Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:21 (GMT +7)
Nhạc sĩ Quốc Trung: Nghệ sĩ Việt không có khát vọng, chỉ lo chạy nhiều show
Thứ 4, 14/09/2022 | 07:38:38 [GMT +7] A A
Nhạc sĩ Quốc Trung có cuộc trò chuyện với phóng viên xoay quanh những vấn đề tồn đọng ở thị trường nhạc Việt trong bối cảnh Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Trong đó, âm nhạc được xếp trong khối những ngành nghệ thuật biểu diễn (cùng với ca - múa - nhạc hiện đại, giao hưởng, opera, ballet, kịch hát dân ca...) là một trong 12 khối ngành nghề được xác định là “mũi nhọn” trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Chúng ta yếu kém đều
- Kpop đang “làm mưa làm gió” thị trường âm nhạc thế giới. Theo thống kê, chỉ riêng nhóm nhạc BTS, đóng góp cho GDP của họ ngang với hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc – Korean Air. Khi nhìn vào sức mạnh kinh tế của các nhóm nhạc Kpop – anh thấy âm nhạc của chúng ta ở đâu?
Muốn xuất khẩu âm nhạc, lan tỏa âm nhạc ra thế giới như Kpop, sẽ phải biết mình có gì. Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã bắt đầu từ 2016, nhưng trong suốt những năm qua, với lĩnh vực âm nhạc, tôi thấy chúng ta chưa thể làm được gì.
Nghệ sĩ Việt Nam không có khát vọng vươn ra thế giới. Nghệ sĩ của chúng ta chỉ loanh quanh tìm cách lên TV, tham gia gameshow, tham gia các chương trình truyền hình thực tế, làm thế nào để ra mắt sản phẩm thu hút công chúng và chạy được nhiều show.
Tôi từng mời một số nghệ sĩ tham gia các sự kiện âm nhạc ở Hàn Quốc hay dự những showcase ở các nước trên thế giới, nhưng họ rất thờ ơ. Khi không có khát vọng, người ta sẽ không hướng tới thị trường quốc tế.
Có thể là sự mặc cảm, tự ti, khi nghệ sĩ Việt không có nhiều cơ hội cọ xát với âm nhạc thế giới. Hoặc cũng có thể, các bạn quá tự tin nên không biết mình đang ở đâu. Việc không giao thoa, tiếp xúc với thế giới bên ngoài là một hạn chế rất lớn.
- BTS hay Blackpink đã đưa âm nhạc Hàn Quốc bước ra thế giới, dù chủ yếu họ hát bằng ngôn ngữ bản địa. Người không biết tiếng Hàn sẽ không hiểu họ hát gì, nhưng vẫn yêu thích. Lực lượng này rất đông đảo. Định nghĩa cho sự thành công ấy chỉ có thể là tài năng. Tài năng ở tất cả mọi khâu từ sản xuất, sáng tác, biên đạo, đạo diễn, quay dựng... Nếu làm phép so sánh, dường như nghệ sĩ chúng ta không chỉ thiếu tham vọng, còn thiếu tài năng ở nhiều khâu, anh có nghĩ như vậy?
Nền công nghiệp âm nhạc được vận hành bởi rất nhiều khâu, trong đó, bất cứ mắt xích nào có sự yếu kém, cũng không dẫn đến thành công như Kpop đang có. Chúng ta lại còn yếu kém đều. Khi vừa yếu và vừa thiếu, sẽ rất khó.
Kpop là một nền công nghiệp âm nhạc bài bản từ đào tạo, sáng tác đến sản xuất. Riêng với đào tạo, không chỉ đào tạo về âm nhạc, còn cần phải đào tạo từ kỹ năng quản lý.
Ngay trong ý thức của số đông nghệ sĩ chúng ta khi tìm một quản lý, đều chỉ muốn tìm một người giúp việc, lo chuyện váy áo, trang phục, lo lên lịch diễn... Rất ít người có ý định tìm một quản lý là người có tầm nhìn, có kỹ năng xây dựng chiến lược về âm nhạc, hình ảnh cho mình.
Ý thức của việc cần sự giúp đỡ từ người khác, cần bổ trợ cho nhau những kỹ năng, những chiến lược phát triển của nghệ sĩ Việt rất hạn chế. Chính điều này khiến chúng ta không xây dựng được kế hoạch cùng nhau phát triển, làm việc nhóm, thiếu sự gắn kết giữa các bộ phận... Đây lại là cơ chế vận hành của một nền công nghiệp.
Thêm nữa, công nghiệp văn hóa phải được nhìn nhận dưới góc nhìn kinh doanh. Nhân lực của nền công nghiệp văn hóa bao gồm cả nghệ sĩ sáng tạo và những người làm kinh doanh. Hàn Quốc thành công vì họ có nhiều người biết làm kinh doanh nghệ thuật.
Chính phủ Hàn cử người đi học ở Mỹ. Khi trở về, họ vừa áp dụng bài học kinh doanh của Mỹ vừa sáng tạo, thiết lập ra chiến lược dành riêng cho họ. Tất nhiên, chiến lược này phải cần nhiều năm phát triển, xây dựng.
Các đêm diễn mang tính trang sức, mua vui cho nhà đầu tư, chứ không mang lại giá trị cao quý
- Trong bối cảnh “yếu kém đều” ở thị trường nhạc Việt hiện tại, theo anh, nếu để “công nghiệp hóa” chúng ta cần bắt đầu từ đâu?
