Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:10 (GMT +7)
"Nhà Bác Hồ" ở Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ 6, 15/05/2020 | 13:20:17 [GMT +7] A A
Theo dòng chảy thời gian, ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác.
Tại TP. HCM có một Di tích lịch sử cấp quốc gia rất đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở 9 tháng trước khi rời Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, đó là căn nhà số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn, nay là số 5 đường Châu Văn Liêm thuộc phường 14, quận 5. Căn nhà nhỏ đơn sơ lưu dấu chân Người trên hành trình tìm đường cứu nước vĩ đại nay được gọi bằng cái tên trân trọng và gần gũi là “Nhà Bác Hồ”.
Nơi dừng chân của Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
Là người yêu thích môn lịch sử, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng Ban an ninh quốc phòng địa bàn dân cư của Quận Đoàn 5 thường dành thời gian đến các bảo tàng tại TP. HCM để tham quan và tìm hiểu thông tin. Đặc biệt, những bảo tàng trưng bày thông tin, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chị tìm đến rất nhiều lần bởi “càng xem càng thấy hay và học hỏi được rất nhiều”. Trong đó, Di tích số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 là điểm đến quen thuộc của chị Thảo bởi Quận đoàn 5 thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động dành cho thanh thiếu niên. Qua các hoạt động này, nơi Bác Hồ từng sống 110 năm trước được biết đến nhiều hơn, trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Người,
Di tích số 5 Châu Văn Liêm được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. |
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: "Khi tìm hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều tôi ấn tượng nhất là ý chí kiên cường và quyết tâm thực hiện mục tiêu ở Bác, vì học từ Bác là học những điều nhỏ nhất. Đoàn thì có những phương thức mới như trò chơi, hội thi thuyết minh viên không chuyên, giúp lan tỏa trong thanh thiếu nhi trên địa bàn. Bất cứ một hành trình nào, điểm đầu tiên các bạn tìm đến là di tích này".
Không gian trưng bày tầng 1 được sắp xếp hợp lý. |
Tên đầy đủ của Di tích số 5 Châu Văn Liêm là “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Theo tư liệu lịch sử, căn nhà xưa kia là trụ sở của Liên Thành phân cuộc, một chi nhánh của Liên Thành thương quán. Ngày 19/9/1910, được sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ Phan Thiết vào Sài Gòn với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Ba. Nguyễn Văn Ba đã sống ở căn nhà số 1-2-3 Quai Testard Chợ Lớn, nay là số 1-3-5 Châu Văn Liêm làm việc và chờ dịp ra nước ngoài. Trong 9 tháng ở đây, Nguyễn Văn Ba đi làm ở một trường thợ máy, bán báo ở thương cảng Quận 5 để kiếm sống, tìm hiểu đời sống của người dân và tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động Nam kỳ. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã lên tàu Latouche Tréville với vai trò phụ bếp, rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Di tích số 5 Châu Văn Liêm là điểm đến quen thuộc của Đoàn viên, thanh niên. |
Ngôi nhà cách đây 109 năm mà Bác Hồ đã sống giờ nép mình giản dị ở một ngã tư đường Châu Văn Liêm, Quận 5. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, thuyết minh viên của di tích này cho biết, nhiều người lần đầu tiên tìm đến không khỏi bất ngờ khi biết rằng đây là di tích đặc biệt.
“Địa chỉ đỏ” trong lòng thành phố
Cuối năm 1988, Bộ Văn hóa quyết định công nhận nhà số 5 đường Châu Văn Liêm là Di tích lịch sử quốc gia và được gọi với cái tên gần gũi là “Nhà Bác Hồ”. Gần 110 năm trôi qua, nhưng nơi đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc của ngôi nhà phố theo phong cách cổ.
Thạc sĩ văn hóa Trần Thị Lan, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu lập hồ sơ di tích của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử thuộc Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM cho biết, di tích này có giá trị rất đặc biệt, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. So với thời gian bôn ba hải ngoại sau này, khoảng thời gian 9 tháng không dài nhưng là nơi Người đã có cái nhìn thực tế về tình hình đấu tranh cách mạng trong nước. Chị Lan cho biết: "Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cả nước có rất nhiều. Riêng với di tích này, tuy diện tích không lớn nhưng giá trị và ý nghĩa rất quan trọng. Bác đã ở đây và sống trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chỉ có những người thân thiết hỗ trợ thôi nhưng đã khắc phục tất cả và hiểu thấu được con đường cứu nước của mình".
Nhiều hoạt động Đoàn ý nghĩa được tổ chức tại di tích này. |
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền Quận 5 đã nhiều lần sửa chữa, trùng tu căn nhà, sưu tầm và trưng bày những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là quãng đời thanh niên của Người. Ông Huỳnh Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – văn nghệ của Trung tâm văn hóa Quận 5 – đơn vị quản lý trực tiếp của di tích này cho biết, vài năm nay, vào các ngày lễ lớn như 3/2, 30/4 và đặc biệt là 19/5, “Nhà Bác Hồ” thu hút đông người đến tham quan, thắp hương. Nhiều bạn trẻ vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại di tích này.
"Đặc biệt tại quận 5 thì đây là nơi Bác Hồ từng ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước và được trùng tu nhiều lần. Mới đây nhất là năm 2019, được sửa sang lại trang nghiêm hơn, mặt ngoài thì vẫn giữ nguyên, ở trong thì làm đẹp hơn. Mỗi năm, Trung tâm văn hóa quận 5 đều tổ chức Hành trình công dân đến với lịch sử văn hóa và 2 điểm đến thường xuyên là di tích số 5 Châu Văn Liêm và Bệnh viện Nhiệt đới – nơi đồng chí Trần Phú hy sinh", ông Huỳnh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Hiện ngành văn hóa TP. HCM đang tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu để đưa Di tích số 5 Châu Văn Liêm đến với đông đảo người dân hơn. Mới đây nhất, một bộ đồ kaki trắng, đôi dép nhựa và chiếc điện thoại Người từng sử dụng cũng được bổ sung và trưng bày ở tầng 1 để không gian trưng bày thêm phong phú. "Nhà Bác Hồ" luôn được mở cửa và có người hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan. Theo dòng chảy thời gian, di tích này càng có sức lan tỏa hơn, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác.
Theo Bích Huyền/VOV
Liên kết website
Ý kiến ()