Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Nhạc rác, nhạc nhảm trên không gian mạng làm hại giới trẻ
Thứ 5, 30/03/2023 | 11:15:41 [GMT +7] A A
Trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều các bài nhạc mang lời lẽ thô tục, nhảm nhí, vô nghĩa - một vấn đề đáng lo ngại, tác động xấu đến giới trẻ hiện nay...
Vì sao nhạc rác vẫn có đất sống?
Gọi là nhạc rác, nhạc nhảm bởi vì những sản phẩm âm nhạc này sử dụng ngôn từ tục tĩu, vô nghĩa hay đầy những hình ảnh phản cảm, dung tục. Thậm chí, có những sản phẩm dẫn dắt trào lưu tiêu cực, cổ súy cho các tệ nạn xã hội, lối sống bất cần, phá phách...
Gần đây, những “ca sĩ” không ai nhớ mặt - đặt tên lại gây chú ý, được giới trẻ yêu thích khi đưa ra những tác phẩm có ca từ, câu nói “bắt trend” cộng đồng mạng. Chỉ bằng vài câu hát theo xu hướng hiện tại đã giúp các “nhà sáng tạo” đem về số lượt tương tác khổng lồ. Bài rap chế lời trend “ăn nói xà lơ” giúp kênh TikTok của Huyền My mang về 166,8 nghìn lượt yêu thích, kênh Lkn lọt top thịnh hành với 110,7 nghìn lượt yêu thích và hơn 2 triệu lượt xem. Điều đáng chú ý là bài rap chỉ gồm 7 câu hát gần như vô nghĩa và có cả văng tục.
Nhạc chế không còn xa lạ với thị trường giải trí hiện nay. Những ca khúc chế lời, trên thực tế, rất có sức hút đối với người nghe, nhất là khi nội dung lời ca có tính hài hước, gắn với một sự kiện nào đó mà dư luận đang rất quan tâm. Nhưng tình hình nhạc chế hiện nay lại chạy theo số đông, chạy theo đồng tiền.
Các sản phẩm chế lời dung tục, nhiều bài cổ súy cho lối sống buông thả, lệch lạc. Trong đó, đáng chú ý kênh TikTok Parody Music đăng tải clip mới với lời nhạc kiểu “Thắm bây giờ thích vào quán bar - Cặp với mấy ông già đáng cha” cổ súy cho lối sống buông thả lại nhận về hơn 2 triệu lượt xem, gần 200.000 lượt thích.
Nhạc nhảm không chỉ lan truyền từ “các nhà sáng tạo” trên mạng xã hội, đáng buồn thay, còn đến từ chính những người mang danh nghệ sĩ. Bài hát hoàn toàn trái ngược với bản gốc truyện Doremon của Lê Dương Bảo Lâm trên sóng truyền hình nhanh chóng tiêm nhiễm vào giới trẻ. Câu chuyện lệch lạc về việc Nobita cưới Chaien (hai nhân vật truyện tranh Nhật Bản đều là nam) lan nhanh như đại dịch, đầu độc nhận thức giới trẻ. Dù đã công khai xin lỗi nhưng hệ lụy bài hát của Lê Dương Bảo Lâm mang lại vẫn còn đó trong cộng đồng khi mà vẫn bắt gặp những đứa trẻ hát vu vơ sản phẩm nhảm này.
Gần đây nhất là MV “Ghệ iu dấu của em ơi” của tlinh. Sự tự do sáng tạo quá đà khiến MV của cô ca sĩ trở nên “trần trụi” trước khán giả. Những hình ảnh phản cảm cùng ca từ được cho là không truyền tải được bất cứ thông điệp rõ ràng nào của MV khiến khán giả khó chịu.
Sở dĩ những bài nhạc rác như trên vẫn có đất sống bởi vì sự tò mò, bắt trend và dễ khiến khán giả trẻ bắt chước. Bằng chứng là, sau khi những bản nhạc này ra mắt, nhiều người trẻ đã cover lại hoặc dùng làm âm thanh cho các video của mình trên TikTok. Điều này, vô tình khiến nhạc rác có sức hút, dễ dàng giúp “nhà sáng tạo” kiếm tiền.
Nhạc phản cảm tác động xấu đến giới trẻ
Các nền tảng mạng xã hội hiện nay là phương tiện thuận lợi cho việc sáng tạo nội dung và xây dựng thương hiệu cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, việc sản xuất các sản phẩm với hình ảnh và ca từ làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, văn hóa của đất nước lại được lan truyền quá dễ dàng trên mạng xã hội hay các trang nhạc trực tuyến đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới người nghe, xem - tác động không nhỏ tới nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên khi tiếp nhận những sản phẩm âm nhạc chứa nội dung độc hại đó.
“Chúng ta sẽ nghĩ đơn giản một điều, âm nhạc là giải trí, việc nghe nhạc để giải tỏa căng thẳng sau một ngày học tập mệt mỏi, giới trẻ còn là đối tượng sử dụng mạng xã hội rất nhiều nên việc bị ảnh hưởng bởi các thể loại âm nhạc xuất hiện trên mạng xã hội là chắc chắn có. Vậy thì những sản phẩm dù vô nghĩa nhưng nhạc nghe vui tai, các trang mạng cứ đăng liên tục, việc nghe lặp đi lặp lại sẽ khiến các bạn bị “nhiễm”, nghe nhiều thành ra quen, dù nó vô nghĩa cũng không thấy có vấn đề.
Nhưng thực tế, nó làm cho việc cảm nhạc và nhận ra giá trị của các sản phẩm âm nhạc không còn nữa, chức năng giáo dục của âm nhạc cũng mất đi, các bạn trẻ chỉ thấy những hình ảnh xấu, cổ súy những lối sống cá nhân, phóng túng…” - bà Trần Lâm Kim Phượng - Thạc sĩ ngành quản lý Báo chí Truyền thông, giảng viên khoa Truyền thông Đại học Văn hóa TPHCM - chia sẻ.
Theo bà Phượng, việc ngăn chặn những loại nhạc như thế này không phải điều dễ, nếu như không có sự phối hợp từ cơ quan chức năng, công chúng và cả đạo đức nghề nghiệp của những người sản xuất âm nhạc. Chính công chúng và nhất là các bạn trẻ cần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của mình, tự loại bỏ những loại nhạc có ngôn từ và hình ảnh phản cảm.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()