Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:36 (GMT +7)
“Nhà của pin” - mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn
Chủ nhật, 26/05/2024 | 09:10:27 [GMT +7] A A
Thay vì để người dân vứt pin bừa bãi chung với rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, Hội LHPN phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) đã tạo ra những “nhà của pin” nhằm thu gom pin đã qua sử dụng mang đi xử lý đúng quy định. Mô hình được thực hiện trong toàn phường, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Pin là vật dụng quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Trong pin có chứa các kim loại nặng như chì, kẽm, cadmium và thủy ngân… Thông thường, khi sử dụng xong, người dùng sẽ vứt chung vào thùng đựng rác để đơn vị môi trường đi thu gom, chôn lấp hoặc đốt. Như vậy, khi không được phân loại và xử lý đúng cách, pin sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Ý tưởng “nhà của pin” xuất phát từ hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, do Hội LHPN phường Trần Hưng Đạo thực hiện từ năm 2023. Chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Trần Hưng Đạo, chia sẻ: Hiện nay, phần lớn thiết bị điện tử trong các hộ gia đình đều sử dụng đến pin. Nhận thấy tác hại của pin cũng như số lượng pin thải ra môi trường ngày càng lớn, chúng tôi đã đề xuất và triển khai mô hình “nhà của pin” nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom pin đã qua sử dụng đúng cách thay vì vứt bỏ bừa bãi. Hội LHPN phường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thu gom, xử lý pin theo quy trình đối với rác thải nguy hại, đồng thời triển khai các hoạt động đổi pin lấy giống cây, phân bón để người dân, các khu dân cư có thể trồng thêm cây xanh tạo cảnh quan tại gia đình, khu dân cư.
Trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo hiện có 12 “nhà của pin” được duy trì hoạt động, đặt tại các khu chung cư, trường học, nhà văn hoá, trụ sở UBND phường, các tuyến đường kiểu mẫu của khu dân cư. Trên mỗi “nhà của pin” đều được ghi các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ cho người dân biết được tác hại của pin đối với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hiền (khu phố 4, phường Trần Hưng Đạo) thỉnh thoảng mang theo những viên pin cũ bỏ vào “nhà của pin” gần nhà. Bà Hiền cho biết: Cùng với việc lắp đặt các “nhà của pin” ở các điểm công động, dễ nhìn, đông dân cư qua lại, khu phố chúng tôi cũng thông báo về việc thu gom pin đúng cách trên nhóm zalo. Các hộ dân xung quanh nhiều khi bận công việc không mang pin ra điểm thì đều mang qua nhà nhờ tôi thu gom sau đó tôi sẽ mang ra nhà pin. Thật sự, từ khi có những “nhà của pin”, người dân từ già đến trẻ đều có ý thức hơn trong việc thu gom pin nói riêng và rác thải nói chung để bảo vệ môi trường. Mô hình đã đi vào cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng cao của người dân.
Từ đầu năm đến nay, toàn phường đã thu gom được trên 1.000 viên pin đã qua sử dụng. Ngoài mô hình “nhà của pin”, từ nhiều năm nay, Hội LHPN phường Trần Hưng Đạo vẫn duy trì hiệu quả ở cả 5/5 khu phố mô hình “Phân loại rác thải - biến rác thành tiền” với số tiền thu được mỗi năm khoảng trên 15 triệu đồng. Qua đây, góp phần gây quỹ hoạt động cho các chi hội phụ nữ và tạo nguồn kinh phí giúp đỡ các hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Không riêng mô hình “nhà của pin”, thời gian qua, các hoạt động ra quân thu gom rác “Hãy làm sạch biển” của Đoàn Thanh niên các cấp, dọn vệ sinh “Ngày Chủ nhật xanh” tại các khu dân cư; mô hình “Phân loại rác thải - biến rác thành tiền”, tái chế phế thải, tạo thành sản phẩm chổi quét nhà, túi xách, làn đi chợ của các cấp Hội phụ nữ; hoạt động thu gom rác tại Công viên hoa Hạ Long (TP Hạ Long) hằng tuần của nhóm tình nguyện “Vì một Hạ Long xanh”; mô hình chuyên sản xuất đồ tái chế từ rác thải nhựa của HTX Green Life Hạ Long (TP Hạ Long); mô hình sản xuất phân bón được ủ từ rác thải hữu cơ thải bỏ tại TX Đông Triều, huyện Bình Liêu…. đều đã và đang được duy trì hiệu quả, thiết thực vì mục tiêu chung tay bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, mỗi cá nhân, tập thể bằng nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt và hơn hết là vì trách nhiệm với môi trường sống, với cộng đồng của mình, họ đã quyết tâm cụ thể hóa việc bảo vệ môi trường bằng những mô hình, hành động tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Qua đó, không ngừng lan tỏa thông điệp về sống xanh, sống sạch, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh vì một Quảng Ninh ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()