Chúng ta đang chưa có sự hình dung về một ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn nói chung.
Khi không hình dung ra, không nhìn nhận đó là ngành công nghiệp, không có chiến lược cụ thể, sẽ rất khó để thành công.
Ai cũng nói, phải nhìn vào ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, phải được như Kpop, phải kiếm tiền như BTS. Nhưng không phải cứ có tài năng là làm được. Ở nhiều quốc gia khác, họ cũng có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng họ không kiếm được tiền như vậy.
Để có được ngành công nghiệp phải có môi trường, nguồn lực, chiến lược và thời gian.
Trước khi nghĩ đến xuất khẩu, chúng ta cần một thị trường âm nhạc nội địa phát triển trước đã. Nhưng ngay ở trong nước, chúng ta cũng chưa có kế hoạch phát triển. Hầu hết vẫn là những “chiêu trò”, chụp giật, những cách phát triển không bền vững.
Việc đặt ra kế hoạch phải bước ra nước ngoài sẽ giúp cho nghệ sĩ được cọ xát, học hỏi, từ đó nâng cấp kỹ năng, năng lực sáng tạo của mình.
- Tiền đầu tư, chính sách, cơ chế, ra nước ngoài học hỏi... Đâu sẽ là điều cần làm trước tiên lúc này?
Cũng giống như câu chuyện “con gà – quả trứng” sẽ mãi là những tranh cãi không hồi kết. Theo tôi, mọi thứ không bắt đầu từ kinh tế. Điều quan trọng nhất hiện tại là phải xây dựng được môi trường đề cao sự sáng tạo.
Thói quen đề cao sự sáng tạo sẽ giúp nền công nghiệp văn hóa, trong đó có âm nhạc phát triển. Khi âm nhạc mang lại lợi ích kinh tế, hình ảnh sẽ tìm được sự đầu tư của nhiều thành phần trong xã hội.
- Hiện, việc kêu gọi đầu tư cho âm nhạc ở Việt Nam, theo anh dễ hay khó?
Rất khó. Nghệ sĩ Việt chưa cho các nhà đầu tư thấy giá trị về hình ảnh, vật chất, kinh tế. Hiện nay, việc kêu gọi đầu tư thường chỉ dựa vào các mối quan hệ. Tệ hơn, các đêm diễn còn mang tính giải trí, trang sức, mua vui cho nhà đầu tư, chứ không mang lại giá trị cao quý của một lĩnh vực văn hóa.
- Khi BTS, Blackpink trở thành biểu tượng thành công cho Kpop khắp thế giới. Ở nhạc Việt thì có một xu hướng chỉ là những câu chuyện về scandal, MV phản cảm câu view, hoạt động đìu hiu, thưa vắng... Khoảng cách có phải là quá lớn?
Khi hình thành được thị trường chuyên nghiệp, sẽ có sự đào thải. Sự thực đôi khi không tệ đến như vậy, nhưng vì phần trăm sản phẩm kém nhiều hơn nên góc nhìn vào thị trường trở nên tệ hơn.
Tôi nghĩ rằng, ở thị trường âm nhạc các quốc gia khác cũng có scandal, có những sản phẩm chất lượng kém, nhưng những thứ đó không chiếm lĩnh được, vì công chúng có nhiều sản phẩm hay để quan tâm.
Chúng ta thì ngược lại, sản phẩm có chất lượng quá ít, không đủ để tạo được thói quen đi tìm sản phẩm tốt để nghe cho công chúng. Vì thế, họ coi âm nhạc là thứ để giải trí, mua vui, họ tìm đến những sản phẩm như vậy để xem.
- Để thành công, Kpop có sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ, doanh nghiệp. Bản thân nghệ sĩ ở Kpop còn kỷ luật, nỗ lực không ngừng nghỉ. Họ dành 10-12 tiếng mỗi ngày để tập vũ đạo, luyện thanh nhạc. Nghệ sĩ Việt Nam dưới góc quan sát của anh?
Khi thiếu tham vọng sẽ thiếu đủ thứ. Chỉ có khát vọng, đam mê mới giúp chúng ta vượt qua khó khăn, khổ luyện.
Tôi không tin, dù tài năng đến mấy, nếu nghệ sĩ chúng ta chỉ làm việc bằng 1/10 so với tài năng của thế giới, lại có thể có được thành công vượt bậc.
- Vậy để công nghiệp hóa được âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung ở Việt Nam, chúng ta sẽ phải mất bao lâu và phải đi bao xa, theo anh?
Câu hỏi này rất khó. Cũng có thể, sắp tới đây mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh. Tôi hy vọng như vậy.
Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, tôi cho rằng có một cách cần làm ngay là mở cửa đón nhận nền văn hóa khác, từ đó học hỏi kỹ năng, chiến lược từ các nước phát triển.
Chúng ta cứ nói về Hàn Quốc về Kpop, nhưng chưa thấy ai sang đó học hỏi. Ở những nền công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, Mỹ hay các quốc gia Châu Âu họ đều có công thức, quy luật để thành công.
Nhưng trước nhất, để có chiến lược, chúng ta phải đánh giá được thực trạng của mình một cách chính xác, rõ ràng.
Cứ tô hồng, kể lể về tiềm năng mà không có chiến lược cụ thể, sẽ không bao giờ thành công.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()