Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:22 (GMT +7)
Nhà báo Trần Giang Nam và cái duyên với ẩm thực Quảng Ninh
Chủ nhật, 19/06/2022 | 10:22:13 [GMT +7] A A
Khám phá vùng đất và con người Vùng mỏ qua ẩm thực là một góc nhìn thú vị. Một trong những người sớm đưa độc giả, du khách tới gần hơn với văn hóa, vùng đất Quảng Ninh qua lăng kính ẩm thực, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, là nhà báo Trần Giang Nam.
Nhà báo Trần Giang Nam sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi cửa ngõ phía Tây Bắc (tỉnh Hòa Bình). Ông học Khoa Văn (ngành Ngôn ngữ học) thuộc Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH-NV Hà Nội), đi lính, rồi về công tác ở Viện Ngôn ngữ học (Hà Nội)...
Về làm báo ở Quảng Ninh là cái duyên của chàng trai trẻ người miền núi. Đó là những năm khi chiến tranh biên giới nổ ra, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông cùng bạn bè nhập ngũ ra chiến đấu ở biên giới Đông Bắc. Chiến tranh kết thúc, chàng trai người miền núi đã kịp quen một cô giáo người Quảng Ninh. Quay trở về thủ đô sau chiến tranh, tình yêu đã kéo ông trở lại Vùng mỏ lần nữa, rồi làm đám cưới và ở lại Quảng Ninh từ năm 1985.
Về Vùng mỏ, ông xin vào công tác tại Báo Quảng Ninh. Sau 2 năm công tác ở bộ phận Thư ký biên tập với nhiệm vụ sửa Mo-rát (sửa lỗi ở bản bông, bản in thử của báo sắp bằng những con chữ chì...), ông bất ngờ được phát hiện và chuyển sang làm phóng viên. Người phát hiện ra khả năng của ông chính là nhà văn Lý Biên Cương, khi đó cũng đang công tác tại Báo Quảng Ninh.
“Làm ở bộ phận này thường phải làm muộn, thường tới 12h đêm, thậm chí phải thông luôn đến gần sáng hôm sau mới xong việc. Một lần như thế, trên đường về nhà (nhà ông ở cách nhà in 5km), tôi thấy đoạn đường dài đèn đường chập chờn, chỗ thì cháy bóng, khiến đi đêm rất khó và nguy hiểm. Nhân đó, tôi nghĩ, sao mình không viết thử chuyện này nhỉ! Một bài phản ánh trên báo ở mục "Chuyện nhỏ, chuyện to" (bài “Đèn đường”) chỉ với khoảng trăm chữ, ký tên N.A.M, đã nhận được sự quan tâm của độc giả, đặc biệt có sự đánh giá cao từ nhà văn Lý Biên Cương và đồng nghiệp, cho rằng tôi nên đi viết báo (không ngồi sửa Mo-rat nữa)” - ông nhớ lại.
Sau đó, nghiệp viết báo của ông bắt đầu. Một lần nữa, ông lại được nhà văn Lý Biên Cương phát hiện và đánh giá cao bởi văn phong không thuần túy báo chí mà còn có chất văn… "Lối viết có phong cách riêng, Nam viết tùy bút, ký báo chí và phóng sự rất ổn” - ông Trần Giang Nam nhớ lại lời đánh giá của nhà văn Lý Biên Cương.
Chính vì thế, nhà văn Lý Biên Cương, người chịu trách nhiệm chuyên mục này trên báo Thứ 7 của Báo Quảng Ninh sau đó đã giao hẳn chuyên mục cho ông. Về sau, tờ báo này được đổi thành Báo Quảng Ninh Cuối tuần. Đây là tờ báo khổ nhỏ, hấp dẫn, hút độc giả bởi tính giải trí, cách viết mềm mại hơn. Và ở đây, ông đã sáng tạo nhiều chuyên mục, trong đó có chuyên mục ẩm thực dưới tên gọi Hương vị quê hương, sau đổi thành Hương vị quê nhà..., thu hút nhiều độc giả, du khách quan tâm.
“Tôi là người thích di chuyển, thích ăn uống, là người khó tính thậm chí kĩ tính trong ăn uống. Thấy đâu có món ngon là tôi phải ăn bằng được rồi thẩm và sau đó nỗ lực tự chế biến ngon như nhà hàng, đầu bếp danh tiếng đó nấu. Tôi là người vùng núi, xuống sống với biển, với Quảng Ninh, tôi thấy ẩm thực Quảng Ninh rất đa dạng, vùng biển có nhiều món hải sản, cách chế biến rất độc đáo mà trong đó còn ẩn chứa các câu chuyện mà ít người biết, nét đặc sắc về văn hóa vùng, miền. Những điều này đã trở thành chất liệu tuyệt vời để tôi đưa vào mục ẩm thực và thể hiện dưới dạng các bài ghi, cảm nhận có nét/phong cách riêng giúp người đọc không chỉ cảm nhận được món ăn, mà còn biết thêm nhiều điều thú vị về Quảng Ninh" - nhà báo Trần Giang Nam chia sẻ.
Với vốn sống phong phú, hay dịch chuyển, quả thật qua những trang viết của ông mà nhiều độc giả, du khách thêm hiểu, thêm yêu văn hóa, con người Quảng Ninh qua các món ăn. Nhiều độc giả còn nhớ mãi những câu chuyện về Chả mực giã tay, thưởng thức hải sản và tích về Cái Xà Cong cùng vô số câu chuyện ẩm thực trên vùng đất Quảng Ninh vốn có cả biển lẫn rừng, từ vùng cao tới khu vực biên giới, hải đảo... với không ít điều thú vị mà chính người bản địa còn chưa biết rõ. Chính điều này đã định hình phong cách và sức hấp dẫn trong các trang viết của ông.
Trong suốt quá trình 19 năm làm báo ở báo Quảng Ninh của mình, ông đã dành 15 năm viết cho các chuyên mục trên với hàng nghìn tác phẩm. Nhiều trang viết trong số đó cho tới nay vẫn được các trang ẩm thực Quảng Ninh trích, giới thiệu...
“Tôi vẫn mong có dịp tiếp tục tìm hiểu và có những trang viết để thể hiện được hồn cốt văn hóa ẩm thực, con người, vùng đất Quảng Ninh. Đồng thời luôn mong tìm hiểu được các món ăn mới, trải nghiệm và học để chế biến ngon như các đầu bếp bản địa. Đó cũng là niềm vui và cảm hứng cho các trang viết của tôi” - nhà báo Trần Giang Nam chia sẻ.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()