Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:40 (GMT +7)
Nguyễn Thu Mát: Nét thơ đằm thắm bên dòng sông Cầm
Thứ 5, 20/10/2022 | 19:51:10 [GMT +7] A A
Tôi gặp chị lần đầu tiên tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội Văn học nghệ thuật TX Đông Triều, khi đó, tôi mới chập chững bước vào Hội Văn học nghệ thuật thị xã. Cảm nhận khi tiếp xúc với chị là nụ cười thân thiện, giọng nói ấm áp, truyền cảm. Qua tìm hiểu, tôi được biết, chị là một nhà giáo và đã sáng tác nhiều thơ, truyện và có những bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc như bài “Đồng làng” do nhạc sĩ Xuân Nhật phổ nhạc giành giải A Liên hoan Âm nhạc toàn quốc 2019, bài thơ “Lên Ngọa Vân”, nhạc sĩ Đỗ Hòa An phổ nhạc năm 2020...
Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thu Mát, sinh năm 1955, tại thôn Mễ Sơn, xã Xuân Sơn (nay là phường Xuân Sơn) TX Đông Triều. Hiện chị đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật TX Đông Triều. Nguyễn Thu Mát kể, từ nhỏ chị đã rất ham mê văn chương, đọc không sót quyển nào trong thư viện của trường. Có tiền là chị mua sách đọc hoặc mượn của anh chị bạn bè. Những bài báo tường của chị hồi ấy đã được bạn và thầy cô chú ý. Ước mơ của chị là trở thành cô giáo dạy học. Qua những trang sách, vần thơ từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường cứ len lỏi, ngấm dần nuôi lớn ước mơ của Thu Mát. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Ninh, chị lên huyện Ba Chẽ dạy học ở Trường Phổ thông cơ sở Thanh Lâm, sau chuyển về Trường Vùng cao huyện Ba Chẽ - ngôi trường dành cho con em những người có công với cách mạng của huyện. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của những giáo viên miền núi thiếu thốn, gian khổ không kể xiết, nhưng lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô giáo trẻ Thu Mát vượt lên tất cả để đến với các em, với công cuộc “cõng chữ lên non” gian nan này.
Giữa khung cảnh biên cương Tổ quốc, xa nhà, xa quê, lạ lẫm trong núi rừng mịt mùng, trùng điệp nhiều lúc chị thấy nản nhưng nhìn đàn em nhỏ thơ ngây thiếu chữ chị lại cố gắng và tìm niềm vui trong công việc. Ngày hai buổi lên lớp với học sinh, tối dạy bổ túc cho người dân. Ở một nơi khi đó còn chưa có điện thắp sáng, đến lớp đi theo những vệt sáng phát ra từ những con đom đóm nhỏ bé ven rừng, cũng được chị coi như một người bạn đồng hành thân thiết. Đó là tứ thơ đầu tiên nảy lên trong đầu Thu Mát: “Tối tối em lên lớp/ Đom Đóm bay đầy đường/ Núi mờ rừng cây lặng/ Thấp thoáng trong màn sương” và từ bao giờ chị đã yêu nơi này: “Bản em đây - Quê hương/ Tình thiết tha gắn bó./ Một mai xa sẽ nhớ/ Những đêm rừng gội sương” (Em đi dạy bổ túc).
Thơ chị viết ra như rút từ gan ruột. Khi bất chợt đứng trước một nhành hoa, một con suối, một cơn mưa rừng hay một ánh mắt trong veo, một nụ cười hồn nhiên trong trẻo của em bé người Dao, trong chị dâng lên cảm xúc và bật lên những ý thơ. Chị viết lúc trong sổ tay, khi vào trang giáo án, hay những trang nhật ký.
Khi chia tay một đồng nghiệp được về xuôi đi học: Đêm im lặng mênh mông/ Tiếng vạc khuya vọng tới/ Dội nỗi buồn vời vợi/ Vào đôi lòng chia xa/ Nhớ những ngày đã qua/ Mơ những ngày đang tới/ Gió trời như ngừng thổi/ Lành lạnh ngàn sương rơi/ Biết nói gì bạn ơi/ Ngày mai rồi xa cách/ Bạn về trường đại học/ Mình ở lại với rừng/ Đường đời xa quá đỗi/ Câu thơ buồn rưng rưng” (Đêm chia tay).
