Công ty khởi nghiệp Varda Space Industries ở California thông báo triển khai thành công vệ tinh đầu tiên W-Series 1 trên quỹ đạo. Công ty hướng tới khởi động sản xuất hàng loạt vật liệu trong không gian. Các vật liệu này không thể tạo ra trên Trái Đất hoặc phát triển nhanh với chất lượng cao hơn trong điều kiện vi trọng lực. Các tấm pin quang năng của nhà máy đầu tiên trong không gian đã tìm thấy hướng Mặt Trời và bắt đầu mở rộng, Varda cho biết sau khi vệ tinh bay lên quỹ đạo trong nhiệm vụ Transporter-8 của SpaceX hôm 13/6.
Vệ tinh W-Series 1 mang theo khoang nhỏ nặng 90 kg được thiết kế để nghiên cứu thuốc. Theo Varda, khoang này sẽ tách ra và bắt đầu bay trong không gian trong khi vẫn gắn liền cấu trúc cung cấp năng lượng, lực đẩy và liên lạc cần thiết để định vị trong chân không vũ trụ. Trong vài nhiệm vụ đầu tiên, cấu trúc đó sẽ được cung cấp bởi công ty Rocket Lab. Tiếp đó, thí nghiệm sẽ được thực hiện bởi cỗ máy robot trong khoang.
Hoạt động của Varda dựa trên nghiên cứu khoa học chứng minh tinh thể protein trong vũ trụ có thể hình thành cấu trúc hoàn hảo hơn so với trên Trái Đất, khi quá trình hình hành chịu tác động của trọng lực. Một ví dụ đến từ nghiên cứu do công ty dược phẩm Merck tiến hành trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Nghiên cứu đó phát hiện phiên bản ổn định hơn của nguyên liệu pembrolizumab, sử dụng trong thuốc chống ung thư Keytruda, có thể sản xuất trong điều kiện vi trọng lực.
Nhiệm vụ đầu tiên của Varda sẽ tập trung vào nghiên cứu phát triển ritonavir trong không gian. Đây là loại thuốc thường dùng để điều trị HIV nhưng gần đây ứng dụng trong chữa trị Covid-19. Công ty có đủ vốn để sử dụng cho ít nhất 4 nhiệm vụ đầu tiên.
Sau khi thí nghiệm của Varda hoàn thành, các kỹ sư trên mặt đất sẽ đánh giá liệu khoang nghiên cứu đã sẵn sàng trở về Trái Đất hay chưa. Nếu được thông qua, thiết bị vệ tinh sẽ đẩy khoang nghiên cứu về hướng Trái Đất. Sau đó, nó sẽ lao qua khí quyển và hạ cánh bằng dù, cho phép thu hồi vật liệu dược phẩm.
Nhiệm vụ này không dễ dàng bởi Varda sẽ cần chứng minh robot của họ có thể tiến hành thí nghiệm từ xa, đồng thời vẫn hoạt động sau khi chịu lực tác động mạnh từ quá trình phóng tên lửa. Hoạt động trở về cũng khó khăn không kém bởi lao qua khí quyển ở tốc độ 28.968 km/h sẽ tạo ra nhiệt lượng cực lớn và tích tụ plasma.
Công ty Varda được thành lập bởi cựu kỹ sư điện tử hàng không của SpaceX Will Bruey và Delian Asparouhov. Mục tiêu của họ là sản xuất hàng loạt sản phẩm ngoài không gian. "Từ sợi cáp quang mạnh hơn tới dược phẩm mới giúp cứu sống sinh mạng, có hàng loạt sản phẩm sử dụng trên Trái Đất ngày nay chỉ có thể sản xuất trong vũ trụ", Varda cho biết.
Ý kiến ()