Chủ tịch địa ốc Alibaba bất ngờ nhận tội thay vì kêu oan, song cho biết bản thân không gian dối và không có ý thức chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Ngày 9/5, phiên xem xét kháng cáo của Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và vợVõ Thị Thanh Mai(đang tại ngoại) cùng 13 đồng phạm về tộiLừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiềntiếp tục với phần thẩm vấn.
Là người đầu tiên bị xét hỏi, Luyện cho biết thay đổi kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt thay vì kêu oan. Tuy nhiên, bị cáo không đồng ý bản án sơ thẩm xác định mình có hành vi gian dối, chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại.
Theo án sơ thẩm, năm 2016 Luyện thành lập Công ty địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Bị cáo còn thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hơn 4.500 khách hàng, chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng.
"Bị cáo không hề có ý thức chiếm đoạt tiền của khách hàng", Luyện nói, vẻ điềm tĩnh và cho biết những trình bày này không phải để kêu oan mà muốn nêu lên chính kiến của mình.
Theo Chủ tịch địa ốc Alibaba, khi ký hợp đồng bán đất nền với khách hàng đều thông báo rõ tình trạng của từng khu đất. Sau 12 tháng mà chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng thì bị cáo sẵn sàng mua lại của khách hàng với giá cao hơn. "Tôi thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và muốn nhanh chóng kết thúc vụ án để các em tôi (bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực) sớm thi hành án, được về với gia đình", Chủ tịch Alibaba nói thêm.
Luyện khai toàn bộ nguồn tiền thu được đều chuyển vào tài khoản mình quản lý, sử dụng, song không chiếm đoạt. "Số tài sản hiện tại của cá nhân và công ty đủ khả năng khắc phục toàn bộ thiệt hại", bị cáo nói.
Chủ tọa Võ Văn Khoa cho biết, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng đánh giá cao việc bị cáo không sử dụng tiền vào việc "ăn chơi" mà đầu tư vào vốn đất. "Chúng tôi đồng ý với bị cáo số tài sản hiện tại còn nhiều, đủ để khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bị cáo không có hành vi phạm tội", chủ toạ nói.
Chủ tịch địa ốc Alibaba đáp: "Tôi nhận thức được ý chủ tọa, mong tòa ghi nhận việc khắc phục thiệt hại để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo".
Ngay sau phần thẩm vấn bị cáo Luyện, chủ tọa cho biết có nhận được đơn của ông Lê Viết An (ngườicó quyền và nghĩa vụ liên quantrong vụ án) với nội dung đã thoả thuận với vợ chồng Luyện là"thay các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng trong vụ án cho tất cả các bị hại". Điều kiện ông An đưa ra là tòa phải công nhận thỏa thuận này và giải tỏa kê biên các bất động sản giao lại cho ông.
Đồng thời, từ trại giam, bị cáo Luyện cũng có đơn đồng ý giao toàn bộ bất động sản cho ông An, với điều kiện phải chịu trách nhiệm toàn bộ thiệt hại của những người đã mua đất, đầu tư vào Alibaba - tức bao gồm cảbị hạivàngười liên quantrong vụ án.
Vấn đề này, HĐXX cho biết đã làm việc với ông An, đồng ý cho ông khắc phục thiệt hại thay cho các bị cáo. Tuy nhiên, việc công nhận thoả thuận của các bên là một quan hệ dân sự nằm ngoài phạm vi vụ án; việc giải tỏa kê biên giao đất cho ông An cũng nằm ngoài thẩm quyền của tòa. "HĐXX khuyến khích không chỉ ông An mà bất cứ ai có thiện chí thay các bị cáo khắc phục toàn bộ thiệt hại thì tòa sẽ ghi nhận. Bởi việc này có thể giải quyết hậu quả vụ án một cách nhanh gọn thay vì phát mãi, đấu giá mất nhiều thời gian", chủ tọa nêu quan điểm.
4 ngày trước ông An gửi văn bản cho tòa, nói sẽ nộp trước 150 tỷ đồng nhưng đến nay chưa nộp. HĐXX đề nghị Luyện bàn bạc với luật sư và vợ liên hệ với ông An để chốt lại việc khắc phục thiệt hại vụ án.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, HĐXX đã hoàn tất xét hỏi các bị cáo khác. Họ đều thừa nhận hành vi phạm tội, trình bày các tình tiết giảm nhẹ mới, khắc phục hậu quả... xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Thanh Mai tiếp tục vắng mặt nên tòa sẽ xét hỏi bổ sung sau.
Sau nửa ngày làm việc, HĐXX cho biết khối lượng hồ sơ vụ án đặc biệt lớn, cần thời gian trích lục tài liệu nên tạm nghỉ. Ngày 11/5, tòa làm việc trở lại.
Hồi tháng 12/2022, TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tộiLừa đảo chiếm đoạt tài sản.Mai lĩnh 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tộiRửa tiền,tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Nguyễn Thái Lực bị tuyên 27 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù; các bị cáo khác nhận 10-19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm buộc Luyện và Mai liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bị hại (được nêu chi tiết trong các phụ lục I, II của bản án) - tương đương 2.400 tỷ đồng.
Ngay sau đó Luyện và vợ đều kêu oan, cho rằng các dự án là có thật, không gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Tất cả các thửa đất đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng, ghi rõ nguồn gốc đất...
Ý kiến ()