Ngày 10/12, phiên xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư.
Trả lời luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (bào chữa cho Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực), Luyện tiếp tục phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng.
Luyện cũng cho rằng 57 dự án (một dự án được đổi tên sau đó, được thành lập trên 12 công ty con) đều có thật bởi tất cả các thửa đất trong những dự án này đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng, ghi rõ nguồn gốc đất, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng hợp tác... Đến hiện tại, đều được tách ra sổ và hầu hết là đất thổ cư.
Trong khi đó, Luyện bị cáo buộc năm 2016 thành lập Công ty địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, Luyện còn thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn sau đó quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng cách này, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng tố cáo bị chiếm đoạt 2.108 tỷ.
Trả lời luật sư về căn cứ tách thửa đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng bán cho khách hàng, Luyện nói đã dựa vào các quy định của Luật Đất đai, Luật Dân sự, các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, Luyện còn căn cứ trên quy định tách thửa tại địa phương để phù hợp với khu đất đã mua cũng như nhu cầu của người mua.
"Pháp luật về đất đai hiện nay không có điều khoản nào nghiêm cấm chủ sử dụng đất tách thửa đất nông nghiệp, mà còn khuyến khích người sử dụng đất căn cứ vào Luật đất đai để đầu tư, làm gia tăng giá trị của lô đất", Luyện nói, thêm rằng những lô đất nông nghiệp mà bị cáo mua đều đã được chính quyền địa phương cho phép tách thửa và cấp giấy chứng nhận. Hiện cơ quan điều tra thu giữ của bị cáo 652 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Luyện cũng cho rằng, Công ty Alibaba mua đất nông nghiệp sau đó tách thửa, phân lô đều là công khai, minh bạch và được các cơ quan chức năng đồng ý. "Việc tổ chức bán hàng cũng diễn ra công khai và tôi là người trực tiếp giám sát. Sau khi ký hợp đồng 5-10 ngày, nếu khách hàng không muốn mua nữa chúng tôi sẽ trả lại tiền và trả lãi theo lãi suất ngân hàng", Luyện khai.
Ngoài ra, Luyện cho biết, số lượng khách hàng cơ quan điều tra nêu trong cáo trạng là hơn 4.500 người và nhiều lần thay đổi nhưng đều chưa đúng, thực tế nhiều hơn rất nhiều. "Công ty Alibaba có vài trăm nghìn người đã ký kết hợp đồng. Trung bình mỗi tháng công ty bán từ 1.500 đến 2.000 sản phẩm. Trong đó có những sản phẩm do hai đến ba người đồng sở hữu. Không biết vì lý do gì, có thể là họ tin tưởng và bảo vệ công ty nên không làm đơn tố", Luyện nói.
Theo bị cáo, số tiền và danh sách khách hàng trên là những người đang đầu tư tại công ty, có đầy đủ hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đây là những hợp đồng thỏa thuận dân sự hợp pháp có ghi rõ thời hạn và toàn bộ đất trong những dự án mà Alibaba và các công ty con ký với khách hàng đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Từ đó, Luyện cho rằng cáo trạng quy kết mình lừa đảo là oan sai, dẫn đến các bị cáo khác cũng bị oan. "Quá trình điều tra bị cáo đã gửi tổng cộng 80 đơn thư kêu oan và khiếu nại, nhưng cơ quan điều tra cho là không có căn cứ", Luyện trình bày.
Tuy nhiên, khi trả lời thẩm vấn của luật sư, hầu hết các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố. Họ cho rằng mình chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Luyện, không hiểu biết pháp luật và không được hưởng lợi từ việc ký hợp đồng với khách hàng mà chỉ nhận lương tháng, nên đề nghị HĐXX xem xét.
Ý kiến ()