Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:15 (GMT +7)
Nhạc sĩ Xuân Oanh như tôi biết...
Chủ nhật, 17/10/2021 | 14:00:09 [GMT +7] A A
Nhạc sĩ Xuân Oanh (Đỗ Xuân Oanh) sinh ngày 4/1/1923 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ là nhà báo, nhà phiên dịch, nhà ngoại giao nhân dân, Đỗ Xuân Oanh còn là một nghệ sĩ tài hoa hội tụ đủ cả cầm kỳ thi họa...
Buổi sáng. Tôi đang đạp xe đạp qua đoạn đường xóm Thượng, phường Phong Cốc thì tình cờ nghe đâu đó tiếng hát từ một dàn loa máy của nhà ai ngân nga những lời hát hào hùng:“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai... mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan lũ quân thù kia...”.
Ôi! Tôi chợt nhớ đây là ca khúc “19 tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh! Ông chính là người dân Quảng Yên quê tôi! Tự hào quá!
Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh trong một gia đình nghèo tại TX Quảng Yên. Cha ông là thợ may. Từ nhỏ ông được người cậu làm nghề thuyền chài nuôi dưỡng. Mẹ ông bệnh nặng và qua đời lúc ông được 6 tuổi, sau khi cha ông đưa ông về từ nhà người cậu ít hôm.
Năm 14 tuổi, học xong tiểu học, Đỗ Xuân Oanh bắt đầu tự kiếm sống bằng đủ các nghề như: thợ đúc, thợ mỏ, dạy học, vẽ tranh, làm cả nhạc công phòng trà. Năm 19 tuổi, ông lên Hà Nội và bắt đầu học thêm.
Trước 1945, Đỗ Xuân Oanh tham gia tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông lên Chiến khu Việt Bắc và làm việc cho Báo Cứu quốc. Ông rất giỏi ngoại ngữ, biết tới 7 thứ tiếng. Ông từng là phát thanh viên chương trình Tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sinh thời, ông từng làm phiên dịch viên cho các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Năm 1951, Đỗ Xuân Oanh tham gia thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, làm Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban. Từ năm 1968 đến 1972, tại Hội nghị Paris về Việt Nam, ông tham gia Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách đại diện cho Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Việt Nam và Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ – Pháp, vận động phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Năm 1989, ông tham gia xuống đường chống bom nguyên tử tại Nhật Bản, ông đã phổ nhạc thành công bài thơ “Trời sẽ lại trong xanh” của tác giả Nhật Umeda Shyozi, đã để lại ấn tượng sấu sắc cho bạn bè thế giới. Trong khoảng những năm 90 của thế kỷ trước ông chuyển sang nghề dịch giả với bút danh “Anh Thư”..
Ông được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Ba” (năm 1998), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2009).
Sau thời gian dài bệnh nặng, ông qua đời sáng ngày 27/3/2010 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.
***
Đỗ Xuân Oanh là nhạc sĩ tác giả ca khúc nổi tiếng “19 tháng Tám”. Đây là một ca khúc hùng tráng một thời vang lên giục giã bao thế hệ người Việt Nam lên đường làm cách mạng, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta. Ca khúc đã góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc anh hùng đập tan xiềng xích nô lệ để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Nơi ông sinh ra và lớn lên, đi học, rồi đi làm cách mạng, quê hương Quảng Yên cũng từng trải qua những cái tên đi vào lịch sử trấn lỵ Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng, rồi năm 2012 lại về tái lập thị xã Quảng Yên bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử.
Vào những dịp kỷ niệm của đất nước, ca khúc “19 tháng Tám” mới lại có cơ hội được vang lên, ngân vang trong muôn lớp trái tim người Việt Nam. Ca khúc gợi cho ta khí thế sục sôi của những ngày đầu cách mạng gian khổ mà hào hùng một không gian và ý chí khát vọng Tự do Độc lập và dân chủ.
Người ta có thể nhớ nằm lòng tác phẩm và không nhớ tác giả là ai. Đó là lẽ thường tình và còn phụ thuộc vào cách ứng xử của hậu thế của thời đại, của vùng miền...
Bài ca thì như vậy. Nhưng điều đáng tiếc ở đây khiến chúng tôi day dứt bấy lâu nay. Đó là tên ông: Xuân Oanh- Đỗ Xuân Oanh... nhiều thế hệ sau trên quê hương Quảng Yên không hề biết ông là ai và cũng không biết ngôi nhà 03, ngõ 63, phố Lê Lợi, thị xã Quảng Yên từng là nơi sinh ra và nuôi lớn một nhân tài văn hóa đất nước. Được biết, ngôi nhà của nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, sau này do một người em rể con của mẹ kế của ông sở hữu. Người này sau đã nhượng bán cho Tiệm vàng Kim Liên.
