Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:22 (GMT +7)
Nhạc sỹ Hồng Đăng mê Tết
Chủ nhật, 15/01/2023 | 10:15:04 [GMT +7] A A
Cả khi sức khoẻ đã suy yếu, không thể tự đi lại, tác giả “Hoa sữa” vẫn… ham chơi (chữ dùng của vợ ông) như thời phong độ. Những ngày giáp tết, vợ ông nhờ một người cháu ngoại đánh ô tô đến nhà Hồng Đăng đưa nhạc sỹ lòng vòng chợ hoa, rồi lang thang ngắm phố phường. Ông thích ngắm chợ hoa xuân, ngày nào cũng muốn được ngắm ít nhất một lần.
Thèm không khí xuân
Bà Anh Thuý, vợ Hồng Đăng, là phụ nữ yêu bếp núc và giỏi bếp núc. Bà đồ xôi cũng khéo, muối dưa cũng ngon, ngay đến món mứt vỏ bưởi bình dị của bà cũng khiến văn nghệ sỹ tấm tắc… Ngày thường đã mê bếp núc thì ngày Tết bà lại càng bận rộn với cỗ bàn.
Khi còn khoẻ mạnh, chính Hồng Đăng là người chủ động tách vợ ra khỏi căn bếp. Ông bảo bà: “Bỏ tất cả ở đấy, đi chơi đã!”. Sống với Hồng Đăng lâu ngày ai rồi cũng “nhiễm” tính ham chơi. Bà theo ông ra đường, lẫn vào dòng người tấp nập.
Hồng Đăng sở hữu nhiều ca khúc nổi tiếng như “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”, “Ký ức đêm”… Trong số đó, “Hoa sữa” phổ biến hơn cả: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em…”. Hồng Đăng đã từng “trình bày” không ít lần, rằng: “Hoa sữa” được viết bằng tưởng tượng. Ông viết về hoa sữa theo “đơn đặt hàng”, khi chưa trông thấy hoa sữa bao giờ.
Trong đời thường, Hồng Đăng không say mê đặc biệt một loài hoa nào. Ông yêu mọi loài hoa như nhau. Nhạc sỹ dạo chợ hoa để được ngắm muôn hoa khoe sắc khi đất trời vào xuân. Ông thích đi chợ hoa đến nỗi ngày nào cũng phải dạo ít nhất một lượt, từ lúc chợ hoa xuân khai mạc đến khi đóng cửa mới thôi.
Hồng Đăng sợ sự nhàm chán, lặp lại trong đời sống lẫn trong sáng tạo. Không khí ngày Tết khác hẳn ngày thường. Chợ hoa ngày Tết mỗi ngày mỗi khác nên ông dễ dàng bị quyến rũ. Những cuộc dạo chơi thường đưa đến cho ông cảm xúc trong sáng tạo. Hồng Đăng sinh ra ở Nghệ An nhưng lại yêu Hà Nội, ông đưa cả 4 mùa của Hà Nội vào ca khúc. Trong đó, ca khúc “Mưa bụi” là bức tranh Hà Nội với chợ hoa xuân của những năm tháng cũ.
Ngay trong mùa Tết náo nức, ông vẫn có những khoảng lặng cho riêng mình. Theo bà Anh Thuý, Hồng Đăng vẫn giữ tục khai bút: “12 giờ đêm, ông ấy ngồi xuống và viết. Ông viết rất đẹp vào đằng sau tấm lịch treo tường cũ”. Về ẩm thực, nhạc sỹ không quá cầu kỳ, không đòi hỏi thực đơn sang trọng nhưng thuộc “trường phái” kén ăn.
Phu nhân nhạc sỹ tiết lộ: “Thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị, ông ấy không chịu ăn”. Có người vợ giỏi bếp núc nên Hồng Đăng yêu cơm nhà hơn cơm hàng. Hồng Đăng vốn ưa ngọt.
Bà Thuý kể kỷ niệm: “Hồi ấy chúng tôi chưa lấy nhau. Ông ấy kho cá ngọt đến mức người ở chung bảo: Ông nấu chè cá. Những năm tháng ấy, đường rất hiếm, mua được nửa cân đường thì ông ấy đã bỏ vào nồi cá kho mất một nửa. Nhưng sau này lấy nhau, dần dần tôi cũng chữa được “bệnh” mê ngọt của ông”.
Hô một cái bạn bè đến nườm nượp
Nếu chỉ nhìn thăng trầm trong đời sống riêng tư và nghề nghiệp của Hồng Đăng, không ít người phụ nữ ái ngại. Chính bà Anh Thuý ban đầu cũng cảm thấy: “Ông này phức tạp”. (Khi còn sống Hồng Đăng từng “khai”: “Tôi hay lấy vợ”). Nhưng “sống lâu mới biết đêm dài”, tác giả “Hoa sữa” hoá ra lại rất rõ ràng, không đa tình như người ta tưởng.
Chẳng bao giờ người vợ không hoạt động nghệ thuật phải ghen với ông chồng nổi tiếng. Mới lấy nhau, ông đã nói với người vợ kém ông cỡ hai giáp: “Em với anh lấy nhau, không bị ai làm phiền cả. Em bao giờ cũng là số 1”.
Bây giờ khi chồng đã yên nghỉ, bà Thuý vẫn mỉm cười: “Ông ấy luôn làm như điều ông ấy nói, cho đến lúc ông ấy nhắm mắt xuôi tay. Ông ấy coi tôi quan trọng đến mức khiến tôi vất vả ấy chứ! Tôi đi đâu một lúc, ông ấy đã sợ cuống lên”. Mấy chục năm sống với nhau, có bao giờ bà thấy tiếc nuối? Tôi hỏi. Không đắn đo, phu nhân cố nhạc sỹ đáp: “Mình sống với ông ấy rất vui vẻ, không có gì cảm thấy nuối tiếc. Về vật chất tất nhiên không đầy đủ như ý muốn nhưng chúng tôi luôn đông bạn bè. Không phải ai hô một cái bạn bè cũng đến nườm nượp như ông Hồng Đăng đâu”.
Những ngày tháng cuối, tác giả “Hoa sữa” chủ yếu ngồi nhà vì lý do sức khoẻ nhưng ông không cảm thấy quạnh hiu: “Tôi quan sát cứ thấy mặt ông ấy hơi buồn thì hôm sau lại tổ chức một buổi tụ tập. Được gặp bạn bè, ông ấy tươi ngay”.
Năm 2022, nhạc sỹ Hồng Đăng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát Tokyo”. Đón tin vui lớn, vợ nhạc sỹ viết dòng trạng thái trên trang cá nhân: “Vui sao nước mắt lại trào”. Tết đang xích lại gần, lần đầu tiên bà chỉ có một mình với Tết.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()