạm dịch: Bạn có tin TikTok làm hỏng những ca khúc hay không?). Hàng loạt câu trả lời được đưa ra và phần lớn khán giả viết: “Có”.
“Có, họ lạm dụng các bài hát. Người dùng không biết nghệ sĩ thể hiện hoặc thậm chí tên thật của bài hát. Họ gọi đó là ‘bài hát TikTok’. Điều này có thể gây khó chịu cho người hâm mộ âm nhạc chân chính. Và việc lạm dụng các ca khúc có thể làm hỏng cảm xúc của người nghe nhạc. Đôi khi nội dung video trên TikTok không hề khớp với ý nghĩa bài hát. Điều đó làm hỏng giá trị ca khúc”, khán giả bình luận.
Người này tiếp tục: “Họ đã phá hỏng một bài hát của Busta Rhymes có tên Touch It. Đó là một bài hát đầy hoài niệm với tôi. Bây giờ mỗi khi nghe bài hát, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là những đoạn video TikTok tẻ nhạt. Thật tệ hại, chúng đang phá hủy cảm xúc của tôi”.
Nội dung video trên TikTok khá đa dạng vì nó cho phép người dùng sáng tạo. Nội dung đó có thể là trải nghiệm du lịch, review hàng ăn, công việc thường ngày, nấu ăn, kể chuyện, diễn theo kịch bản hay thực hiện vũ đạo…
Bởi thế, như khán giả trên bình luận, nhiều bài hát, kể cả ca khúc có nội dung buồn hay ý nghĩa về gia đình, đất nước... nhưng cũng được chèn vô tội vạ trong những video có nội dung không liên quan, không phù hợp, thậm chí phản cảm.
Trước khi TikTok bùng nổ, nghệ sĩ phải làm việc chăm chỉ và sáng tạo để tạo ra ca từ, hòa âm và bản nhạc hoàn chỉnh, chất lượng. Quá trình đó có thể kéo dài một tháng hoặc nhiều tháng trời. Nhưng giờ đây, với TikTok họ chỉ cần 15 giây đã có thể làm hài lòng tai nghe của khán giả. Càng có lợi nếu giai điệu trong 15 giây đó sôi động, phù hợp để thực hiện vũ đạo.
Điều đó khiến nghệ sĩ lười biếng hơn. Họ thường chỉ chú trọng vào 15 giây quan trọng của bài, chủ yếu là điệp khúc hoặc drop để nó lan truyền, tạo trend trên TikTok mà quên rằng 15 giây không làm nên một bài hát hay. Kéo theo việc các bản nhạc remix ồ ạt ra đời nhưng rập khuôn, thiếu sáng tạo, mới mẻ. Đồng nghĩa, những nghệ sĩ xuất sắc, chỉn chu và chuyên nghiệp có thể bị loại khỏi cuộc chơi nếu bài hát của họ không bắt tai và không phù hợp để nhảy.
"Vấn đề của thị trường remix hiện tại là có quá nhiều sản phẩm như nhau. Tính viral của TikTok khiến nhiều producer remix để tận dụng sóng, dẫn đến một sản phẩm có thể chỉ mất vài giờ, một ngày để hoàn thành theo một công thức chung, dẫn đến chất lượng có vấn đề", nhà sản xuất Hoaprox nói với Zing.
Top 10 bài hát Việt Nam phổ biến nhất năm 2021 do TikTok công bố có 6 bài là bản remix gồm Đường tôi chở em về, Cà phê không đường, Anh muốn đưa em về không, Hạ còn vương nắng, Yêu là cưới, GU. Các bài hát kể trên khi được remix có chất nhạc tương tự nhau, không đa dạng màu sắc.
Vấn đề đáng ngại khác là một bài hát khi xuất hiện trên TikTok thường được người dùng cắt đoạn nhạc viral nhất và remix theo nhiều kiểu khác nhau.
