Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:45 (GMT +7)
Nhạc sĩ của những biểu tượng âm nhạc đi sâu vào lòng người
Chủ nhật, 13/02/2022 | 09:29:21 [GMT +7] A A
Có một thời gian dài, các giai điệu vừa mượt mà gần gũi âm hưởng dân gian, nhưng lại có những khoảnh khắc chót vót của cao trào kịch tính, mãnh liệt đã chiếm lĩnh âm nhạc trên làn sóng phát thanh, tạo cảm giác ấn tượng từ sự tráng lệ phi thường của những biểu tượng. Hai ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" và "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ đã nằm trong trường âm thanh tráng lệ ấy, mang lại một mỹ cảm khó lặp lại và hơi thở của một đời sống đầy ăm ắp niềm tin. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã ra đi sáng 11/2 tại Hà Nội.
Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936, thuộc về thế hệ cách quãng hẳn với thế hệ nhạc sĩ tiền chiến và là thế hệ đầu tiên tạo ra một không gian âm nhạc tươi mới ở miền bắc sau năm 1954. Nhưng, con đường tạo ra chân dung âm nhạc của mỗi người không dễ dàng và nếu nhìn vào Nguyễn Tài Tuệ, có thể nhận ra một hành trình vừa lạ lùng vừa tiêu biểu cho những nghệ sĩ của không gian văn hóa một thời đại.
Rất nhiều người nghe gắn cái tên Nguyễn Tài Tuệ với ca khúc "Xa khơi". Đây là một thành tựu nổi bật của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam, được công bố năm 1962 với bản thu đầu tiên của ca sĩ Tân Nhân, cũng đánh dấu vị thế nổi bật của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Sự gặp nhau giữa hai tâm hồn nghệ sĩ quê gốc miền trung và nhiều truân chuyên đã tạo ra một huyền thoại nhỏ về bài hát xuất chúng này. Nhiều năm tháng đã qua, âm điệu vời vợi của "Xa khơi" với nỗi nhớ nhung da diết mong ngày đoàn tụ thống nhất đất nước đã thành tiếng lòng của người Việt: "Nắng tỏa chiều nay/Thuyền về mái đọng chiều nay/Nhìn phương nam con nước vơi đầy, thương nhớ/ Nhớ thương anh ơi!". Không chỉ là câu chuyện tình yêu, người ta lồng câu chuyện của nghệ sĩ trong đó và lồng chính tâm sự riêng của mình trong bài hát, khiến cho lời ca trở thành tiếng ca chung, hòa với những đợt sóng mãnh liệt của "Tình ca" (Hoàng Việt) hay trong sáng của "Bài ca hy vọng" (Văn Ký) và thêm nét đa dạng hoa mỹ của "Gửi người em gái miền nam" (Đoàn Chuẩn-Từ Linh) cùng giai đoạn cuối thập niên 1950 đầu 1960.
"Xa khơi" ra đời khi tác giả có tuổi đời rất trẻ, song trước đó ông đã có những bài hát xuất sắc như: "Lời ca gửi noọng", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", "Suối Mường Hum còn chảy mãi"... khi mới 22-23 tuổi, lúc tham gia công tác ở đoàn văn nghệ ba tỉnh miền núi Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang bây giờ. Có những sáng tác được ông viết bằng cảm hứng và trí tưởng tượng, cùng sự vận dụng âm điệu dân ca dân tộc Tày như "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" (1959) khi lúc đó ông chưa hề tới Cao Bằng.
