Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 04:50 (GMT +7)
Nguyễn Sơn Hà - Cây bút trưởng thành từ Vùng mỏ
Chủ nhật, 25/09/2016 | 15:19:59 [GMT +7] A A
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà thuộc đội ngũ những người viết văn về đề tài người thợ mỏ và công nghiệp khai thác than từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Gần như tất cả những sáng tác của ông đều viết về Vùng mỏ và những người thợ mỏ.
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà (đứng giữa, hàng trước) và các hội viên văn xuôi Hội VHNT Quảng Ninh năm 1977. Ảnh: Tư liệu của Hội VHNT Quảng Ninh |
Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1939 tại xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tốt nghiệp phổ thông năm 1957, ông đi học lớp trung cấp kỹ thuật cơ điện. Cuối năm 1960, ông về công tác tại mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Cọc Sáu). Ở mỏ Cọc Sáu, Nguyễn Sơn Hà làm cán bộ kỹ thuật, làm đến đốc công cơ điện của Xí nghiệp.
Là một cán bộ kỹ thuật bận rộn tối ngày tại mỏ, nhưng vì tình yêu với văn chương, ông vẫn tranh thủ thời gian để sáng tác. Hàng loạt tác phẩm của ông đã ra đời, trong đó nổi bật nhất là 3 cuốn tiểu thuyết viết về công nhân mỏ, gồm: “Thời gian đang đi” (1983), “Dưới chân núi Đục” (1985), “Giữa hai huyền thoại” (1988). Bên cạnh đó, còn có các tập truyện ngắn khác như: “Gió tươi” (tập truyện ngắn, 1974), “Người mới đến” (tập truyện ngắn, 1984), “Dòng chữ cuối cùng” (tập truyện, 1987), “Chúa của muôn hoa” (tập truyện, 1992) v.v.. Ông cũng đã đoạt một số giải thưởng văn học như: Giải A về truyện ngắn của Tổng Công đoàn Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1971; giải A Văn nghệ Hạ Long về tiểu thuyết, năm 1985; giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ năm 1971; giải C Văn nghệ Thanh Hoá lần thứ nhất, 1992. Nguyễn Sơn Hà là hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, hội viên Hội VHNT Thanh Hoá và được kết nạp làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985.
Cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Nguyễn Sơn Hà là “Thời gian đang đi”. Ông đã chọn bối cảnh để cho các nhân vật xuất hiện là một mỏ than có tên gọi Cao Sơn Hạ. Ở đó, hàng loạt những khó khăn được đặt ra, những chướng ngại vật cần phải gạt bỏ để có thể đưa sản lượng khai thác than tăng cao theo yêu cầu cách mạng. Cũng từ đây, chân dung những người thợ làm than đã nổi bật lên. Trong đó nhân vật trung tâm là những công nhân mỏ ở tuổi thanh niên có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản như: Hoàng, Kim, Vóc, Duyên. Họ vượt qua những khó khăn thử thách trong công việc bằng chính cái vốn chuyên môn về khoa học kỹ thuật đã được đào tạo.
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà không quá chú tâm vào miêu tả ngoại hình nhân vật mà ông đi sâu khai thác, phản ánh diễn biến tâm lý của những nhân vật thợ mỏ. Vì thế nhân vật của ông có tâm lý tính cách phức tạp, đa tuyến. Lối hành văn của Nguyễn Sơn Hà thường kiệm lời, thỉnh thoảng buông ra những câu nhận xét ngắn gọn. Ông hay đưa vào tiểu thuyết của mình những ngôn ngữ của dân làm kỹ thuật và ông góp phần làm lan toả thứ ngôn ngữ của thợ mỏ ra đời sống xã hội.
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà còn là người có công sáng lập ra Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh và làm biên tập viên ở đây từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh kể, ông đã cùng với ông Lê Xuân Đức, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hoá ra Quảng Ninh xin nhà văn Nguyễn Sơn Hà về Hội. Khi Nguyễn Sơn Hà về cố hương Thanh Hoá, Tạp chí văn nghệ hoạt động có bài bản và quy củ hơn. Cùng với Từ Nguyên Tĩnh, Văn Đắc, Mạnh Lê, Thanh Sơn, nhà văn Nguyễn Sơn Hà là một biên tập viên chắc chắn ở Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh. Vừa làm biên tập viên ông vừa tiếp tục sáng tác. Năm 2000, nhà văn Nguyễn Sơn Hà qua đời tại TP Thanh Hoá, hưởng thọ 62 tuổi.
Nhà thơ Long Chiểu, người bạn văn chương, đồng hương với Nguyễn Sơn Hà, bùi ngùi nhớ lại: Nguyễn Sơn Hà say mê đến cùng với văn chương. Với các bạn văn, anh cũng hết lòng như vậy. Khi anh còn ở Quảng Ninh, mỗi lần chúng tôi đến thăm, anh đều rất hồ hởi đón tiếp như người thân của mình vậy.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()