Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:39 (GMT +7)
“Hãy gìn giữ để Hạ Long đẹp mãi với thời gian…”
Chủ nhật, 14/11/2021 | 09:26:21 [GMT +7] A A
Nhà điêu khắc Nguyễn Đức Luận là tác giả triển lãm HaLong Zero Waste – “Hạ Long không rác thải” vừa diễn ra tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Anh và nhóm cộng sự đã miệt mài sáng tạo để biến những vật liệu tưởng như khô cứng, vô hồn, cất lên tiếng nói riêng, bay bổng và khoáng đạt. Nguyễn Đức Luận đã truyền cho chúng vẻ đẹp tâm hồn, nhịp đập trái tim mình. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn anh về ý nghĩa của triển lãm độc đáo này.
- Được biết, anh mới đến sinh sống và làm việc ở Hạ Long. Lý do vì sao anh lại dành nhiều tâm sức cho những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc từ sắt và than?
+ Đất và người Hạ Long tạo nên nhiều hứng khởi cho người nghệ sĩ chúng tôi, khiến tôi thăng hoa và có nhiều ý tưởng mới. Triển lãm hôm nay chỉ là bước khởi đầu để trong thời gian tới, nhóm thực hiện Halo Art sẽ giới thiệu tới người xem nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nữa.
- Chất liệu sáng tạo trong các tác phẩm điêu khắc của anh là sắt và than, chúng có gì đặc biệt so với các chất liệu khác?
+ Toàn bộ quá trình chế tác đều được làm hoàn toàn thủ công. Cắt, mài, dũa, uốn với những thanh sắt là nguyên liệu hoàn toàn mới đã khó. Đây lại là những thanh sắt phế thải, hoen gỉ. Tuy nhiên, khi mỗi sản phẩm được hoàn thiện lại cho thấy những đường nét, họa tiết được khắc họa vô cùng mềm mại, bay bổng, chau chuốt. Muốn vậy thì những thanh sắt uốn, bẻ, hàn xì, lắp ráp, những đoạn gỗ trôi nổi trên Vịnh được bào nhẵn và những hòn than kíp lê được đặt lên… để cho ra các tác phẩm.
- Vậy làm thế nào để thể hiện được cái mềm mại của Hạ Long qua các vật liệu tưởng như khô cứng ấy, thưa anh?
+ Sắt là một chất liệu đến sau trong nghệ thuật điêu khắc nhưng lại là chất liệu có lợi thế mà chất liệu khác không có được. Đó chính là khả năng chiếm lĩnh không gian theo nhiều chiều kích vây bủa, có thể rất thanh mảnh uốn lượn nhưng cũng có thể rất đặc nặng. Khả năng đa dạng trong việc lắp ghép, hàn gắn của sắt thép cũng mở rộng ngôn ngữ của điêu khắc.
Trong triển lãm có những tác phẩm chính làm tiêu biểu từ sắt nổi bật nhất là "Rồng phù Hạ Long" vẫn có những đường nét mềm mại, bay bổng. Toàn bộ quá trình chế tác hoàn toàn thủ công, với sự tham gia của những nghệ nhân lành nghề, mang ý nghĩa cầu an, vượng tài, ngăn chặn điều xấu, hóa giải tà khí cho không gian sống của con người. Truyền thuyết về Vịnh Hạ Long, di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới, hội tụ linh khí rồng thiêng, nơi rồng hạ cũng được tái hiện trong tác phẩm này.
Hầu hết chúng ta đều cho rằng, những thanh sắt khô cứng với kích cỡ khác nhau chỉ có thể dùng làm vật liệu trong xây dựng, trong kiến trúc và công cụ phục vụ lao động, sinh hoạt... Thật khó có thể hình dung sắt lại có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật, khắc họa được hình ảnh những sơn nữ với ánh mắt long lanh, nụ cười e ấp, đẹp, sống động, mềm mại và đáng yêu đến thế. Những cô sơn nữ thể hiện một phần văn hóa đa sắc màu dân tộc ở Quảng Ninh, nơi miền biên viễn với những cô gái Dao, Tày, Sán Chỉ rộn ràng váy áo trong ngày chợ phiên hay những lễ hội văn hóa dân tộc truyền thống ở địa phương mình.
- Một chất liệu khác cũng đáng chú ý đó là rác. Tôi muốn biết anh có ý tưởng gì khi dùng chất liệu này?
