Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 10:01 (GMT +7)
“Nhắc đến tiếng Nhật phải nhắc tới Đại học Hạ Long”
Chủ nhật, 23/10/2022 | 08:30:19 [GMT +7] A A
Trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, Trường Đại học Hạ Long đã công bố quyết định mời ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt, làm cố vấn đặc biệt Trường Đại học Hạ Long, thời gian làm việc từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2025. Đây là vinh dự và cũng là cơ hội để nhà trường mở ra những hướng đào tạo chất lượng cao trong tương lai.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có buổi phỏng vấn để lắng nghe những chia sẻ của ông Takebe Tsutomu về tình cảm đặc biệt dành cho mảnh đất Quảng Ninh cũng như những định hướng sắp tới của ông tại Trường Đại học Hạ Long.
- Xin chúc mừng ông đã trở thành cố vấn đặc biệt Trường Đại học Hạ Long. Ông có thể cho biết, cơ duyên nào khiến ông quyết định xa Nhật Bản để đến làm việc tại Quảng Ninh?
+ Đây là lời hứa đặc biệt của tôi với Thủ tướng Phạm Minh Chính từ rất lâu rồi. Khi dùng bữa cùng đoàn 1.000 vị khách Nhật Bản do ngài Nikai Toshihiro, lãnh đạo Đảng dân chủ tự do dẫn đầu tại Đà Nẵng vào tháng 1/2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khóa XII đồng thời là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản của Quốc hội khóa XIV đã ngồi kế bên tôi. Khi đó tôi cũng là Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng và là Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Việt - Nhật. Ngài Thủ tướng đã rất nhiệt tình giới thiệu về Trường Đại học Hạ Long, Quảng Ninh và tương lai, sứ mệnh của nhà trường đối với sự phát triển của tỉnh nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mời tôi làm cố vấn đặc biệt của Đại học Hạ Long. Ngài nói: “Hãy trở thành giảng viên tiếng Nhật của Trường Đại học Hạ Long”. Và giữ lời hứa với ngài Thủ tướng muốn đưa Đại học Hạ Long trở thành tương lai của Việt Nam, tôi nhận lời làm Cố vấn đặc biệt tại đây.
- Vậy trước đó, ông có ấn tượng gì về Quảng Ninh, nơi mà ông sẽ gắn bó không?
+ Khi tôi cùng trưởng đại diện văn phòng JICA Hà Nội lần đầu ghé thăm trường, tôi đã rất cảm động khi được các em sinh viên nghênh đón trong bộ Kimono truyền thống. Bên cạnh đó, Quảng Ninh và quê tôi - Shiretoko (tỉnh Hokkaido) cũng có nhiều điểm tương đồng. Shiretoko cũng là di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long. Bán đảo Shiretoko là vùng cực Nam của hệ thống băng trôi Bắc bán cầu. Nơi đây là kho tàng động thực vật của toàn bộ hệ sinh thái đất liền, ven biển và đại dương, là mô hình quá trình tiến hoá và phát triển của sinh vật. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh và Hokkaido có nhiều điểm chung như: Đều nằm ở biên giới phía Bắc; có ngành nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch rất phát triển và đều là vùng đất mới giàu tiềm năng trong tương lai.
Và tôi không thể không kể cho các bạn nghe về một sự việc đã ảnh hưởng đến quyết định của tôi. Trong đại thảm họa ở Đông Nhật Bản ngày 11/3/2011, sóng thần đã nhấn chìm các thị trấn, làng mạc và người dân, khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhờ thế mà người dân trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là những vùng chịu thiên tai, đã được tiếp thêm sức mạnh.
Có một cậu bé 10 tuổi đã mất cả cha lẫn mẹ do sóng thần trong đại thảm họa đó. Cậu được một người lớn tuổi đưa cho nải chuối và nói: “Chắc cháu đói lắm rồi nhỉ. Hãy ăn cái này đi!”. Cậu bé nhận và nói cảm ơn, nhưng lại để nải chuối lên bàn đựng đồ cứu trợ và quay trở lại xếp hàng. Cảm động khi thấy bản tin đó được chiếu trên tivi, đã có một người Việt Nam quyên góp cho cậu bé ấy 100 triệu yên. Đó chính là Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, Đào Hồng Tuyển. Lúc đó, với vai trò là Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt, tôi đã nhanh chóng gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Tuyển. Chủ tịch đã nhiều lần đề nghị muốn trở thành bố nuôi của cậu bé đó. Tấm lòng nhân ái của Chủ tịch Tuyển đã khích lệ tôi quyết định nhận lời.
Từ những cơ duyên ấy, tôi luôn tâm niệm, một khi đã nhận lời làm cố vấn đặc biệt của Trường Đại học Hạ Long, tôi sẽ làm hết sức mình, cùng mọi người cố gắng với tinh thần “quyết chí mở đường”.
