Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:59 (GMT +7)
Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở Ba Chẽ: Điểm sáng phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 7, 06/08/2022 | 10:20:05 [GMT +7] A A
Những năm trước đây, ít ai nghĩ đến Ba Chẽ để du lịch, thế nhưng trong những năm gần đây, con số du khách đến đây khá đông, trong đó có hàng nghìn người đã tìm đến Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao huyện Ba Chẽ.
Theo cán bộ Phòng VH-TT huyện Ba Chẽ thì kể từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng khách đến với Ba Chẽ đạt khoảng 15.000 người, thì gần nửa số đó đến Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao. Trong đó, chỉ riêng ngày Lễ hội Bàn Vương là lễ hội lớn của người Dao ở Ba Chẽ, số lượng du khách đến với Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao đã khoảng 3.000 lượt khách.
Năm 2020, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và khánh thành Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Ngôi nhà có tổng diện tích 1.600m2, trong đó, diện tích nhà hơn 707m2 gồm 2 tầng, được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Công trình được xây dựng theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu chiêm bái của cộng đồng người Dao trên địa bàn huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên cho đến nay, ngôi nhà không chỉ là nơi tìm đến của người Dao trong tỉnh mà cả người Dao từ nhiều tỉnh, thành khác. Nhất là dịp Lễ hội Bàn Vương, người Dao đến từ các xã của Ba Chẽ và từ các địa phương khác trong tỉnh như Hạ Long (các xã thuộc Hoành Bồ cũ), Uông Bí, Đông Triều và ra các tỉnh ngoài như Hà Giang, Lạng Sơn v.v.. Dịp Lễ hội Bàn Vương năm 2022, huyện Ba Chẽ đã khai trương không gian trưng bày văn hoá Dao tại tầng 1 của Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao. Không gian gồm nhiều bức tượng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hàng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ của người Dao xưa và nay, rất ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hóa Dao của huyện Ba Chẽ và của tỉnh. Điều này, không chỉ thu hút du khách Dao, mà tạo hứng thú muốn tìm hiểu của du khách cả các dân tộc khác nữa.
Ngoài Lễ hội Bàn Vương, các ngày khác trong năm vẫn có các tốp du khách đến với Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao. Ba Chẽ còn có Lễ mừng cơm mới sau Tết Nguyên đán hàng năm, các gia đình Dao ở Ba Chẽ khi cưới hỏi cho con, làm lễ cấp sắc, họ đều mời khách ở các địa phương khác đến. Mỗi lần như thế, bà con lại tổ chức thành các nhóm, rồi đến thắp hương và trải nghiệm ở đây.
Ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ dân tộc (Văn phòng Quốc hội) có mặt tại Lễ hội Bàn Vương Ba Chẽ năm 2022, nhận định: Ba Chẽ đã chọn hướng đi đúng khi đề cao việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Dao. Tôi đã đi nhiều nơi, thế nhưng Ba Chẽ là nơi duy nhất trong cả nước đã xây được nhà thờ tổ người Dao và đây sẽ là nơi hội tụ người Dao trong cả nước vào ngày giỗ tổ của họ là Lễ hội Bàn Vương. Ba Chẽ sẽ phát triển tốt du lịch khi là lựa chọn điểm đến cho một dân tộc rất đông đúc, đứng thứ 7 trong số 54 dân tộc anh em, đó là cộng đồng người Dao.
Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao cũng là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Dao ở Ba Chẽ. Ông Triệu Chăn Hồng, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc bày tỏ: Khi chúng tôi đi giao lưu các nơi, chúng tôi luôn tự hào là người Dao ở Ba Chẽ. Vì chúng tôi đã được tỉnh, huyện quan tâm rất nhiều, tạo điều kiện để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc một thời tưởng như bị mai một, như: Nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày và xây dựng nhà truyền thống cộng đồng, mà không phải ở địa phương nào có đông người Dao cũng được quan tâm như thế.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()