Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:13 (GMT +7)
Những nhà vô địch “chân đất” rạng danh điền kinh Vùng mỏ
Thứ 7, 03/07/2021 | 09:35:35 [GMT +7] A A
Thi đấu bằng chân trần là câu chuyện hiếm có trong làng điền kinh (môn thể thao Olympic). Thế nhưng không ít VĐV Vùng mỏ đã viết nên câu chuyện tuyệt vời về nghị lực và ý chí.
Điền kinh Quảng Ninh phát triển từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, có lịch sử vàng son, dù cơ sở vật chất còn khó khăn, SVĐ chỉ có đường chạy đổ đất, đường chạy còn lổn nhổn đá sỏi...
VĐV Nguyễn Văn Thức (SN 1958) trưởng thành từ “cái nôi” điền kinh TX Uông Bí (nay là TP Uông Bí). Là công nhân Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, nổi lên từ các giải phong trào, Nguyễn Văn Thức thường xuyên được triệu tập vào đội tuyển tỉnh và thi đấu các giải quốc gia. Trong ký ức của những người cùng thời hoặc biết tới ông, ai cũng khâm phục câu chuyện của ông: Để rèn thể lực, ông chạy bộ từ Uông Bí xuống Hòn Gai, không ít lần trong số đó ông chạy bằng… chân trần. Ông đã giành về HCV các cự ly 800m, 1500m (Giải Vô địch Quốc gia 1975,1976), trở thành một trong số các VĐV đạt kiện tướng cấp 1 quốc gia, được triệu tập vào Đội tuyển điền kinh quốc gia tham gia các giải thi đấu quốc tế.
"Nữ hoàng chân đất” Vũ Thị Hoa (SN 1971), được thầy, cô phát hiện khi đi xem các anh trai mình dự giải phong trào TP Uông Bí. Sau khi đoạt giải nhất tỉnh điền kinh, năm 1986 Vũ Thị Hoa được tuyển thẳng vào học lớp năng khiếu của Trường Thể dục - Thể thao tỉnh.
“Có lẽ do quen tập trong SVĐ hoặc chạy trên các sân xỉ, sân đá sỏi nên chân tôi chai dày. Khi thi đấu chạy cự ly dài, trời nóng, giày bốc hơi nóng, chân khó chịu, nên cởi ra sẽ mát, chạy tốt hơn”- chị Hoa chia sẻ về lý do chạy bằng chân trần.
Từ những buổi tập vất vả, Vũ Thị Hoa bước ra sân thi đấu, khẳng định mình ở các giải quốc gia. Dù được trang bị giày mới, chị cũng chỉ thi đấu bằng đôi giày đã cắt mũi… cho mát hoặc bằng chân trần. Năm 1987, tham gia Giải Vô địch Việt dã Tiền Phong toàn quốc lần thứ nhất, Vũ Thị Hoa giành HCV cự ly 3km nữ trẻ bằng chạy chân trần. Từ năm 1987-1991, chị là người thường xuyên đưa “vàng” về cho Quảng Ninh tại các giải toàn quốc, ở nhiều nội dung, nhất là cự ly chạy 5.000m, 10.000m sở trường.
“Nếu chạy 21 hoặc 42km thông thường tôi sẽ chạy nửa chặng đầu bằng giày. Nếu thi đấu ở miền Trung, miền Nam hoặc những tỉnh thành nắng nóng thì tôi bỏ giày chạy chân trần ngay từ đầu. Chúng tôi được quan tâm trang bị giày tốt thi đấu, nhưng do thói quen, lại thấy chân trần giúp chạy thoải mái, nhẹ nhàng và đạt thành tích cao hơn”- chị Vũ Thị Hoa cười, chia sẻ.
Sau khi nghỉ thi đấu do lập gia đình 2 năm, cuối năm 1994, Vũ Thị Hoa tái xuất và giành HCV cự ly 42km tại Giải Việt dã toàn quốc. Năm 1995, chị giành HCV tại Giải Marathone Quốc tế Hà Nội mở rộng, phá kỷ lục của chính mình. Năm 1996, chị giành HCV Giải Việt dã báo Tiền Phong. Ở các giải này chị đều chạy chân không giày.
Một “Nữ hoàng chân đất” cũng được nhắc tới nhiều là Phạm Thị Huệ (SN 1996), học trò của HLV Vũ Thị Hoa. Trưởng thành từ chạy phong trào ở huyện Đầm Hà, năm lớp 9, Huệ được “chấm” đưa về Trường Thể dục - Thể thao tỉnh, 2 năm sau lên tuyển trẻ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Có điều kiện tốt để luyện tập, đặc biệt là sức bền thể lực, Phạm Thị Huệ nhanh chóng thể hiện được tố chất của một VĐV chạy cự ly dài 5.000m, 10.000m.
“Từ kinh nghiệm bản thân, tôi giúp em rèn rũa kỹ năng, đồng thời luôn khuyên em nên đeo giầy bảo vệ chân. Huệ luôn tập luyện rất chăm chỉ, ý chí nghị lực. Dù nhiều khi tập, thi đấu em vẫn chạy chân trần do thói quen” - HLV Vũ Thị Hoa kể.
Phạm Thị Huệ đã giành HCV tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần VIII (năm 2018), 2 HCV tại Giải Điền kinh Singapore mở rộng (2015, 2018), 4 HCV tại Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á, 2 HCV tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (2016)… Đặc biệt, Phạm Thị Huệ đoạt HCB ở SEA Games 28 và SEA Games 29 với đôi chân trần.
"Việc phải chạy chân đất không phải là sự lựa chọn ưa thích của các VĐV, đặc biệt là ở cự ly dài. Ở SEA Games 28, SEA Games 29, tôi bị chấn thương trong quá trình tập luyện. Khi đi giày, chân rất đau, nên buộc phải bỏ ra để chạy. Việc chạy chân trần trên đường piste được phủ một lớp cao su non, gan bàn chân sẽ rất rát và đau" - chị Huệ chia sẻ.
Vượt qua cơn đau dạ dày kinh niên, chấn thương dai dẳng từ SEA Games trước, Phạm Thị Huệ đã khẳng định danh hiệu “Nữ hoàng chân đất” khi đã mang về HCV ở cự ly 10.000m tại SEA Games 30.
Những VĐV Vùng mỏ dù chạy chân đất nhưng luôn khẳng định tài năng, ý chí, tinh thần thi đấu tuyệt vời, nghị lực phi thường, viết nên trang sử "vàng" cho điền kinh Quảng Ninh.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()