Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:19 (GMT +7)
Thăm Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều
Chủ nhật, 15/08/2021 | 11:30:10 [GMT +7] A A
TX Đông Triều đã đầu tư xây dựng cạnh chùa Bắc Mã một nhà trưng bày các hiện vật, di vật quý về quá trình hình thành và phát triển của Chiến khu Trần Hưng Đạo (hay còn gọi là Đệ tứ Chiến khu, Chiến khu Đông Triều). Nhà lưu niệm như một bảo tàng lịch sử cách mạng để giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ trẻ.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Bắc Mã là một ngôi chùa lớn, có uy tín trong vùng, là nơi sư cụ Võ Giác Thuyên thường xuyên tiếp đón những cán bộ cách mạng mang danh nhà sư để dễ bề hoạt động. Địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2379/QĐ-BT, ngày 5/9/1994.
Phát huy giá trị di tích, Đông Triều đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều - chùa Bắc Mã. Các hạng mục đã được đưa vào sử dụng gồm: Tam quan, gác chuông, nhà tổ, nhà tăng - nhà khách, nhà bếp, am hóa vàng, nhà kho, nhà vệ sinh. Cùng với đó là Nhà lưu niệm (trưng bày) được bổ sung theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.
Mặc dù chùa Bắc Mã được quan tâm đầu tư song do chưa có quy hoạch tổng thể và nguồn lực có hạn nên chưa đồng bộ, có hạng mục đã bị xuống cấp chưa phát huy hết giá trị vốn có. Vì vậy, dự án tu bổ tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều - chùa Bắc Mã, xã Bình Dương giai đoạn 2 được UBND tỉnh phê duyệt với mức đầu tư 37,6 tỷ đồng đã đáp ứng được lòng mong mỏi đó.
Dự án gồm khu đình Bắc Mã, khu nhà lưu niệm và nhà ban quản lý. Khu đình Bắc Mã gồm có tứ trụ (nghi môn), đại đình, nhà tả vu hữu vu. Tứ trụ được phục hồi tôn tạo theo lối kiến trúc truyền thống gồm 4 trụ tạo thành cổng chính trên đỉnh có trang trí lồng đèn, đắp hoa văn tứ linh.
Đại đình được phục hồi và tôn tạo trên nền móng cũ của công trình. Đại đình gồm có tiền đường, ống muống, hậu cung. Công trình có diện tích xây dựng 209,6m2, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài màu nâu đỏ, bậc tam cấp bằng đá xanh, cửa bằng gỗ lim.
Nhà tả vu và hữu vu thiết kế đơn giản gồm 3 gian có diện tích xây dựng 50,9m2 nền lát gạch, mái lợp ngói mũi hài màu nâu đỏ, bậc tam cấp bằng đá xanh, cửa làm bằng gỗ lim. Khu nhà lưu niệm được bổ sung nội thất, bổ sung hiện vật phục vụ công tác trưng bày.
Nhà Ban Quản lý được xây mới tổng diện tích 72m2 nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài màu nâu đỏ, bậc tam cấp bằng đá xanh, cửa cũng làm bằng gỗ lim. Cùng với đó còn có cổng phụ, hệ thống nhà để xe, tường bao, sân, nhà đón tiếp, sân lễ hội, đường nội bộ, hạ tầng điện, nước, cấp thoát nước.
Có vai trò như một bảo tàng, Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều đang lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đông Triều nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Nhà lưu niệm được xây dựng tại khuôn viên chùa Bắc Mã (thôn Bắc Mã, xã Bình Dương). Ở đây còn lưu giữ và trưng bày các hiện vật, tư liệu và hình ảnh hào hùng của quân và dân ta trong giai đoạn tiền khởi nghĩa 1945.
Hệ thống hiện vật đa phần là vũ khí của nghĩa quân và lực lượng vũ trang cách mạng đơn sơ như: Gậy gộc, giáo mác, mã tấu, kiếm, chông (cả chông tre và chông sắt) lựu đạn chày, lưỡi mác, dao găm, 1 thanh kiếm mà lý trưởng Nguyễn Văn Nhữ dùng đàn áp nhân dân không cho phá kho thóc của Nhật, 1 thanh kiếm của đội du kích An Biên xã Thủy An, kiếm của các chiến sĩ nghĩa quân Trần Văn Xứng và Trần Văn Đáng, thanh quất được nhân dân Bắc Mã rèn tặng nghĩa quân làm vũ khí, súng lục tịch thu của bọn phỉ, một khẩu súng trường Mutskotong do nghĩa quân đánh đồn Đông Triều đã thu được và còn tiếp tục sử dụng trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp sau này, bánh xe của khẩu súng đại liên do công nhân xưởng cơ khí Mạo Khê trực tiếp sản xuất...
Ngoài ra còn có mũi khoan tay, chiếc xẻng đào hầm, áo và cờ của đồng chí Nguyễn Bình - chỉ huy của Chiến khu Trần Hưng Đạo; chiếc nồi đồng để nấu cơm cho nghĩa quân, chiếc cân tay chuyên dùng để cân gạo, một số tráp sơn và con dấu của thực dân phong kiến sử dụng trước Cách mạng Tháng Tám.
Cùng với đó có một số bức ảnh của Tiểu đội Trần Phú và Tiểu đội Phan Đình Phùng là 2 đơn vị thuộc Chiến khu năm xưa; ảnh ông Nguyễn Văn Đúc ở thôn Bắc Mã là người may lá cờ đầu tiên cho nghĩa quân. Hiện vật, tư liệu và hình ảnh tuy không nhiều nhưng cũng là những bằng chứng sinh động về tinh thần và trí tuệ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân; là sản phẩm của ý chí tự lực tự cường, trí thông minh, óc sáng tạo của quân và dân ta.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()