Vật chất luôn luôn biến đổi. Nhưng chính danh một con người không thay đổi. Sự kiện lịch sử vẫn còn đó. Ca khúc vẫn còn đó âm vang! “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai... 19 tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan lũ quân thù kia...”
Thiết nghĩ, vì sao khi hoạch định, qui hoạch thị xã Quảng Yên, tiến tới tái lập thị xã Quảng Yên nhân Kỷ niệm 210 năm trấn lỵ Quảng Yên (1802-2012), người ta đã không nghĩ tới việc đặt tên cho đường phố nơi có ngôi nhà 03, ngõ 63 của ông mang tên phố Đỗ Xuân Oanh hoặc phố Xuân Oanh? Hoặc chí ít nhỏ nhoi cũng là Ngõ Xuân Oanh? Không nhằm mục đích nào khác là đánh dấu một cái dấu lịch sử, thành một bài học lịch sử cho các thế hệ trẻ Quảng Yên!
Trên quê hương Quảng Yên Bạch Đằng Giang của chúng ta từng có những địa danh, những trường học mang tên các anh hùng dân tộc, các liệt sĩ, các danh nhân: Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Lê Lợi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trương Quốc Dụng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình, Minh Hà, Nguyễn Văn Thuần, Kim Liên, Nguyễn Công Bao... Sao Quảng Yên lại không thể đặt cái tên Xuân Oanh cho một đường phố, ngõ phố, trường học nào đó trên địa bàn thị xã Quảng Yên mang danh một Nghệ sĩ của quê hương đã dành cả cuộc đời cống hiến cho Cách mạng và Đất nước?
Nhạc sĩ Xuân Oanh tên khai sinh là Đỗ Xuân Oanh, sinh ngày 4/1/1923 tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Giác ngộ cách mạng từ sớm, trước 1945, ông đã tham gia tuyên truyền cho Mặt Trận Việt Minh. Tham gia Tổng khởi nghĩa và rồi lên chiến khu Việt Bắc làm việc cho Báo Cứu quốc. Đa tài với thơ, ca, nhạc, họa ông còn có một khả năng thiên bẩm về ngoại ngữ. Gia tài âm nhạc của ông không nhiều lắm, nhưng chỉ một ca khúc “Mười chín Tháng Tám” của ông đã làm nên một tên tuổi Xuân Oanh không thể nào quên, không chỉ với các thế hệ nhạc sĩ tân nhạc Việt Nam, mà với nhiều thế hệ người Việt kể từ ngày 19/8/1945. Ngoài ra, một số tác phẩm khác của ông cũng nổi tiếng và trở thành “sách giáo khoa” cho các sinh viên, học viên về thanh nhạc như: “Cây súng bạn đường”, “Đời vẫn tươi”, “Ca mừng chế độ ta tươi đẹp”, “Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao”, “Ngôi sao thế kỷ”, Hợp xướng 4 chương “Quê hương hai tiếng ấy”, Phổ nhạc “Trời sẽ lại trong xanh” (Thơ: Umeda Shyozi), “Gọi thu” (Thơ: Nguyễn Thị Hồng). Ngoài ra, ông còn sáng tác một số ca khúc như: “Hoa nhài”, “Em ra đi”, “Sớm mai ấy”, “Suy tư”, “Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt”, “Bạch dương”, “Hà Nội ở Lâm Đồng”, “Thổn thức mùa xuân”, “Anh có còn yêu em như ngày xưa”…. Điều ít ai ngờ nhất, là ông không chỉ có tài về âm nhạc, mà ông rất có năng khiếu văn chương. Khiếu văn chương của ông được hỗ trợ bởi những ngoại ngữ ông tinh thông, đã góp phần mang văn học Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài. Ông đã dịch Thơ Hồ Xuân Hương trong Tuyển tập thơ nữ Việt Nam - NXB Phụ nữ, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ), tiểu thuyết Ông Cố Vấn (Hữu Mai) sang Tiếng Anh…. Ông cũng là một dịch giả tiếng Việt của một số tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng hay Best Sales của văn học đương đại như: Trần trụi giữa bầy sói (Bruno Apitz, cùng Hoàng Tố Vân), Hai số phận (Jeffrey Archer), Lucky, Nửa đêm về sáng, Một lần chưa đủ, Mãi mãi xanh, Máy yêu (Jacqueline Susann); Cổng vàng, Vườn Thượng Hải, Phía sau tình yêu, Bảo bối Thượng Hải (Vệ Tuệ)…. |
Dương Phượng Toại
Liên kết website
Ý kiến ()