Chuyển về quê Đông Triều dạy học, Thu Mát xây dựng gia đình với người bạn trai cùng lớp trường cấp 3. Cưới nhau xong anh vào thành phố Hồ Chí Minh công tác trong ngành công an, chị ở lại. Kể sao cho hết những nỗi vất vả, gian truân của người phụ nữ trẻ, với hai đứa con thơ dại cùng một người mẹ già, ngày đêm mong ngóng, đợi chờ ngày đoàn viên. Mẹ chồng chị, một người mẹ cũng đã từng trải qua những đau thương mất mát quá lớn trong cuộc đời mình. Khi mẹ mới tròn 33 tuổi, đã mang trên đầu hai vành khăn trắng thờ chồng. Người chồng trước của mẹ đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu chống càn của quân Pháp. Sau đó bà gặp và nên duyên với người chồng sau. Hạnh phúc chưa được bao lâu, khi anh Mùa (chồng chị) mới được 15 tháng tuổi, còn chưa kịp nhớ hết gương mặt của người cha, thì ông đã hy sinh bên dòng sông Kinh Thầy. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, bà nén chặt trong lòng, cố gắng vực dậy để lo cho đàn con nhỏ dại. Về làm dâu mẹ, chị thấu hiểu và chia sẻ nỗi lòng của mẹ. Trong sâu thẳm lòng mình những cung bậc yêu thương đó đã thành những ý thơ thấm đẫm dòng nước mắt: Nhớ thương mẹ đến bao giờ/ Ruộng sâu mẹ lội nẻo bờ chênh vênh/ nắng nung mưa đổ xoay vần/ một mình thân mẹ tảo tần ngược xuôi/ Quết trầu đỏ tím bờ môi/ gò mình neo giữa dòng đời vần xoay/ Lấy đêm thăm thẳm làm ngày/ Nuôi con nuôi cả đắng cay phận mình...” (Mẹ tôi).
Thơ của Thu Mát được đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí từ những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đã nghỉ hưu, được bạn bè động viên và khích lệ, chị mới tập hợp những bài thơ ấy in thành sách. Tuy hơi muộn, nhưng tập thơ “Hoa đồng nội” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2012, vừa ra đời đã gây được sự chú ý của đông đảo bạn đọc và bạn bè yêu thơ. Hai năm sau, tập thơ “Trăng quê” tiếp tục ra đời, được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Năm 2015, được lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TX Đông Triều vận động, chị đứng ra khôi phục Câu lạc bộ thơ 8-6, đổi tên thành Câu lạc bộ thơ Bích Động và chị làm Chủ nhiệm. Dưới sự chỉ đạo của chị, Câu lạc bộ hoạt động sôi nổi, có nhiều đóng góp vào phong trào văn học nghệ thuật TX Đông Triều và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Năm 2019, chị được bầu giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật TX Đông Triều.
Thu Mát luôn tận tụy hết mình, xây dựng mối đoàn kết, khơi dậy và động viên các anh chị em say mê sáng tác. Chị luôn chú trọng và tạo điều kiện, tổ chức những chuyến đi thực tế, tìm nguồn cảm hứng sáng tác cho tập thể và bản thân. Đến đâu chị cũng có thơ, ký hoặc những trang ghi chép đầy cảm xúc và sự tìm tòi chiêm nghiệm thể hiện lên trang chữ để cùng lan tỏa niềm say mê đó tới tất cả các hội viên. Trong những ngày chống dịch Covid-19 gay go nhất, chị đã đề xuất với Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật TX Đông Triều phát động phong trào thi đua sáng tác và tổ chức tuyển chọn bài in sách, gây niềm tin, sự hứng thú cho hội viên say mê sáng tác. Hai năm thực hiện “Ở nhà cũng là chống dịch” chị đã tham gia biên tập chính và cho ra đời hai tập sách của Hội Văn học nghệ thuật TX Đông Triều là tập “Đông Triều ngày mới” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020 và tập “Đông Triều vào thu” do Nhà xuất bản Thanh Niên in năm 2021.
Dù bận rộn với công việc chung, Nguyễn Thu Mát vẫn sáng tác đều đặn. Thơ và văn của chị ngày càng cháy lên trong cảm xúc. Mới đây, chị cho ra mắt tập truyện ngắn hơn 200 trang có tựa đề “Mùa hoa Trường Sơn” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành đầu năm 2022. Là văn hay thơ của Nguyễn Thu Mát đều đọng lại trong người đọc sự trăn trở với cuộc đời, sự da diết tình đời và trách nhiệm người công dân trong cuộc sống.
Với các giải thưởng: Giải B Lê Thánh Tông (2015), Giải A Lê Thánh Tông (2020) và Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long lần thứ VIII (2011-2015), Nguyễn Thu Mát đã gặt hái được những thành công nhất định trên con đường sáng tác của mình. Với nhiều người, chị là một cô giáo biết làm thơ, viết văn, nhưng với tôi, chị là một cây viết để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Đọc các tác phẩm của chị, tôi như thấy mình được truyền thêm nguồn cảm hứng và niềm say mê sáng tác. Tình yêu quê hương đất nước, niềm khát khao mong mỏi hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn.
Trần Mai Lan
Liên kết website
Ý kiến ()