+ Một số tác phẩm làm từ rác thải mà nổi bật là tác phẩm "Trái đất xanh" được tạo thành bởi rác thải nhựa. Đó là vỏ lon bia, nước ngọt, gỗ vụn, sắt vụn và rất nhiều chế phẩm từ nhựa đã qua sử dụng khác. Quả địa cầu có đường kính 1,5 mét, chân đế cao 3 mét bằng gỗ vụn, tạo hình 5 bàn tay nắm chặt (đại diện cho con người 5 châu), cùng nâng đỡ quả địa cầu, bảo vệ trái đất. Từ trong lòng những chất thải nhựa đó, có một sự hồi sinh đang nhen lên như những mầm cây nhỏ và cánh chim hòa bình xuất hiện như là lời khẳng định cho một tương lai tươi xanh…
- Có vẻ như thông điệp về bảo vệ môi trường rất rõ ở đây...
+ Đúng vậy. Qua triển lãm, tôi mong muốn mọi người trân trọng, nâng niu những giá trị của cái đẹp, của văn hóa cốt lõi Quảng Ninh là văn hóa công nhân mỏ và thông điệp bảo vệ môi trường, vì một Hạ Long xanh, một Hạ Long không có rác thải.
Mong rằng các tác phẩm có thể trở thành một phần của Hạ Long, thành sản phẩm du lịch, có mặt tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Hạ Long, là nơi người dân và du khách lựa chọn để checkin trong hành trình du lịch của mình và vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật này sẽ cùng với du khách đi tới muôn nơi.
- Khi mang tới cho Hạ Long một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc sắc, anh muốn chia sẻ điều gì?
+ Khi các tác phẩm của tôi được giới thiệu tại không gian của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tôi vừa xúc động, vừa ngạc nhiên. Xúc động bởi công sức lao động của tôi và nhóm thực hiện Halo Art sau nhiều tháng miệt mài ngày đêm đã trở thành hiện thực. Ngạc nhiên vì sự hòa hợp rất đỗi giữa những tác phẩm điêu khắc của tôi với cảnh quan thiên nhiên và con người Hạ Long, thiên nhiên Hạ Long…
Với thông điệp Hạ Long không rác thải, các tác phẩm mà triển lãm Halo Art hướng tới đã phần nào nhắc nhớ mỗi người dân Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ luôn nhớ tới những ánh hào quang của những giá trị từ di sản vẻ đẹp của Hạ Long hay ngành công nghiệp than mà còn thôi thúc trong tâm trí mỗi cá nhân nhớ về giá trị nguồn cội. Từ đó, phải biết ra sức bảo vệ và phát huy để những giá trị văn hóa ấy trường tồn với thời gian.
Khi những tác phẩm nghệ thuật này hòa hợp với thiên nhiên, cảnh sắc của Quảng Ninh sẽ tạo ra những địa chỉ checkin mới hấp dẫn du khách. Văn hóa gắn kết với du lịch chính là một trong những nền tảng để du khách được thụ hưởng những giá trị sâu nhất, cảm thụ nhiều nhất về vẻ đẹp của một địa phương.
Có thể nói, vùng đất Quảng Ninh được thiên phú về cảnh sắc nên đã tô đậm trong tâm trí mỗi người những cảm quan về nghệ thuật khác nhau. Những hình ảnh chân thật, giản dị, gần gũi, biểu tượng của vùng than Quảng Ninh đó là hình ảnh công nhân ngành Than cũng được gieo vào triển lãm những ý tưởng độc đáo.
- Tại sao phải triển lãm ở cảng tàu và diễn ra vào lúc hoàng hôn, thưa anh?
+ Tôi chọn địa điểm và thời gian như vậy vì mong muốn dùng khung trời bình yên của Hạ Long, vẻ đẹp hoàng hôn của Vịnh, tôi cần bầu trời để làm nền vẻ đẹp của thiên nhiên cho những tác phẩm từ thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Đó là một không gian nên thơ, không gian mở để cho du khách dễ dàng tiếp cận và mỗi du khách sẽ có cho mình những cách hiểu, cách cảm khác nhau.
- Các tác phẩm của anh có vẻ khá trừu tượng. Điều đó có làm cản trở cách hiểu của công chúng?
+ Đúng là hơi trừu tượng. Vì thế, có người thích tác phẩm này nhưng có người lại thích tác phẩm khác. Đó cũng là bình thường mà. Tác phẩm nghệ thuật vốn đa thanh, đa ngôn ngữ. Khi xem triển lãm, du khách sẽ nhận ra các đối tượng nghệ thuật của chúng tôi đã thể hiện thông qua các tín hiệu nghệ thuật riêng.
Nó hơi trừu tượng nên trên thực tế đã có những du khách hỏi cái này là cái gì, cái kia có ý nghĩa ra sao và đương nhiên, chúng tôi không lấy đó làm phật ý mà sẽ giải thích nhiệt tình, cặn kẽ để cho du khách hiểu. Tôi diễn giải những điều mà mình gửi gắm đã ẩn chứa trong từng tác phẩm. Tôi lấy làm hạnh phúc vì được công chúng quan tâm đón nhận.
- Xin cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!
Huỳnh Đăng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()