Nguyễn Tài Tuệ viết rất ít ca khúc, sau khi tu nghiệp ở CHDCND Triều Tiên (1968-1972) về, ông chuyển sang viết khí nhạc. Những bài hát phổ biến nhất của ông chủ yếu viết vào giai đoạn trước đó. Chúng nhiều phần là những bài hát khai thác chất liệu dân gian, từ miền núi (Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Lời ca gửi noọng, Xuân về trên bản Nhắng...) đến miền trung (Xa khơi) và cả miền nam (Xôn xao bến nước) hay chủ đề chính ca thính phòng (Lê Quang Vịnh, người con quang vinh)... song điểm nổi bật là nét hàn lâm đòi hỏi khả năng xử lý thanh nhạc ở trình độ cao. Bản thân là một ca sĩ tenor khi bắt đầu sự nghiệp văn nghệ ở Hà Nội năm 1954, Nguyễn Tài Tuệ thuộc hàng các nhạc sĩ nghiêm cẩn về việc thể hiện bài hát và các sáng tác ấy cũng là những bài hát trong danh mục các bài thi thanh nhạc của nhạc viện cho đến giờ.
Những giọng ca hàng đầu của nền thanh nhạc miền bắc và sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 đã tìm tới âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ như một đỉnh cao cần chinh phục và những tên tuổi ấy đã tạo ra một bộ sưu tập giọng ca đáng mơ ước cho bất cứ tác giả nào: "Xa khơi" với Tân Nhân, Tường Vy, Hương Loan, Lê Dung, "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" với Quốc Hương, Mai Khanh, Thanh Huyền, Anh Đào, Tuyết Nhung, "Suối Mường Hum còn chảy mãi" với Lê Hằng hay "Lời ca gửi noọng" (Mùa xuân gọi bạn)-Thanh Huyền, Thanh Hoa... Những giọng ca trẻ sau này cũng đem lại hơi thở mới thành công cho ca khúc Nguyễn Tài Tuệ như Anh Thơ, Tân Nhàn, Đào Tố Loan... hay những ca sĩ miền nam cũng tìm ra nét cá tính với âm nhạc của ông như trường hợp Ánh Tuyết hay một giọng ca nhạc trẻ là Hoàng Huệ Quân vào đầu thập niên 1980.
Cho dù đề tài nào, những bài hát của Nguyễn Tài Tuệ ghi dấu một vẻ đẹp chuẩn chỉ, một cái nhìn tìm kiếm sự lộng lẫy của thiên nhiên, toát lên tinh thần say mê lãng mạn nhiều nét mãnh liệt, qua những cao trào diễn tả kịch tích bên cạnh những khoảng êm ả xôn xao của giai điệu. Người ta cảm nhận cấu trúc âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ luôn tôn vinh sự hài hòa của biểu tượng. Ông đi tìm những khung cảnh tráng lệ, vẽ ra sự mênh mông của thiên nhiên từ xa tới gần, để rồi chấm phá nét biểu đạt chi tiết ở những thấp thoáng hành động, cử chỉ, từ "bát cơm mong chờ, người già ước mơ; líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ" đến "thuyền về mái đọng chiều nay", từ những nét tung hứng luyến láy dân gian đi đến những cao trào thăng hoa của những "đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám" tạo ra một phong cách ảnh hưởng mạnh đến hình tượng nghệ thuật không chỉ âm nhạc mà còn lấn sân các hình thức biểu diễn. Tựa như một điêu khắc gia, Nguyễn Tài Tuệ chăm chút những tượng đài bằng âm nhạc của mình. Nó có sự huyền bí, quyến rũ của một thế giới tâm trí đòi hỏi người hát, người nghe bóc tách, rồi mỗi lần nghe có thêm tầng cảm nhận.
Phong cách sáng tạo của Nguyễn Tài Tuệ đã tìm được đường đến cảm xúc người nghe, kể cả thời hiện tại là vì ông đã cấu tạo nên một kiểu nghệ thuật sử thi có nhiều tầng biểu đạt, tưởng như mộc mạc mà lại phức tạp, hoa mỹ huyền ảo. Thiếu đi những âm u của "rì rào núi cao tầng mây" hay khoáng đạt "mênh mông sóng xô ru thuyền ta xa bờ", âm nhạc của một thời hẳn sẽ ít màu sắc hơn.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()