Và hệ quả của những đoạn nhạc 15-30 giây trên TikTok là cả bài hát gốc có thể bị lãng quên, giá trị ca khúc và công sức nhạc sĩ hoàn toàn giảm sút. "Phố đã lên đèn, con đường có môi kề môi…" là câu hát rất phổ biến trên TikTok thời gian qua. Tới 16/8, khoảng 205.000 video sử dụng đoạn hát này và hashtag #phodalendenremix đạt khoảng 13 triệu lượt xem. Bài hát có tựa đề Phố đã lên đèn do ca sĩ trẻ Huyền Tâm Môn thể hiện.
Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng của đoạn nhạc trên, Huyền Tâm Môn được ít người biết tới. Cô vẫn là cái tên khá xa lạ. Thậm chí, một số phiên bản Phố đã lên đèn trên TikTok đã bị điều chỉnh âm thanh bằng auto-tune khiến khán giả không thể biết được chất giọng thật của ca sĩ thể hiện.
Chưa kể, ở TikTok, những bài hát vốn đã nổi tiếng bị lạm dụng và phát quá nhiều. Đối với nghệ sĩ và công ty của họ, điều này thật tuyệt vời. Nhiều lượt xem và lượt nghe hơn đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng đối với những người hâm mộ, nó có thể biến một giai điệu yêu thích và mang tính biểu tượng thành cơn ác mộng vì xuất hiện quá nhiều, lặp đi lặp lại.
“Những nhạc sĩ vĩ đại nhất từ các thế hệ trước đã tạo ra sức ảnh hưởng văn hóa bằng các bài hát và album kể những câu chuyện phức tạp, đầy sức sống về thân phận con người. Một số bản nhạc đó có thể đã xuất hiện trên TikTok, nhưng hầu hết người dùng đang tìm kiếm những đoạn nhạc ngắn, hấp dẫn. Từ đó, những bài hát có lời ngớ ngẩn hoặc lố bịch ra đời và khiến TikTok bị bão hòa”, tờ Grammy viết.
Ca sĩ Việt đang tiếp tay
Cũng bởi sự bùng nổ và khả năng lan truyền bản nhạc nhanh chóng nên nhiều nghệ sĩ Việt chạy theo TikTok để quảng bá sản phẩm.
Hoàng Duyên thậm chí chọn TikTok là nền tảng đầu tiên để phát hành MV thay vì các trang nghe nhạc. Ngày 8/3/2021, ca sĩ trẻ phát hành một nửa MV Chàng trai sơ mi hồng trên TikTok. Vài ngày sau đó, bản hoàn chỉnh mới được tung ra.
Tuy nhiên, vì những đoạn hấp dẫn nhất của Chàng trai sơ mi hồng đã được Hoàng Duyên giới thiệu trên TikTok nên bản hoàn chỉnh không còn gây bất ngờ với khán giả.
Khi được hỏi lý do tung sản phẩm trên TikTok trước tiên, đại diện truyền thông của Hoàng Duyên trả lời: “Khán giả gen Z (sinh từ năm 1997 trở về sau) là đối tượng tiêu thụ chính, chi tiền cho sản phẩm giải trí trong vài năm tới. Để tiếp cận đối tượng khán giả đó, ngay bây giờ, cách phát hành phải đánh trúng phân khúc người nghe mục tiêu này. Đây là cách để chúng tôi thăm dò thị trường gen Z hiệu quả”.
Chạy về khóc với anh được Erik phát hành cách đây khoảng 6 tháng mang chất pop, hơi hướm màu sắc âm nhạc Trung Quốc. Ban đầu ca khúc không được khán giả đón nhận. Sau khi bản remix của Chạy về khóc với anh lan truyền trên TikTok, ca khúc mới nổi tiếng. Kể từ đó, Erik sử dụng bản remix để biểu diễn khiến khán giả gần như quên hẳn bản gốc.
Tương tự, ngoài Sau lưng anh có ai kìa phiên bản ballad, Thiều Bảo Trâm tung thêm bản remix theo dòng nhạc Vinahouse để bắt kịp xu thế. Cô cũng thực hiện video vũ đạo dựa trên bản remix của ca khúc để phát hành ở TikTok. Đoạn drop trong Đôi mi em đang u sầu của Đông Nhi thậm chí kéo dài 15 giây, vừa đủ thời lượng các video ngắn trên TikTok.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()