- Vậy ông có thể chia sẻ về dự định của mình khi làm việc tại Trường Đại học Hạ Long không?
+ Ước mơ của tôi đối với Đại học Hạ Long là đón nhận thách thức của nền giáo dục đại học mới và thực hành nhiều loại hình đào tạo chuyên môn chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Đó là cách quản lý đại học mới mẻ và linh hoạt, không bị ràng buộc bởi các phương pháp thông thường, không chỉ là nghiên cứu hàn lâm mà còn là giáo dục thực tiễn trong các lĩnh vực kỹ thuật và dạy nghề. Đây là điều mà Việt Nam sẽ cần trong tương lai.
Tôi cũng mong muốn liên kết Đại học Hạ Long với Trường Đại học Việt Nhật, hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao không chỉ giỏi tiếng Nhật mà còn hiểu biết văn hóa và kỹ thuật của Nhật Bản.
Ngoài ra, Đại học Hạ Long rất nổi tiếng với Khoa Du lịch, và tôi tin rằng chúng ta nên củng cố Khoa Du lịch của trường bằng cách liên kết với các trường đại học và trường dạy nghề của Nhật Bản. Từ đó, đẩy mạnh thương hiệu của Đại học Hạ Long. Vào tháng 7 vừa qua, tôi đã đề xuất mở Trung tâm Nhật ngữ ở Đại học Hạ Long với ba mục tiêu chính sau đây: Hiểu văn hóa, cuộc sống và phong tục của Nhật Bản, đẩy mạnh giao lưu Nhật Bản - Việt Nam thông qua việc học tiếng Nhật; phát triển kinh tế và đời sống của tỉnh Quảng Ninh thông qua việc tăng cường và mở rộng kết nối với giới công nghiệp và kinh tế của Nhật Bản; nâng cao sức mạnh thương hiệu của trường đại học quốc tế với khẩu hiệu “Nhắc đến tiếng Nhật phải nói tới Đại học Hạ Long”. Đây là những mục đích của việc thành lập Trung tâm Nhật ngữ, thời gian tới, tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể để có thể sớm triển khai và đưa vào hoạt động.
- Ông rất quan tâm đến ngành Du lịch của Quảng Ninh, vậy ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch Quảng Ninh và cần làm gì để phát triển tối đa những tiềm năng đó?
+ Thực tế, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ của Quảng Ninh, Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Cũng giống như Quảng Ninh, du lịch cũng là ngành công nghiệp chính ở Hokkaido. Tháng trước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh đã đến thị sát Hokkaido và ký kết biên bản thỏa thuận với Phó Chủ tịch Tsuchiya của tỉnh Hokkaido, mở đầu cho việc giao lưu giữa hai tỉnh. Kể từ bây giờ, chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển dịch từ giao lưu giữa hai quốc gia sang giao lưu giữa hai tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hokkaido.
Tôi tin rằng Trường Đại học Hạ Long cần đào tạo ra những nhà lãnh đạo trong ngành du lịch và trở thành cơ sở để phát triển du lịch cũng như tạo dựng tương lai cho tỉnh Quảng Ninh.
Với sự phát triển của hệ thống giao thông và sự phổ biến của Internet, thế giới đang ngày càng nhỏ lại, con người gần gũi với nhau hơn. Tuy vẫn chưa thể nói là toàn diện, nhưng con người sẽ vượt qua đại dịch Covid-19 và bước vào kỷ nguyên giao lưu vĩ đại. Các hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng ngày càng trở nên sôi động và chúng ta đang chuyển sang thời đại ảnh hưởng tới các nước khác qua “sức mạnh mềm” như: Sức mạnh trí tuệ, sức mạnh văn hóa, sức mạnh thông tin và sức mạnh con người mà không phải “sức mạnh cứng” trong sức mạnh quân sự.
- Vâng, có thể nhận thấy tình cảm đặc biệt và tâm huyết ông dành cho tương lai của tỉnh Quảng Ninh. Vậy ông có mong muốn gì gửi đến các bạn trẻ sinh viên?
+ Trước hết, tôi xin chúc mừng các bạn tân sinh viên nhập học vào Trường Đại học Hạ Long năm học mới này. Tôi xin gửi lời chúc “Sải cánh tới tương lai, vươn ra thế giới” đến toàn thể các sinh viên Trường Đại học Hạ Long. Tôi mong rằng, các bạn sẽ có tinh thần của kỷ nguyên toàn cầu, tận hưởng cuộc sống sinh viên của mình một cách trọn vẹn nhất và trở thành những người xứng đáng để chúng tôi giao phó tương lai cho chính các bạn. Tương lai của Đại học Hạ Long phụ thuộc vào bạn. Các bạn hãy cố gắng hết sức mình nhé.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()