Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:34 (GMT +7)
Nhà Trắng xác nhận Ukraine đang sử dụng bom chùm ‘khá hiệu quả’
Thứ 6, 21/07/2023 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Theo những phản hồi ban đầu từ Kiev thì người Ukraine đang sử dụng bom chùm do Mỹ cung cấp “khá hiệu quả” – phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết.
Theo tờ Guardian, quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, bom chùm do Mỹ cung cấp đã được triển khai ở Ukraine và đang có tác động đến cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga.
“Chúng tôi đã nhận được một số phản hồi ban đầu từ người Ukraine và họ đang sử dụng chúng khá hiệu quả”, phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby thông báo vào ngày 20/7 theo giờ địa phương.
Ukraine đã cam kết chỉ sử dụng loại vũ khí gây tranh cãi này để đánh bật những nơi tập trung quân đối phương. Phát ngôn viên Kirby nói rằng các loại bom, đạn chùm đang có tác động đến các đội hình phòng thủ và cơ động của Nga.
Bom chùm đã được chuyển giao cho Ukraine trong tuần trước và được Mỹ coi là một cách để cung cấp cho Kiev những loại đạn dược cực kỳ cần thiết giúp tăng cường cuộc phản công và vượt qua các phòng tuyến của Nga. Các quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ cung cấp hàng nghìn viên đạn loại này nhưng không tiết lộ con số cụ thể.
Các nhà lãnh đạo Mỹ đã tranh luận về việc có nên cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine trong nhiều tháng trước khi Tổng thống Joe Biden đưa ra quyết định cuối cùng trong tháng 7 này.
Bom chùm, bị cấm ở hơn 100 quốc gia, là loại bom nổ trong không trung và giải phóng nhiều quả bom nhỏ hơn có thể sát thương bừa bãi trên một khu vực rộng lớn. Những quả không phát nổ có thể gây nguy hiểm cho con người trong nhiều thập kỷ sau đó.
Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Biden, lưu ý rằng ít nhất 149 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương trên toàn thế giới bởi những loại vũ khí như vậy vào năm 2021, theo Cluster Munition Monitor.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả quyết định cung cấp bom chùm cho Kiev là "rất khó khăn" vì những tác hại của loại vũ khí này với dân thường.
Các nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng, Washington sẽ gửi một phiên bản đạn dược có "tỷ lệ hư hỏng" thấp, nghĩa là tỉ lệ bom nhỏ không phát nổ thấp. Hiên nay, hai phía tham gia xung đột ở Ukraine đều cáo buộc bên kia sử dụng bom chùm.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), các quả bom con được phát tán từ bom chùm sẽ phát nổ khi chạm đất, nhưng nhiều quả không phát nổ ngay. ICRC cho biết, có tới 40% số quả bom con đã không phát nổ trong một số cuộc xung đột gần đây. Do đó, bom chùm, giống như mìn, gây rủi ro cho thường dân rất lâu sau khi chiến sự kết thúc.
Theo Reuters, 60% thương vong do bom chùm là những người bị thương trong khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt đời sống hàng ngày. Một phần ba số thương vong do bom chùm được ghi nhận rơi vào trẻ em.
Hơn 120 quốc gia đã ký Công ước về bom, đạn chùm, cấm sử dụng, sản xuất, vận chuyển và tàng trữ loại vũ khí này. Tuy nhiên, Nga, Ukraine và Mỹ nằm trong số các nước từ chối ký hiệp ước. Kể từ khi Công ước được thông qua vào năm 2008, 99% kho dự trữ bom chùm toàn cầu đã bị phá hủy, theo Liên minh Bom, đạn chùm.
Việc triển khai các loại vũ khí này diễn ra trong bối cảnh Kiev đang báo cáo một nỗ lực mới của Nga nhằm quay trở lại cuộc tấn công ở phía đông bắc Ukraine, nơi Moskva cho biết đã tập trung 100.000 quân và hàng trăm xe tăng.
Kể từ tháng trước, các lực lượng Ukraine đã hành quân ở phía đông và phía nam, chiếm lại một lượng nhỏ lãnh thổ trong cuộc phản công lớn đầu tiên của họ kể từ năm ngoái. Diễn biến phản công được đánh giá là diễn ra chậm chạp và họ vẫn chưa chiếm được tuyến phòng thủ chính của Nga.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()