Chị Trịnh Anh Thư - vợ nhạc sĩ Phú Quang - nghẹn ngào báo tin buồn. Ông lâm bệnh nặng hồi giữa năm ngoái. Ông phải dùng máy thở, nằm trong phòng vô trùng. Con gái ông - nghệ sĩ Trinh Hương - cho biết trước khi mất, nghệ sĩ phải ăn qua ống xông, yếu sức nhưng ông vẫn nhận ra người thân. Hồi tháng 7, gia đình tổ chức tiệc sinh nhật cho Phú Quang, khi đó, ông vui vì được nhận hoa và quà.
Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc. Nhạc sĩ đôi lúc đãng trí những việc thường nhật, nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông vốn không thích ai hát sai lời, nhạc của mình.
Vài năm nay, sức khỏe nhạc sĩ suy yếu, hầu như năm nào cũng nhập viện một, hai đợt. Ông được vợ túc trực chăm sóc. Con gái đầu - nghệ sĩ piano Trinh Hương và con rể - nghệ sĩ violin Bùi Công Duy - thường xuyên thăm hỏi ông. Ông còn con gái thứ Giáng Hương và con trai út Phú Vương.
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng trước tin buồn. Đức Tuấn nói thời gian qua, nghe bệnh tình Phú Quang trở nặng, anh hy vọng có phép màu xảy ra nhưng theo thông báo của gia đình, sức khỏe ông ngày một yếu đi. Lần cuối anh trò chuyện với ông vào đầu năm, lúc đó cả hai bàn về đĩa nhạc Phú Quang thứ hai, sau đĩa Hà Nội và em khi thu chớm đông sang họ làm chung, ra mắt năm 2018. "Ông đang viết nhạc thì bệnh lâm nặng hơn, mọi thứ đến giờ đã vĩnh viễn dang dở", anh nói.
Cẩm Vân lặng người khi được báo tin. Ca sĩ nói trong tâm tưởng chị giờ vang lên giai điệu Em ơi, Hà Nội phố - một trong những ca khúc Phú Quang đầu tiên chị thu. Dù cơ duyên làm việc trực tiếp không nhiều, Cẩm Vân hát khá nhiều nhạc phẩm của ông, Dạ khúc là một trong những bản thu chị tâm đắc. Trong ký ức của Cẩm Vân, nhạc sĩ hiền lành, kiệm lời, kỹ tính trong nghề, đối đãi với đồng nghiệp hào sảng.
Thời gian mới quen ông, dù lúc đó chồng chị - ca sĩ Khắc Triệu - chưa đi hát, ông vẫn mời thu âm, ghi hình để làm kỷ niệm. Lần cuối chị gặp ông vài năm trước, trong đêm nhạc Duyên dáng Việt Nam ở Hà Nội. "Lúc đó, anh đã yếu, nắm tay tôi mà run run, nhưng ánh mắt vẫn sáng rực khi kể về chuyện nghề", Cẩm Vân cho biết.
Nhạc sĩ Phú Quang quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố(thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội(thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường, lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Nhạc sĩ từng chia sẻ ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung động. Tác phẩm của ông giàu cảm xúc, cơ sở nhạc lý vững chắc. Ông thần tượng các "Ông hoàng nhạc cổ điển" như Chopin, Mozart, Tchaikovsky... Trong nước, ông ngưỡng mộ nhạc sĩ Hoàng Vân. Thanh Lam, Ngọc Anh 3A, Tấn Minh, Đức Tuấn, Lê Anh Dũng, Minh Chuyên... là những giọng ca gắn bó với ông.
Hàng năm, nhạc sĩ Phú Quang đều đặn tổ chức hai liveshow vào mùa xuân và mùa đông, thu hút đông đảo khán giả. Ông ấp ủ làm chương trình về phố Khâm Thiên - nơi ông gắn bó tuổi thơ. Nhạc sĩ ám ảnh ký ức về mất mát nặng nề của người dân nơi đây qua cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, năm 1972. Ông còn muốn ra thêm một cuốn sách mới, ghi chép những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc sống của ông, tương tự cuốn Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện, ra mắt năm 2016.
Ý kiến ()