Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:26 (GMT +7)
Nhà mạng phải thông báo tới thuê bao về gói dịch vụ nội dung đang sử dụng
Thứ 3, 17/12/2024 | 10:05:54 [GMT +7] A A
Theo quy định mới, vào ngày 25 hằng tháng, nhà mạng sẽ phải gửi thông báo tới các thuê bao về tên dịch vụ, các gói dịch vụ nội dung thông tin mà người dùng đang sử dụng.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Chia sẻ về một số điểm mới của Nghị định 147/2024/NĐ-CP, ông Trần Thế Phương, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, có mấy điểm các doanh nghiệp cần lưu ý khi cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.
Theo đó, dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động được hiểu là dịch vụ do tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin thông qua hạ tầng mạng viễn thông đến thuê bao di động.
Dịch vụ nội dung không bao gồm dịch vụ tra cứu thông tin sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng và xác nhận giao dịch.
Dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm) chỉ được cung cấp sau khi đã có xác nhận đồng ý và có thông báo đăng ký dịch vụ thành công gửi đến người dùng. Việc xác nhận thông báo có thể qua tin nhắn SMS hoặc các phương thức khác.
Thông báo phải bao gồm các thông tin: Thuê bao đã đăng ký thành công [tên dịch vụ vừa đăng ký]; mã, số viễn thông để cung cấp dịch vụ; chu kỳ cước, giá cước; cách hủy; tổng đài hỗ trợ tư vấn.
“Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung phải tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống tin nhắn rác, đặc biệt khi nhắn tin quảng cáo dịch vụ. Doanh nghiệp phải tạo công cụ để người dùng tra cứu lịch sử giao dịch trừ cước trong vòng 180 ngày kể từ ngày đăng ký. Trường hợp thuê bao yêu cầu hủy dịch vụ phải gửi ngay tin nhắn thông báo”, ông Trần Thế Phương cho biết.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung phải đảm bảo thông tin tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với doanh nghiệp viễn thông di động, Nghị định 147 cũng bổ sung thêm một số trách nhiệm so với các quy định pháp luật trước đây.
Cụ thể, doanh nghiệp viễn thông di động chịu trách nhiệm đảm bảo chỉ kết nối với các dịch vụ nội dung thông tin tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan.
Doanh nghiệp viễn thông di động phải có trách nhiệm khi cho các doanh nghiệp nội dung kết nối vào hạ tầng của mình.
Doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm tạm ngừng hoặc dừng kết nối trong một số trường hợp. “Ví dụ, khi phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo, phản ánh về nội dung của nhà cung cấp vi phạm pháp luật thì phải ngừng hoặc dừng kết nối với các doanh nghiệp nội dung này”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Doanh nghiệp viễn thông di động phải có trách nhiệm ngừng hoặc dừng kết nối khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời gian thực hiện chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu.
“Khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung đã bị cơ quan nhà nước ra quyết định đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, hoặc thu hồi kho số, mã số... phải ngừng kết nối. Khi không có giấy chứng nhận kết nối hoặc giấy chứng nhận hết hiệu lực cũng phải ngừng kết nối”, ông Trần Thế Phương lý giải.
Doanh nghiệp viễn thông di động phải có trách nhiệm kiểm soát toàn bộ quy trình, hệ thống, đảm bảo việc đăng ký xác thực, từ chối gia hạn, hủy dịch vụ... tuân thủ đúng quy định được nêu tại Nghị định 147.
Doanh nghiệp viễn thông di động vào ngày 25 hàng tháng phải gửi thông báo tới thuê bao về các gói nội dung thông tin đang sử dụng. Thông báo này bao gồm các thông tin: tên dịch vụ, gói dịch vụ đang đăng ký, giá cước.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()